Viết tiếp bài “Để Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục có quyết sách đúng”

Kỳ vọng một chương trình hành động quyết liệt, để người dân cùng giám sát, phản biện

Thứ Bảy, 08/03/2014, 15:40
Báo CAND ra ngày 7/3 có bài “Để Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục có quyết sách đúng” đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà quản lý.
>> Người dân kỳ vọng gì vào việc thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục?

Những ý kiến được nêu trong bài báo trên đã thể hiện một sự kỳ vọng lớn lao của nhân dân đối với cơ quan này, trong đó đặt niềm tin vào những người được giao trọng trách nắm những vị trí chủ chốt trong Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo sẽ có những quyết sách lớn, những giải pháp chiến lược để có thể thay đổi được cơ bản giáo dục đào tạo nước nhà. Những nhà khoa học, nhà giáo khi chia sẻ với PV Báo CAND về chủ đề này đều khẳng định, những quyết sách phải rất quyết liệt, khoa học và được thực hiện từng bước thận trọng…

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam: Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo ra đời cũng là niềm vinh hạnh lớn của giới khoa học!

Tôi cũng theo dõi rất sát sao sự việc Thủ tướng công bố trong tháng 3/2014 sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (UBQG). Điều đó cho thấy, Chính phủ đã triển khai rất nhanh, rất quyết liệt Nghị quyết 29 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ GD&ĐT cũng đã đưa nhiều phần việc triển khai vào cuộc sống. Như tinh thần của Nghị quyết 29, muốn vào được cuộc sống phải có một cơ quan chỉ đạo xuyên suốt các vấn đề giáo dục đào tạo nước nhà. Thủ tướng cũng đã khẳng định, UBQG sẽ có nhiều nhà chuyên môn giáo dục, nhà khoa học tham gia. Như vậy, Thủ tướng chờ đợi và tin tưởng ở đội ngũ các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý. Đây cũng là niềm vinh hạnh lớn cho các nhà khoa học chúng tôi.

Nghị quyết 29 nêu nhiều phần việc phải làm trong tương lai. Tôi mong rằng, UBQG sẽ cho ra đời một chương trình công tác cụ thể, công khai, minh bạch để người dân cùng giám sát, phản biện. Tuy nhiên, đây là công việc cực kỳ phức tạp và khó khăn. Từ năm 1991 đến năm 1996 (Nghị quyết TW2 khóa 8) đã khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục là phát triển xã hội chứ không phải là phúc lợi. Đến nghị quyết này hay chương trình hành động sắp tới của Chính phủ cũng khẳng định giáo dục vẫn là quốc sách hàng đầu. Giáo dục nhằm hình thành phẩm chất năng lực của người học; những kiến thức hàn lâm, chuyên môn sẽ dừng lại, nhường chỗ cho những kiến thức thiết thực của đời sống để đào tạo con người “thực học, thực nghiệp”, còn gọi là giá trị bản thân. Giá trị bản thân vô cùng quan trọng bởi nó còn giúp hình thành nên sức mạnh quốc gia. Tôi đang rất quan tâm đến đề án chương trình – sách giáo khoa (CT – SGK) sau năm 2015 của Bộ GD&ĐT. Về mặt nguyên lý, phải xác định hệ thống giáo dục quốc dân là gì thì mới đi vào xây dựng CT – SGK. Nếu là hệ thống giáo dục 12 năm như hiện nay thì dự thảo CT – SGK mà Bộ đang xây dựng, góp ý kiến là không phù hợp.

Dư luận xã hội hy vọng những quyết sách, chủ trương lớn về giáo dục đều vì lợi ích của người dân.

Sau năm 2015, nếu thực hiện xây dựng người học đạt phẩm chất năng lực thực có thì chúng ta phải thay đổi hệ phổ thông – có thể 2 năm cuối của THPT là “hướng học, hướng nghiệp” thì lớp 9, lớp 10 chúng ta đã phải phân luồng rồi. Khi đó, CT – SGK cũng phải phục vụ phân luồng. Tôi nhấn mạnh là, nếu thay đổi hệ thống giáo dục quốc dân thì phải xây dựng CT – SGK khác, nhưng hiện nay, CT – SGK Bộ GD&ĐT đã có bản dự thảo rồi. Nói cách khác, phải xác định chuẩn kiến thức, sau đó mới cho xây dựng CT, rồi mới làm SGK. Nhưng hiện tại, cả CT – SGK đều cho chung vào 1 đề án thì không ổn. Do đó, vấn đề này phải chờ Thủ tướng quyết định.

Làm giáo dục, theo tôi không thể làm vụn vặt được. Lúc thì Bộ GD&ĐT báo cáo có 446 trường ĐH, CĐ, lúc lại là 500 trường ĐH, CĐ (là hệ lụy của tình trạng mở ồ ạt trường đại học). Hôm trước vừa cho dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo, mấy ngày sau lại cho mở lại 62 ngành. Đưa ra ví dụ này, tôi muốn nói là những quyết sách về giáo dục phải thận trọng, có hệ thống, quy trình. Nếu được chọn một việc để kiến nghị UBQG làm đầu tiên thì thật khó. Bởi giáo dục đi theo mùa vụ. Bộ nói chọn thi cử là khâu đột phá chưa chắc đã đúng vì thời điểm này, mùa thi bắt đầu thì phải chọn thi cử để thay đổi là đúng thôi. Các việc liên quan đến sự thay đổi căn bản, toàn diện phải được thực hiện đồng bộ rất khoa học, có lộ trình, càng không thể tắt được. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào người tổng chỉ huy”.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: Những quyết sách của UBQG hãy bắt đầu những điều căn bản nhất

Tôi hy vọng UBQG này sẽ có quyền lực mạnh mẽ như Ủy ban Cải cách giáo dục những năm trước đây. UBQG sẽ có những chỉ đạo quyết liệt, không chỉ cho giáo dục, mà còn cho cả các ngành liên quan tới giáo dục. Chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà, thực chất là một cuộc cải cách giáo dục, từ việc xác định hệ thống giáo dục đến xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đổi mới quản lý, thi cử - đều nhằm đưa giáo dục vào hệ thống đúng như vị trí của nó. Tuy nhiên, nếu UBQG chỉ như một tổ chức tư vấn các vấn đề giáo dục thì sức mạnh của nó sẽ không nhiều. Hiện Chính phủ có hai cơ quan liên quan đến giáo dục là Hội đồng quốc gia giáo dục và Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập. Hội đồng quốc gia giáo dục thì hoạt động thất thường; Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập thì mới thành lập nên cũng chưa có nhiều hoạt động. Vậy hai cơ quan này có trực thuộc UBQG hay không?

Theo tôi, những quyết sách của UBQG hãy bắt đầu những điều căn bản nhất. Chúng ta đặt ra yêu cầu lớn về nguồn nhân lực đáp ứng CNH – HĐH trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vậy thì nội dung dạy học, đào tạo nghề, đào tạo đại học ra sao? Hệ thống giáo dục phổ thông như thế nào? CT - SGK phục vụ cho hệ thống giáo dục phổ thông nào? Tất cả đều phải làm rõ. Chúng tôi mong muốn, UBQG phải gọi tên được việc sẽ làm. Ví dụ, nếu khẳng định hệ thống giáo dục 12 năm thì CT – SGK sẽ theo 12 năm, 11 năm thì sẽ có CT – SGK 11 năm. Nếu nhân lực yêu cầu trình độ vừa hoặc thấp thì hệ thống đào tạo sẽ như thế nào? Nếu nhân lực cao thì đào tạo phải bứt phá ra sao.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang đi từ “khúc giữa” trước. Tức là khi chưa gọi tên được việc cần làm mà đã xác định phải bắt đầu từ giáo dục mầm non, tiếp đến là CT – SGK là không đúng cách làm đâu. Hệ thống trường nghề cũng cần phải xem xét lại, nếu học sinh học xong lớp 12 rồi lại đi học tiếp trung cấp nghề thì là học thụt lùi, là đào tạo thừa. Hiện nay, hệ thống phổ thông của chúng ta Quốc hội chưa quyết định thì CT – SGK sẽ xây dựng như thế nào? Nếu chúng ta đặt ra mục tiêu hội nhập quốc tế thì tiếng Anh phải dạy từ lớp 1, sao giờ lại yêu cầu dạy từ lớp 3? Chúng tôi vẫn mong mỏi rằng, cần phải xác định triết lý giáo dục, mục tiêu, hệ thống giáo dục quốc dân thật rõ ràng thì mới tổ chức thực hiện các “giải pháp kỹ thuật” được

Thu Phương
.
.
.