Kỹ nghệ tráo điện thoại của dân dán keo vỉa hè

Thứ Hai, 19/07/2010, 16:08
"Những chiếc điện thoại đời mới gây sốt có giá trị cao thường là tầm ngắm chính của bọn gian. Trong túi quần hay hộp đồ nghề của các tay bịp này bao giờ cũng có vài ba chiếc điện thoại đời mới hiệu Trung Quốc giá chỉ bằng 1/5, có khi 1/7 giá hàng chính hãng. Khi có khách tới nhờ dán điện thoại mới mua, chỉ cần họ đảo mắt, lơ là một chút là tay bịp nhanh tay đổi con dế thiệt bằng dế dỏm có hình dáng y như hàng xịn", ông Hải, tài xế chạy xe ôm trước cổng Công viên Tao Đàn (đường CMT8, quận 3, TP HCM) bật mí.

 

Mấy ngày qua, anh Quang Mạnh, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Lao động xã hội (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM) điên đầu vì "con dế" Nokia E72 màu trắng mua cách đây 1 tháng với giá 7.849.000 đồng bị chập mạch, màn hình khi tối khi sáng. Đem đến chính hãng "méc" và yêu cầu "hoặc đổi mới, hoặc bảo hành" thì cả 2 yêu cầu này của anh đều bị đơn vị bảo hành khước từ bởi đó không phải là hàng chính hãng, mà là hàng nhái… Xâu chuỗi lại sự việc, anh Mạnh tin chắc con dế xịn "bị thổi" trong quá trình anh mang đi dán keo trên vỉa hè đường Tô Ký lúc vừa "đập hộp"!

Đầy đau khổ, chị Mỹ, ngụ phường Trung Mỹ Tây kể lại tình cảnh tương tự: "Dù rất thích chiếc Sony Ericsson Xperia X2 siêu cấp giá bán 11 triệu đồng nhưng tôi không dám mua con tương tự là hàng Trung Quốc giá chưa đầy 3 triệu đồng vì sợ xài mấy bữa nó "đổ bệnh". Dành dụm gần 3 tháng trời, tôi vào cửa hàng phân phối chính hãng tuyển nó về. Để "dế cưng" luôn mới, tránh bị trầy xước, vừa mua xong tôi mang ra khu dán keo trên đường Tô Ký nhờ người ta bọc áo giáp cho nó. Tuần đầu con dế chạy rất êm nhưng sang ngày thứ 8 thì nó lúc đầu là tịt loa, tiếp đó mất chức năng gọi. Tôi mang đến chỗ mua yêu cầu bảo hành thì họ bảo đấy không phải là hàng mua tại cửa hàng. Tôi cự thì họ chỉ cho thấy số sê-ri, mã số trên thân máy khác biệt với số ghi trên thẻ bảo hành… Cự cãi đã đời, lúc bình tâm suy nghĩ lại, tôi mới biết con dế xịn của mình bị biến thành "dế" rởm lúc nhờ người ta dán keo cho nó"…

Cẩn trọng kẻo "dế" bị luộc. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Tình cảnh sử dụng chưa đầy tháng thì "dế" liên tục phát bệnh, khi tối màn hình, khi đứng máy, lúc tịt loa… dù "dế" được mua tại những shop, cửa hàng điện thoại lớn, có uy tín đã và đang khiến nhiều thượng đế như anh Mạnh, chị Mỹ đau đầu. Loại bỏ các yếu tố khả nghi, anh Mạnh và chị Mỹ đúc kết: "Con dế chỉ có thể bị thuốc lúc được tay thanh niên dán keo mà thôi".

Từ nỗi đau của 2 khổ chủ trên, qua tìm hiểu chúng tôi ghi nhận mánh khóe thổi dế tinh vi của không ít dân dán keo. Ông Hải, tài xế chạy xe ôm trước cổng Công viên Tao Đàn (đường CMT8, quận 3), khu vực tập trung đông dân dán keo điện thoại, xe máy, laptop…, bật mí: "Những chiếc điện thoại đời mới gây sốt có giá trị cao thường là tầm ngắm chính của bọn gian. Trong túi quần hay hộp đồ nghề của các tay bịp này bao giờ cũng có vài ba chiếc điện thoại đời mới hiệu Trung Quốc giá chỉ bằng 1/5, có khi 1/7 giá hàng chính hãng. Khi có khách tới nhờ dán điện thoại mới mua, chỉ cần họ đảo mắt, lơ là một chút là tay bịp nhanh tay đổi con dế thiệt bằng dế dỏm có hình dáng y như hàng xịn".

T.D.
.
.
.