Kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XI: Sống động và dân chủ

Thứ Năm, 30/11/2006, 08:38

Ba tân Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, Giao thông vận tải, Tài chính đã đăng đàn và không né tránh trách nhiệm của mình trong những trả lời chất vấn của đại biểu Quốc Hội. Nổi bật nhất vẫn là phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Sau hơn một tháng làm việc chia hai giai đoạn, kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XI đã họp phiên bế mạc chiều 29/11. Đây là kỳ họp có tính chất đặc biệt với nhiều nội dung vượt ngoài chương trình một kỳ họp thông thường.

Kỳ họp diễn ra ở thời điểm đất nước rốt ráo thực hiện các phần việc kết thúc 5 năm kế hoạch 2001-2006 về phát triển kinh tế - xã hội, tổng kết giai đoạn đầu thế kỷ XXI thực hiện các mục tiêu lớn; triển khai các nội dung, chủ trương đã được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Đồng thời, đây là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 14 và việc chính thức ghi tên thứ 150 vào danh sách các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây cũng là kỳ họp đầu tiên nhìn nhận, xem xét việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chiều 29/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007; biểu quyết, thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2007; thông qua Nghị quyết điều chỉnh chỉ tiêu dự án trồng 5 triệu ha rừng; thông qua Nghị quyết nhiệm vụ năm 2007.

Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu ông Mạc Kim Tôn

Chính những tính chất đặc biệt này, kỳ họp thứ 10 đánh dấu nhiều điểm đổi mới trong tiến trình cải cách lập pháp, giám sát của Quốc hội. Kỳ này không dàn trải vào việc "giám sát nhiều nhưng không sâu", Quốc hội chỉ tập trung vào những điểm nhấn cơ bản. Đó là giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án) với các báo cáo cụ thể; giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và giám sát đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề; giám sát dự án trồng 5 triệu hécta rừng.

Đặc biệt, việc Quốc hội dành nhiều thời gian giám sát thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay thời điểm khi hai đạo luật này vừa có hiệu lực thi hành.

Ngoài việc phòng, chống tham nhũng được xem là nội dung lớn, các giám sát chuyên đề khác cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tại kỳ họp này, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an báo cáo Quốc hội công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, các cơ quan tư pháp khác báo cáo công tác kiểm sát, xét xử, thi hành án.

Thừa nhận diễn biến tội phạm phức tạo do nhiều tác động từ cơ chế thị trường, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa nhưng Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an khẳng định trước Quốc hội rằng, yếu tố cốt lõi đảm bảo sự thành bại vẫn chính là bên trong, tức là ở chúng ta, ở người thừa hành nhiệm vụ.

Mưu đồ kẻ địch với các hành vi chống phá, kích động thời nào cũng có, thủ đoạn mỗi lúc một thay đổi nhưng chúng có làm được không, ta có chống được không chính là ở ta, ở nội hàm chủ thể của cuộc đấu tranh - hệ thống chính trị và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc chiều 29/11.

Quốc hội cũng tăng tốc việc thảo luận, thông qua các đạo luật tiến kịp yêu cầu, đòi hỏi khi Việt Nam gia nhập WTO. Số lượng luật thông qua nhiều hơn (11 luật), số lượng luật cho ý kiến cũng tăng nhưng cốt lõi nhất vẫn là chất lượng luật, làm sao luật đi vào thực tiễn không bộc lộ nhiều sơ hở. Các dự luật về kinh tế, thương mại được quan tâm hàng đầu, phù hợp với xu thế hội nhập mới của đất nước.

Tính chất đặc biệt của kỳ họp còn thể hiện ở việc quyết định những vấn đề hệ trọng quốc gia. Ngay khi kỳ họp đang sôi động bàn thảo thì tại Geneva, ngày 7/11 đánh dấu Việt Nam trên bản đồ WTO. Sự kiện trọng đại này khiến sau đó bàn nghị trường cũng nóng hẳn, Quốc hội tán thành, phê chuẩn Tờ trình của Chủ tịch nước về việc Việt Nam gia nhập WTO. Sự kiện APEC 14 tác động rất rõ qua các phiên thảo luận của Quốc hội

Một điểm nổi bật nữa là dấu ấn chất vấn, trả lời chất vấn tại nghị trường. Đáng ghi nhận là chỉ ngay sau khi nhậm chức vài tháng, 3 tân Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, Giao thông vận tải, Tài chính đã đăng đàn và không né tránh trách nhiệm của mình.

Nổi bật nhất vẫn là phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Với tác phong đĩnh đạc, Thủ tướng trả lời sâu rõ từng vấn đề đại biểu nêu. Thủ tướng còn cởi mở nói rằng sẽ trả lời ngay cả trong thời gian Quốc hội không họp và sẵn sàng lên diễn đàn đối thoại với dân qua mạng điện tử. Điểm đổi mới mạnh mẽ này thực sự tạo ấn tượng trước Quốc hội và hàng triệu cử tri. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, vẫn còn thành viên Chính phủ lúng túng, mất bình tĩnh, trả lời vòng vo, không nhìn thẳng vào sự thật khiến cử tri không hài lòng.

Năm 2007, năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI sẽ có nhiều mốc đáng chú ý. Đây cũng là năm Quốc hội sẽ họp 3 kỳ, thay cho 2 kỳ như thường niên. Tuy nhiên, do nặng về việc bầu cử, chuẩn bị nhân sự nên thời gian này việc lập pháp giảm nhiều

Phan Trường - Đinh Bá
.
.
.