Giải bài toán sạt lở ngày càng khốc liệt ở Tây Nam Bộ: Truy đúng nguyên nhân, giải pháp hiệu quả

Kỳ 2: Không thể… sống chung

Thứ Năm, 09/07/2020, 08:12
Theo số liệu thống kê mới nhất, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có hơn 560 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 834km. Trong đó, sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km, chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch…



Theo người dân ĐBSCL, hạn mặn, nước ngập có thể sống chung nhưng sạt lở thì không. Chính quyền địa phương và người dân đã tốn rất nhiều tiền của, công sức chống sạt lở nhưng chưa thật sự phát huy hết hiệu quả. Quỹ đất ngày càng hạn hẹp, người dân không có nơi ở mới nên bám trụ, bên bờ vực sạt lở.

Cần ưu tiên người dân ở vùng sạt lở

Các chuyên gia dự báo, trước mắt, người dân sống ven sông rạch và chính quyền địa phương ĐBSCL cần tiên liệu trước rằng sạt lở có thể diễn ra dữ dội đầu mùa mưa, tháng 6-7. Đặc biệt chú ý các địa điểm sông cong, nơi bờ sông cao, đất nhiều cát, mái dốc quá khẳm và các đoạn sông Hậu, sông Tiền ở An Giang, Đồng Tháp để theo dõi chặt chẽ, di dời sớm và chuẩn bị lực lượng ứng cứu để tránh thiệt hại tính mạng và tài sản.

Tại các buổi tiếp xúc với cử tri ở Cần Thơ vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ đã ưu tiên và bố trí nhiều nguồn vốn cho khu vực ĐBSCL ứng phó với sạt lở. Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh (Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) đề đạt nguyện vọng rằng, ĐBSCL đang rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tìm giải pháp xử lý hiệu quả. “Chúng ta có thể sống chung với lũ, hạn mặn chứ không thể sống chung với sạt lở”, Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh nói.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý triệt để đối với các công trình lấn chiếm sông rạch. Việc xử lý căn cơ lâu dài, Sở NN&PTNT đã trình HĐND thành phố đề án bố trí dân cư, trong đó ưu tiên cho người dân vùng sạt lở. Việc này trong kế hoạch trung hạn, từng bước di dời nhà dân cặp sông rạch lên khu vực an toàn.

Công trình kè bê tông tại khu vực sạt lở Vàm Nao (huyện Chợ Mới, An Giang).

“Hiện, nan giải nhất là trung tâm quận Ninh Kiều. Các nhà ở tồn tại lâu đời, nếu di dời thì cần có nguồn lực rất lớn để đầu tư tái định cư, cần lồng ghép những vấn đề này vào các chương trình phát triển đô thị”, ông Mai Như Toàn nói.

Tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các dự án trọng điểm bảo vệ bờ sông Tiền ở huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành, TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc. Thực hiện dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, chủ động các giải pháp phòng chống sạt lở một cách có hiệu quả.

Sở Xây Dựng rà soát, quản lý qui hoạch nghiêm cấm xây dựng các công trình, kho tàng, nhà ở dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở. Xây dựng hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu trong các cụm tuyến dân cư giai đoạn 2. Sở TN&MT quản lý việc khai thác các đúng phạm vi quy định, kết hợp việc khai thác cát với việc chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền hướng vào giữa tránh gây ảnh hưởng sạt lở bờ sông.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của 6.400 hộ dân sinh sống trong vành đai sạt lở, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng 23 cụm tuyến dân cư, trong đó đề xuất ưu tiên trước mắt đầu tư 6 cụm tuyến dân cư để di dời 1.900 hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi ở an toàn.

Trong những năm qua, bằng nguồn lực của tỉnh và Trung ương hỗ trợ đã đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng chống sạt lở bờ sông, như: Kè chống sạt lở Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự); Kè chống xói lở bảo vệ thị xã Hồng Ngự; Kè chống xói lở khu vực phường 11 (TP Cao Lãnh); Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực xã Mỹ An Hưng B, (huyện Lấp Vò); Kè Bình Thành đến Vàm Phong Mỹ…

Bê tông hóa có ngăn được sạt lở (?)

HĐND TP Cần Thơ mới đây đã tổ chức kỳ họp bất thường, thông qua 3 dự án làm kè chống sạt lở bờ sông, gồm: Dự án kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, chiều dài 1.685m, với tổng mức đầu tư khoảng 196 tỷ đồng); Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến Vàm Ba Rích, phía bờ trái sông Ô Môn, hướng từ cầu Ô Môn trở ra sông Hậu; chiều dài 1.900m, với tổng mức đầu tư hơn 223 tỷ đồng) và Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (khu vực Thới An, phía bờ phải, đoạn từ Rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu; dài 950m với tổng vốn đầu tư gần 117 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, vấn đề ưu tiên trong ứng phó sạt lở của tỉnh An Giang là bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, tiếp đó mới tính đến các vấn đề xử lý sạt lở. Việc xử lý sạt lở bằng các giải pháp công trình chỉ thực hiện trong tình huống cấp bách, mang tính cấp thiết trước mắt nên thường tốn chi phí rất cao và không bền vững vì nó không giải quyết được gốc rễ vấn đề, công trình có thể bị hư hỏng sau 2-3 năm hoặc gây sạt lở ở các khu vực lân cận.

Để khắc phục đoạn sạt lở trên tuyến QL91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) sau khi hoàn thành 5km QL91 mới (từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương), Bộ GTVT đã giao lại tuyến QL91 bị sạt lở thuộc xã Bình Mỹ cho tỉnh An Giang triển khai tiếp phần xử lý và kiên cố hóa đoạn có nguy cơ sạt lở dài hơn 2km, với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng (hiện UBND tỉnh An Giang đang khẩn trương triển khai thực hiện).

“Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý, kiên cố hóa đoạn sạt lở đoạn qua xã Bình Mỹ thì không đảm bảo lâu dài. Hiện, chiều rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực này kéo dài khoảng 3km bị thắt hẹp còn khoảng 300m (do phù sa bồi đắp ở bờ đối diện) so với đoạn ở thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m, làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói lở bờ. Đồng thời, công trình bảo vệ bờ QL91 làm giảm thêm tiết diện mặt cắt ướt dòng chảy, sẽ làm tăng nguy cơ xói lở. Do đó cần chỉnh trị dòng chảy sông Hậu đoạn qua khu vực để bảo vệ QL”, ông Trần Anh Thư phân tích.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nguyên nhân gây ra sạt lở không thể hoàn toàn giống nhau ở địa phương này với địa phương khác. Tuy nhiên, sự biến động lớn đặc điểm thuỷ văn dòng chảy và suy giảm phù sa là một trong các nguyên nhân chính. Bên cạnh đó việc khai thác cát quá mức, gia tăng mật độ xây dựng công trình sát bờ sông và giao thông thuỷ là những nguyên nhân làm tình hình mất ổn định bờ nghiêm trọng thêm tình trạng sạt lở bờ sông.

“Một số công trình chống sạt lở không hiệu quả, tốn nhiều tiền của vì chỉ làm theo kiểu đối phó trước mắt, chưa nắm hết nguyên nhân và quy luật sạt lở. Hiện nay, mô hình chống sạt lở rất khác nhau ở mỗi địa phương nên khó có thể lấy kết quả nơi này để áp dụng cho nơi khác mà cần có một sự khảo sát, phân tích, phân loại và đánh giá cẩn thận mới khẳng định tính hiệu quả theo thời gian”, PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.

Văn Vĩnh – Trần Lĩnh
.
.
.