Kiến nghị tăng mức cho sinh viên vay lên 1,1 triệu đồng/tháng
Ngày 21/2, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Đây là một chương trình tín dụng lớn, thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cho hàng triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã phát sinh khi thực hiện chương trình, đó là nguồn vốn bị động, chậm giải ngân và vẫn có tình trạng xác nhận không đúng đối tượng cho vay.
Hơn 3 triệu lượt HSSV đã được vay vốn
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, tính đến cuối tháng 12/2012, tổng nguồn vốn của chương trình là 36.125 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách cấp 1.495 tỷ đồng chiếm 4,1%, vốn đi vay và phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 34.630 tỷ đồng chiếm 95,9% tổng nguồn vốn. Chương trình đã cho hơn 3 triệu lượt HSSV được vay vốn, đến nay đang còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học. Cơ cấu cho vay theo đối tượng thụ hưởng thì đối tượng hộ nghèo dư nợ là 10.116 tỷ đồng với 532 ngàn hộ chiếm 28,2% tổng số hộ dư nợ; đối tượng hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo dư nợ là 13.776 tỷ đồng với 677 ngàn hộ, chiếm 35,9% tổng số hộ dư nợ… Về cơ cấu cho vay theo trình độ đào tạo, sinh viên đại học dư nợ là 16.559 tỷ đồng, với 924 ngàn HSSV, chiếm 39,9% tổng số HSSV đang dư nợ; sinh viên học cao đẳng dư nợ là 12.146 tỷ đồng, với 802 ngàn HSSV…
Theo ông Dương Quyết Thắng, thành công của Chương trình tín dụng HSSV là do sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, do sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, trong đó Bộ Tài chính đã tích cực tham mưu cho Chính phủ tăng mức cho vay, từ tháng 8/2011, mức cho vay là 1,0 triệu đồng/HSSV/tháng.
Hỗ trợ tối đa cho sinh viên vay vốn ngân hàng. Ảnh: K.H. |
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai chương trình tín dụng, những khó khăn đã nảy sinh. Đó là, do nhu cầu nguồn vốn lớn, thời gian cho vay dài nên nguồn vốn chưa ổn định, bền vững. UBND cấp xã tại một số địa phương khảo sát điều tra bổ sung chưa kịp thời hộ nghèo; một số trường thực hiện việc xác nhận cho HSSV còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông qua các đoàn kiểm tra đã phát hiện 3.639 hộ vay sai chính sách, chiếm 0,62% số hộ được kiểm tra, trong đó xác nhận sai đối tượng là 3.501 hộ, sử dụng vốn sai mục đích là 138hộ.
Ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (nơi có số lượng HSSV “thụ hưởng” chương trình tín dụng lớn nhất (110 ngàn) với số tiền cho vay trong 5 năm đạt 1.650 tỷ đồng) chia sẻ, do nguồn vốn bị động nên vào dịp đầu năm học hoặc đầu học kỳ II, việc cho HSSV vay tiền luôn chậm trễ; thêm nữa, hiện nay có quá nhiều chương trình đào tạo, nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, nhiều hộ gia đình vay vốn cho con đi học nghề, học các trường trung cấp, cao đẳng, khi ra trường không có việc làm hoặc thu nhập thấp nên khó khăn trong việc trả nợ.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng ỷ lại vào tín dụng chính sách của một bộ phận người dân, đặc biệt là một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…
Không gây sức ép lên HSSV để thu nợ
Theo ông Dương Quyết Thắng, mục tiêu giai đoạn 5 năm tiếp theo của chương trình tín dụng sẽ dự kiến tổng nguồn vốn khoảng 45.000 tỷ đồng, phấn đấu không để một HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học. Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần tạo lập nguồn vốn cho vay của Chương trình theo hướng ổn định, bền vững. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức cho vay đối với HSSV lên 1,1 triệu đồng/HSSV/tháng; như vậy, nếu tăng thêm 100.000 đồng/HSSV/tháng thì nguồn vốn cho vay tăng thêm khoảng 670 tỷ đồng/năm. Một kiến nghị nữa là Chính phủ nên bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn.
Tháng 9/2011, Ngân hàng chính sách xã hội đã khảo sát 218.780 hộ gia đình có 2 con là sinh viên; 100% UBND tỉnh, thành phố đều nhất trí đề xuất này tới Chính phủ. Ngân hành Chính sách còn kiến nghị tiếp tục gia hạn nợ thêm đối với những HSSV chưa tìm được việc làm, chưa có khả năng trả nợ trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc nâng hạn mức cho vay luôn được quan tâm để đảm bảo chi phí theo giá cả hiện hành; so với thời điểm mới triển khai chương trình, mức cho vay hiện nay đã thay đổi và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, do đề án học phí được phê duyệt có sự khác biệt giữa các ngành nghề đào tạo nên Ngân hàng Chính sách xã hội cần phối hợp với Bộ GD & ĐT rà soát lại để xác định mức cho vay phù hợp với từng ngành nghề, không cào bằng. Trong thời gian tới, có thể xem xét mức cho vay để ngoài việc đảm bảo học phí, còn có thể hỗ trợ phần nào việc ăn ở, sinh hoạt của HSSV. Đồng thời, rà soát để chia rõ các đối tượng không có việc làm, hoàn toàn không có khả năng chi trả nợ với những đối tượng chưa có việc làm chính thức, nhưng vẫn có công việc phụ để gia hạn nợ. Việc thu nợ phải trên nguyên tắc không gây sức ép lên HSSV, phải giúp họ có ý thức trách nhiệm trong việc trả nợ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền để triển khai tốt hơn trong giai đoạn tới. Các bộ, ngành có liên quan cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu, tạo nên đội ngũ tri thức có tay nghề, đảm bảo không để HSSV nào phải bỏ học vì không đủ kinh phí…