Kiên Giang: Đời sống của người dân vùng đệm U Minh Thượng đổi thay đáng kể
"Đời sống bà con vùng đệm lúc đó còn khó khăn lắm. Hễ thấy có anh em công nhân lái máy đào vào múc bờ bao là bà con kéo đến để xin gạo. Nay thì cảnh đó không còn, đời sống bà con vùng đệm đã thay đổi đáng kể. Nhà nước đầu tư điện, đường, trường học, trạm y tế, nhiều hộ dân sắm xe gắn máy, tivi…".
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam cho biết, dự án trên được triển khai vào năm 1999 tại 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc (bấy giờ thuộc huyện Vĩnh Thuận, nay là huyện U Minh Thượng - PV) với quy mô gần 15.000 ha, bố trí cho 3.526 hộ dân không có đất sản xuất vùng Miệt Thứ, gồm 3 huyện: An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận.
Tuy dự án có bị gián đoạn kể từ sau năm 2006 nhưng kết quả điều tra về mức sống của người dân vùng đệm vào cuối năm 2009 thật lạc quan. Cụ thể, tổng thu nhập kinh tế ước đạt gần 160 tỷ đồng, bình quân thu nhập mỗi hộ dân sau khi đã trừ chi phí sản xuất (40%) còn lại trên 30 triệu đồng/năm.
Toàn vùng đệm hiện có 2.543 hộ đủ ăn và khá (tỷ lệ gần 82%). Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - ông Trương Quốc Tuấn tổng kết: "Như vậy, sau hơn 10 năm, có hơn 50% hộ dân thoát nghèo, bình quân mỗi năm giảm 5%, cao hơn quyết tâm Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đặt ra là 3%. Đời sống dần được nâng lên, người dân vùng đệm đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nỗ lực tìm cây, con giống mới, cho năng suất cao...".
Theo kế hoạch, toàn vùng đệm được xây dựng thành 9 tiểu dự án, tổng số vốn tín dụng đầu tư là 181,778 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 4/1999 đến cuối năm 2001 chỉ triển khai được 6/9 tiểu dự án, múc vuông bao khép kín cho 1.631 hộ. Đến tháng 4/2004, tiếp tục thi công tiểu dự án thứ 7, múc vuông bao cho 1.978 hộ.
Lúc này, do nhiều hộ đã thi công xong bờ bao, nhưng không trả vốn vay xây dựng, nên có 535 hộ thi công xong nhưng không được các ngân hàng xem xét cho vay, kéo theo 2 tiểu dự án còn lại không thực hiện được. Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kiên Giang, lũy kế cho vay tính đến hết tháng 2/2010 đối với dự án là 73,860 tỉ đồng, trong đó nợ gốc chỉ hơn 32 tỷ đồng nhưng lãi phát sinh (do nợ quá hạn) lên tới gần 42 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT, nhiều hộ dân nghĩ rằng Nhà nước triển khai dự án, cấp vốn vay,… nếu mình không trả nợ thì Nhà nước sẽ trả thay. Vì vậy có nhiều hộ thừa khả năng, vẫn cố tình dây dưa, chây ì chuyện trả nợ…
Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng - ông Nguyễn Hoàng Thăng cho rằng nguyên nhân phát sinh nhiều tồn tại cần phải rút kinh nghiệm là do xuất phát điểm của dự án quá thấp. Người dân thuộc diện điều chỉnh của dự án đều là những hộ rất nghèo, không đất, không vốn và không có cả… kinh nghiệm sản xuất.
Trong khi đó, chi phí múc bờ bao do chủ dự án hợp đồng thi công cao hơn gấp đôi (24 triệu đồng/4ha) so với tính toán của người dân (chỉ khoảng 11 triệu đồng). Có một thực tế mà chủ dự án không lường tới, đó là điều kiện đất đai vùng đệm không đồng đều. Trên cùng một tuyến kênh nhưng không phải đất nào cũng trồng lúa rất tốt, nuôi cá được (do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn).
Đã vậy, nông dân vùng đệm lại gặp phải tình trạng lúa, mía, khóm,… trúng mùa nhưng rớt giá; thậm chí không bán được. Số phận cây tràm cũng thế. Tràm trồng tới tuổi thu hoạch chẳng ai mua nhưng trồng cây khác thì vi phạm hợp đồng...
Trước hết ưu tiên thu hồi nợ gốc; còn nợ lãi thì phân kỳ thu hồi dần. Hộ nào chí thú làm ăn, lo tập trung sản xuất thì sẽ được hỗ trợ, tạo mọi điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hộ nào có đất mà không làm thì phải thu hồi, cấp lại cho hộ cần đất sản xuất. Lãnh đạo tỉnh cũng cho biết tới đây Nhà nước không đại diện vay vốn nữa, mà ngân hàng sẽ xét từng hộ và cho vay nếu thấy hợp lý…