Kiểm lâm ở VQG Kon Ka Kinh tiếp tay cho lâm tặc?

Thứ Ba, 25/09/2007, 12:09

VQG Kon Ka Kinh có diện tích gần 42.000ha, hàng chục cây gỗ trắc tại đây bị lâm tặc đốn hạ chuyển đi tiêu thụ, song lực lượng Kiểm lâm tại chỗ vẫn không hề hay biết. Điều này khiến dư luận hết sức bất bình, bởi cây gỗ trắc to đến vài người ôm chứ đâu phải cái kim mà khó kiểm soát.

>> Con đường lâm tặc ở Kon Ka Kinh

Trong một cuộc họp gần đây nhất với các ngành chức năng tỉnh Gia Lai, ông Trần Văn Thiệu - Giám đốc VQG Kon Ka Kinh đã thừa nhận, có dấu hiệu một số cán bộ Kiểm lâm VQG Kon Ka Kinh tiếp tay cho lâm tặc phá rừng...

Từ cơ quan Công an huyện Kbang đi ôtô vào đến làng La Hách, xã Krong mất gần một giờ đồng hồ. Để đến được tiểu khu 88 của VQG Kon Ka Kinh, nơi có 24 cây gỗ trắc bị chặt hạ còn trơ gốc, lại phải cuốc bộ mất 3 giờ nữa trên con đường mòn quanh co trong rừng, qua nhiều dốc cao và vực sâu.

Xem dấu cưa trên những gốc gỗ trắc và đám chồi xanh quanh gốc mới mọc lại cao chừng non tấc thì rõ ràng thời gian lâm tặc đốn hạ gỗ cách đây đã vài ba tháng trước.

Trung tá Lê Tiến Hùng, Phó trưởng Công an huyện Kbang, cho biết thêm: Không chỉ tại tiểu khu 88, ở các tiểu khu 85, 87 của VQG Kon Ka Kinh, Công an huyện cũng phát hiện có 147 gốc trắc nữa bị chặt hạ...

Trung tá Nguyễn Văn Đỡ, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an tỉnh Gia Lai, giải thích với chúng tôi rằng: Cuối tháng 8/2007, sau khi nhận được nguồn tin lâm tặc xâm hại VQG Kon Ka Kinh, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đến hiện trường phối hợp cùng Công an huyện Kbang và các ngành chức năng kiểm tra.

Lúc đó, Công an huyện Kbang cũng phát hiện thêm tại tiểu khu 107 có 12 cây trắc bị đốn hạ, thân gỗ đã được chuyển đi chỉ còn trơ lại gốc... Ước tính tổng số gỗ trắc của VQG Kon Ka Kinh bị lâm tặc đốn hạ chuyển đi, chỉ còn lại gốc, có khối lượng khoảng 100m3.

Điều đó cũng đủ để chứng minh, Kiểm lâm của VQG Kon Ka Kinh thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khu rừng trọng yếu này. Còn vấn đề, có cán bộ Kiểm lâm nào của VQG Kon Ka Kinh tiếp tay cho lâm tặc phá rừng hay không, sự vụ vẫn đang được điều tra làm rõ...

Quá trình điều tra gần một tháng qua, lực lượng Công an cũng đã bắt giam đối tượng cầm đầu một nhóm lâm tặc chặt hạ gỗ trắc tại VQG Kon Ka Kinh, đó là Lê Sỹ Văn, 24 tuổi, trú tại thôn 6, A Yun, Mang Yang.

Qua đấu tranh, Văn đã khai nhận cùng 6 đối tượng nữa vào VQG Kon Ka Kinh đốn gỗ trắc tại tiểu khu 107 đưa về bán cho bọn đầu nậu tại huyện Mang Yang.

Bên cạnh việc chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV khởi tố vụ án, tiến hành điều tra đối với vụ khai thác gỗ trắc trái phép tại VQG Kon Ka Kinh, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo Công an huyện Kbang và các địa phương lân cận như thị xã An Khê, các huyện: Mang Yang, Đăk Đoa, Đăk Pơ... khoanh vùng, rà soát các băng, ổ, nhóm lâm tặc cư trú bất hợp pháp, truy tìm tang vật vụ án. Công việc điều tra hiện đang tiến hành rất khẩn trương...

Chỉ tính trong năm 2006 và 8 tháng đầu năm 2007, Công an huyện Kbang cũng đã khởi tố 12 vụ, 15 đối tượng lâm tặc khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn. Khi thực hiện nhiệm vụ truy quét, nhiều đồng chí Công an cũng bị bọn lâm tặc ném đá gây thương tích.

Mới đây, vào cuối tuần đầu tháng 9, tổ công tác gồm Trung úy Nguyễn Duy Thành, Thiếu úy Nguyễn Trung Kiên và Thượng sỹ Nguyễn Trung Cường tuần tra phát hiện 3 đối tượng lâm tặc chạy xe máy chở gỗ trắc từ Kbang ra thị xã An Khê. Các anh ra hiệu dừng xe, chúng rồ ga tẩu thoát nên truy đuổi.

Khi đuổi gần kịp thì đối tượng bất ngờ dùng ớt bột ném vào mặt các Thiếu úy Kiên và Trung úy Thành, dẫn đến hậu quả xe máy các anh ngã xuống đường. Trung úy Thành bị gãy chân, Thiếu úy Kiên bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu...

Điều đáng ngạc nhiên là 2/3 diện tích VQG Kon Ka Kinh nằm ở huyện Kbang, song trụ sở chính của Kiểm lâm chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ nó lại nằm ở huyện Mang Yang.

Từ trước đến nay, Kiểm lâm của VQG Kon Ka Kinh chưa một lần trao đổi, phối hợp với Công an huyện Kbang để cùng bảo vệ khu rừng trọng yếu này. Và không chỉ là VQG Kon Ka Kinh, trên địa bàn huyện Kbang còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Chơ Năng, rừng phòng hộ Xã Nam, song chưa bao giờ có sự phối hợp của lực lượng Kiểm lâm với Công an để bảo vệ.

Trong khi đó, Công an huyện Kbang chỉ tuần tra "vòng ngoài" và gặp phải không ít sự chống đối của đối tượng lâm tặc đã hoàn thành hành vi phá rừng, trên đường chở gỗ đi tiêu thụ...

Trên một tờ báo địa phương, ông Trần Văn Thiệu, Giám đốc VQG Kon Ka Kinh cũng thừa nhận rằng, chính sự chủ quan của lực lượng Kiểm lâm VQG Kon Ka Kinh đã khiến cho tình hình xấu thêm. Nhưng rồi, ông thanh minh rằng, do 4 năm qua Kiểm lâm VQG Kon Ka Kinh chỉ được đầu tư trên 100 triệu đồng để mua các dụng cụ hỗ trợ là quá ít và khó khăn cho công tác tuần tra(!?).

Vậy xin hỏi, vì lý do gì mà lực lượng Kiểm lâm của VQG Kon Ka Kinh không phối hợp với Công an địa phương để bảo vệ? Và đâu có phải vì thiếu công cụ hỗ trợ mà trong thời gian dài lực lượng Kiểm lâm của VQG Kon Ka Kinh không phát hiện được lâm tặc đốn hạ, chở đi tiêu thụ cả 100m3 gỗ trắc, để rồi hiện nay Công an tỉnh Gia Lai và Công an huyện Kbang, cùng các huyện lân cận phải tốn công sức điều tra, truy tìm thu hồi tang vật?

Lâm tặc phá VQG Kon Ka Kinh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, thiệt hại Nhà nước bạc tỷ, trách nhiệm thuộc về ai thì hẳn bản thân ông Thiệu và các lãnh đạo lực lượng Kiểm lâm được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ khu rừng trọng yếu này hiểu được điều đó...

Long Vân
.
.
.