Khuyến khích, ủng hộ các thành phần kinh tế đầu tư cho giao thông Thủ đô

Thứ Hai, 29/04/2013, 13:18
Sau khi Báo CAND đăng loạt bài “Nghịch lý trong sắp xếp các tuyến xe vận tải khách tại Hà Nội” phản ánh nguyên nhân quá tải bến xe Mỹ Đình là do cấp phép; việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội có tờ trình số 391/TTr-SGTVT điều chuyển 525 đầu phương tiện tác động gia tăng hành trình và chi phí cho hành khách, gây lo lắng cho các nhà xe và phát sinh nhiều phương tiện chạy xuyên tâm thành phố gây bức xúc giao thông… Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã dành cho phóng viên Báo CAND cuộc trao đổi trực tiếp về những vấn đề mà bạn đọc quan tâm.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Thành phố vẫn chủ trương bố trí sắp xếp các phương tiện vận tải khách tại các bến xe theo đúng hướng tuyến. Yêu cầu Sở Giao thông vận tải chấn chỉnh việc cấp phép cho các nhà xe trái luồng tuyến gây bức xúc giao thông. Trước mắt dừng ngay việc san tải bến xe Mỹ Đình theo tờ trình số 391/TTr-SGTVT.

Nhất quán chủ trương sắp xếp phương tiện  vận tải khách theo đúng hướng tuyến đã định

Về chủ trương sắp xếp các phương tiện vận tải khách tại các bến xe hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Thành phố vẫn chủ trương bố trí sắp xếp các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh (thông qua cấp phép) phải tuân thủ theo đúng hướng tuyến. Phương tiện đã đăng ký tuyến nào thì đón, trả khách ở bến xe thuộc hướng tuyến đó.

Cụ thể đối với các xe từ Hà Nội đi các tỉnh phía Tây, Tây bắc thì đón, trả khách tại bến xe Mỹ Đình; các xe đi các tỉnh phía Nam thì đón, trả khách tại bến xe phía Nam, bến xe Nước Ngầm; xe đi các tỉnh phía Bắc thì đón, trả khách tại bến xe Gia Lâm…như Ban chỉ đạo 197 của thành phố đã thống nhất thực hiện. Chủ trương đó nhằm hạn chế tối đa các phương tiện chạy vào các đường xuyên tâm thành phố gây ùn tắc giao thông, đồng thời giảm hành trình đi lại của hành khách khi buộc phải di chuyển trong các tuyến phố nội đô. Quy định như vậy cũng tránh việc các xe quay vòng đón vợt khách gây bức xúc giao thông và hạn chế những hệ luỵ xấu gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trong quá trình vận hành chủ trương trên, nếu phát sinh số lượng lớn các đầu xe tham gia vận tải, thì phải báo cáo UBND thành phố xem xét phương án cụ thể (chẳng hạn như cải tạo, mở rộng nâng cao khả năng phục vụ của bến hoặc phân tách phương tiện đi nơi khác) nhưng phương châm là hạn chế tối đa các phương tiện vận tải khách chạy xuyên tâm thành phố, thậm chí chỉ được chạy từ đường vành đai III trở ra. Để không xảy ra tình trạng phải điều xe, thì ngay từ khi xem xét cấp phép cho các nhà xe, Sở Giao thông vận tải phải quán triệt yêu cầu trên nhằm cấp phép cho số lượng đầu xe khách phù hợp với khả năng của từng bến và đúng hướng tuyến quy định. Thành phố không có chủ trương điều xe chéo từ bến này sang bến kia gây bức xúc giao thông, ảnh hưởng tới hành trình đi lại của hành khách cũng như hoạt động của các nhà xe dẫn tới dư luận như vừa qua.

Việc cấp phép gây quá tải tại bến xe Mỹ Đình chưa phù hợp với chủ trương của thành phố đang phải xem xét xử lý.

Dừng ngay việc san tải 525 đầu xe vì chưa phù hợp, chấn chỉnh việc cấp phép trái luồng tuyến cho các nhà xe

Xung quanh nội dung tờ trình số 391/TTr-SGTVT mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị UBND thành phố cho điều chuyển 525 đầu phương tiện, 433 chuyến/ngày từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Yên Nghĩa và bến Gia Lâm nảy sinh nhiều bất hợp lý như Báo CAND phản ánh, đồng chí Nguyễn Thế Thảo cho biết: Chủ tịch thành phố đã có ý kiến yêu cầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội dừng ngay việc điều chuyển theo nội dung tờ trình trên và chấn chỉnh việc cấp phép trái luồng tuyến gây bức xúc giao thông. Báo CAND đã phản ánh, việc cấp phép cho các nhà xe dẫn đến quá tải bến xe Mỹ Đình do Sở Giao thông vận tải thực hiện, sau đó lại đường đột điều động 525 đầu xe đi nơi khác gây khó khăn cho hành khách phải gia tăng hành trình và chi phí, còn nhà xe lại phải chạy vạy thủ tục xin cấp phép hành trình mới, trong khi phương án trung chuyển hành khách từ bến này đến bến kia chủ yếu bằng xe buýt lại chưa sẵn sàng là điều không có lợi cho đi lại của người dân và trật tự giao thông thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH xe khách Long Thu bày tỏ: Chúng tôi có gần 20 đầu xe chạy tuyến Thái Bình (chủ yếu từ huyện Hưng Hà) đi Hà Nội đã gắn bó với bến Mỹ Đình từ ngày đầu thành lập bến năm 2004. Nếu thực sự phải điều chuyển thì chúng tôi chấp hành nhưng thuận lợi nhất là hành trình từ Thái Bình qua phà Triều Dương - quốc lộ 39 - đường 5 rồi lên cầu Thanh Trì vào các bến phía Nam Thủ đô là phù hợp. Nay buộc chúng tôi sang bến Gia Lâm nảy sinh thêm hành trình, qua nhiều đường phố không cần thiết lại hay gây ùn tắc giao thông cho thành phố tại đoạn Sài Đồng và cửa bến xe. Phóng viên Báo CAND cho rằng, nếu vì mục tiêu thuận lợi cho giao thông thành phố mà điều chuyển đầu phương tiện, thì phải đảm bảo đúng tuyến, đúng bến và có lộ trình phù hợp làm sao ít ảnh hưởng nhất tới đi lại của người dân.

Xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cho giao thông

Vấn đề mà bạn đọc quan tâm, là quan điểm của thành phố Hà Nội sẽ như thế nào trong đầu tư cho giao thông nhất là các dịch vụ giao thông đang rất cần kíp trong bối cảnh thực hiện quy hoạch Thủ đô mở rộng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Chủ trương của thành phố cũng như quan điểm của ông luôn khuyến khích và ủng hộ các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư cho giao thông Thủ đô, đảm bảo phát triển đúng quy hoạch. Yêu cầu này càng trở nên bức thiết khi có Luật Thủ đô và hiện thành phố đang xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện chủ trương này.

Chủ tịch thành phố nêu ví dụ: Vừa qua hưởng ứng chủ trương xã hội hoá đầu tư cho một số công trình bãi đỗ xe (bãi ngầm ở Công viên Thống Nhất và bãi đỗ nổi ở một số vị trí trong thành phố), nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tích cực nhưng sau đó rút lui vì thấy không hiệu quả. Bây giờ thành phố bỏ tiền ngân sách ra đầu tư các công trình này (vì thực chất đây là khoản đầu tư vào các dịch vụ công đem lại lợi ích cho cộng đồng). Sau khi làm thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm rồi đưa ra cơ chế chính sách cho phù hợp. Nhà nước làm trước đã rồi mới có cơ sở hỗ trợ cho các nhà đầu tư tham gia, sao cho xã hội được lợi mà nhà đầu tư cũng không thiệt, qua đó khuyến khích họ bỏ vốn ra đầu tư cho các dịch vụ công trong giao thông. Thành phố ủng hộ các tập thể, cá nhân bỏ tiền đầu tư vào các dịch vụ công như bãi đỗ xe nổi, bãi đỗ xe chìm, mô hình vận tải khách tại bến xe Nước Ngầm… vì qua đó, cùng với các bến xe do ngân sách Nhà nước đầu tư, sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, miễn là đúng quy định. Trách nhiệm của thành phố là phải tham mưu và ban hành cơ chế chính sách khơi thông nguồn lực đầu tư này

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.