Khu nhà thầy dạy “Tây Sơn tam kiệt” được công nhận là Di tích lịch sử

Chủ Nhật, 10/03/2019, 10:39
Ngày 8-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết đã ký Quyết định số 709//QĐ-UBND ngày 7-3-2019 công nhận nhà thầy Trương Văn Hiến là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Trương Văn Hiến là thầy dạy cả văn lẫn võ của 3 anh em nhà Tây Sơn; người đặt nền móng tư tưởng, là quân sư cho anh em nhà Tây Sơn tụ nghĩa, dấy binh khởi nghĩa, dẹp nạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, lập nên một trong những triều đại phong kiến huy hoàng bậc nhất lịch sử dân tộc.

Địa điểm nhà thầy Trương Văn Hiến hiện thuộc địa bàn thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện khu nhà chỉ còn là phế tích với một phần nền móng nhà bằng đá ong và giếng nước đã bị hư hỏng nặng.

Trương Văn Hiến vốn người Hoan Châu (tức Nghệ An ngày nay), tinh thông văn – võ. Năm 1765, sau khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát mất, Trương Phúc Loan chuyên quyền, lập di chiếu giả đưa Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi nên bị quan đại thần Trương Văn Hạnh phản đối.

Cả nhà Trương Văn Hạnh liền bị Trương Phúc Loan bắt giết. Vì có họ hàng gần với Trương Văn Hạnh nên Trương Văn Hiến phải bỏ trốn. Sau vào đến phủ Quy Nhơn định cư.

Sau nhiều biến cố, Trương Văn Hiến mở trường dạy học, ban đầu dạy văn, dạy chữ; sau đó lựa chọn những học trò tâm phúc để dạy võ, trong đó có 3 anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Trong suốt hành trình lịch sử từ khi khởi nghĩa, chính Trương Văn Hiến là quân sư bày mưu cho 3 anh em nhà Tây Sơn tạo nên hàng loạt chiến công hiển hách.

Nhà Tây Sơn cũng thấm nhuần tư tưởng, triết lý và đạo học của thầy mà có tư tưởng cấp tiến, khoan sức dân, lập trường dạy học… Cho đến nay, Trương Văn Hiến vẫn được người Bình Định hết mực kính trọng gọi là Thầy giáo Hiến.

Phạm Kha
.
.
.