Khu du lịch văn hoá - lịch sử Đại Nam

Thứ Ba, 14/02/2006, 13:12

Không chỉ giới thiệu về lịch sử Việt Nam, trong Khu du lịch văn hóa - lịch sử Đại Nam còn có cả tháp Eiffel của Pháp, tượng Nữ thần Tự do của Mỹ, Angco Vat của Campuchia, chùa Vàng Thái Lan, điện Kremli của nước Nga...

Xuôi theo quốc lộ 13, đoạn đi ngang xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, từ ngoài đường nhìn vào, thấy nổi lên một dãy núi nhân tạo bằng bêtông cốt thép, dài khoảng 250 mét, cao 65,8 mét - nghĩa là cao bằng tòa nhà 15 tầng, tọa lạc trong một khu đất rộng 261 hécta. Đấy là một trong những hạng mục của Khu du lịch văn hóa - lịch sử Đại Nam mà dự kiến cuối năm nay, sẽ hoạt động.

Chủ nhân của khu du lịch là ông Huỳnh Phi Dũng, một doanh nhân thành đạt trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, sơn mài, đồ gốm. Ý tưởng làm khu du lịch hình thành trong đầu ông Huỳnh Phi Dũng khi ông nhận ra rằng, Bình Dương, Bình Phước và ngay cả Đồng Nai, chưa có một danh lam thắng cảnh nào tầm cỡ, có sức thu hút lớn như Suối Tiên hay Đầm Sen tại Tp.HCM.

Năm 2003, sau khi có giấy phép, ông Dũng tiến hành khởi công khu du lịch này. Trên mảnh đất rộng 450 hécta, mà hầu hết là đất sỏi khô cằn, mọc toàn cỏ dại và cây tạp, đến nay Khu du lịch văn hóa - lịch sử Đại Nam đã hoàn thành hơn 60% khối lượng công trình. Miền Bắc biểu tượng là vịnh Hạ Long thu nhỏ bao gồm những núi đá vôi nổi lên trên diện tích 180.000m2 nước biển. Ông Dũng cho biết: “Nước biển này, chúng tôi chuyên chở từ biển Vũng Tàu về và luôn luôn được bổ sung khi nồng độ muối tăng lên do sự bốc hơi”. Tại “vịnh Hạ Long”, du khách có thể đi thuyền buồm, được thiết kế theo đúng nguyên mẫu hồi thế kỷ XVIII, hoặc ngâm mình trong dòng nước mát lạnh, xanh biếc (có sức chứa 30 nghìn người cùng lúc).

Miền Nam được thể hiện bằng con sông Cửu Long, cũng với diện tích mặt nước 180.000m2, uốn lượn quanh co bên những hàng dừa, những mái nhà tranh. Cũng trong khu vui chơi này, các cháu thiếu nhi có thể tìm thấy những trò chơi phù hợp với lứa tuổi của mình như xem xiếc thú, đi xe lửa, vào nhà cười, tham quan bể cá; còn thanh niên thì có những tiết mục cảm giác mạnh như đi tàu lượn, trượt nước. Với những người già, ông Huỳnh Phi Dũng đã dành hẳn một nơi cho họ với suối nước nóng, sân tập dưỡng sinh.

Riêng khu vực miền Trung, có Ngũ Hành Sơn, là điểm du lịch lịch sử với tòa Bảo tháp cao 9 tầng. Các tầng tháp này được chia ra làm đền thờ Bác Hồ, thờ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước, các chiến sĩ vô danh, các nữ tướng, 18 đời vua Hùng. Còn tầng tháp thứ 9 - tầng cuối cùng - là bàn thờ Tổ quốc với bản đồ Việt Nam đặt trên nền trống đồng cùng 4 câu thơ của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”.

Một phần Khu du lịch Đại Nam nhìn từ tầng thứ 9 của Bảo tháp.

Cũng trong lòng ngọn Ngũ Hành Sơn, lịch sử Việt Nam sẽ được tái hiện qua từng thời kỳ, từ Lạc Long Quân, bà Âu Cơ đến sự tích bánh giầy, bánh chưng, sự tích quả dưa hấu. Từ Vua Lê Lợi đến Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước.

Chỉ tay sang một ngôi chùa lớn, sức chứa 3.000 người, nằm dưới chân Ngũ Hành Sơn và được bao bọc bởi con sông đào, nước xanh biếc, ông Huỳnh Phi Dũng giới thiệu: “Tôi đặt tên chùa là Đại Nam quốc tự. Chùa thờ các vua Hùng, thờ Bác Hồ. Ngoài ra, trong chùa còn thờ 300 họ của người Việt”. Bên cạnh đó, còn một mô hình 54 dân tộc Việt Nam thu nhỏ mà mỗi dân tộc được tái tạo bằng những biểu tượng đặc trưng như váy áo của người Thái, khèn của người Mông, áo tứ thân, xà tích bạc của phụ nữ miền Bắc...

Không chỉ giới thiệu về lịch sử Việt Nam, trong Khu du lịch văn hóa - lịch sử Đại Nam, ông Huỳnh Phi Dũng còn đưa cả thế giới về. Vào đây tham quan, du khách có thể nhìn thấy tháp Eiffel của Pháp, tượng Nữ thần Tự do của Mỹ, Angco Vat của Campuchia, chùa Vàng Thái Lan, điện Kremli của nước Nga...

Mặc dù mới chỉ hoàn thành hơn 60% các hạng mục, nhưng những ngày tết Bính Tuất vừa qua, đã có hàng chục nghìn lượt người từ nhiều nơi, đến tham quan. Không đành lòng từ chối - nhất là những ngày đầu năm, nên ông Huỳnh Phi Dũng đã mở cửa, cho mọi người tự do tham quan.

Trong một lần đến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã phát biểu: “Đây là một công trình lớn và có ý nghĩa, không chỉ cho dịch vụ du lịch mà còn mang đậm nét văn hóa, lịch sử đáng tự hào của dân tộc ta. Đây còn là khu du lịch có tầm vóc lớn, có thể sánh tầm với khu vực và thế giới về quy mô cũng như giá trị, phục vụ cho dịch vụ du lịch...”.

Hiện tại, ở Khu du lịch văn hóa - lịch sử Đại Nam, mỗi ngày đều có từ 1.000 - 3.000 công nhân khẩn trương làm việc, để tết âm lịch 2006 - 2007, Đại Nam có thể mở cửa chào đón mọi người

Vũ Cao
.
.
.