Khu du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà: Bên phơi cá, bên tắm biển

Chủ Nhật, 20/05/2007, 11:47
Bãi cát sát biển trắng đẹp bây giờ bị phủ lên hằng hà bạt nilon lớn nhỏ để phơi cá tạp của các hộ dân. Mùi hôi, mùi tanh nồng cứ theo gió bay thốc vào mũi, tỏa vào quần áo của người đi đường...

Nếu chỉ dẹp bỏ việc phơi cá của hơn 10 hộ đang hoạt động tại đây bằng cách nghiêm cấm, thậm chí dùng xe của Công ty Môi trường đô thị xúc chở về bãi rác Khánh Sơn để đổ, thì không giải quyết triệt để được.

Bởi theo như những hộ phơi cá cho hay, họ không thể không phơi. Đẩy đuổi đến mấy cũng bám vào bờ biển để phơi. Lực lượng làm nhiệm vụ đến thì đi, khi lực lượng làm nhiệm vụ về lại ra phơi tiếp...

Trong lúc thời tiết vào đầu hè oi ả, hầm hập vì nắng nóng, chỉ mất vài phút chạy xe đến Khu du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà để nghỉ ngơi, hít thở không khí mát mẻ trong lành của biển thì còn gì tuyệt vời hơn...

Nhưng không ít du khách đã thất vọng, phàn nàn về tình trạng ô nhiễm tại bãi biển thuộc địa phận phường Thọ Quang (Sơn Trà). Quả thật, dọc bãi biển trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc theo hướng về Bãi Bụt, Bãi Rạng là mùi hôi nồng nặc.

Bãi cát sát biển trắng đẹp bây giờ bị phủ lên hằng hà bạt nilon lớn nhỏ để phơi cá tạp của các hộ dân. Mùi hôi, mùi tanh nồng cứ theo gió bay thốc vào mũi, tỏa vào quần áo của người đi đường.

Đi ngang qua đây ai nấy đều phải tăng tốc để mau ra khỏi khu vực đó. Chị Lê Ngọc Hoa, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: "Khu du lịch sinh thái biển Sơn Trà đẹp là vậy, hấp dẫn là vậy mà sao lại để người dân vô tư phơi cá dọc biển gây ô nhiễm. Mùi tanh tưởi, khó chịu ấy cứ xộc lên gây buồn nôn...

Nếu lần sau có ra Đà Nẵng thì tôi và gia đình sẽ không còn dám ghé đây nữa". Không chỉ chị Hoa phàn nàn về tình trạng ô nhiễm này mà bất cứ du khách nào từ Bãi Bụt trở về đều có phản ánh tương tự.

Ngay cả những chủ doanh nghiệp đầu tư những khu resort tại Sơn Trà cũng bức xúc: "Chúng tôi đầu tư hàng chục tỷ đồng để tạo cảnh quan, xây dựng các khu nghỉ ngơi... nhưng cũng chỉ thu lợi cao điểm những tháng hè.

Tình trạng ô nhiễm dọc bờ biển đã phần nào gây phản cảm cho du khách. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì việc vắng khách, thất thu e là khó tránh khỏi.

Theo chúng tôi được biết thì đã nhiều năm nay, suốt dọc dài bãi biển thuộc phường Thọ Quang là nơi phơi cá tạp của hơn chục hộ dân của khu vực Thanh Vinh. Điều đáng nói ở đây là mặc dù đã có rất nhiều phản ánh của công luận, sự đẩy đuổi của chính quyền, Công an sở tại xử lý, thậm chí đưa cả xe của Công ty Môi trường đô thị đến xúc cá chở đi đổ nhưng các hộ phơi cá ở đây vẫn mặc nhiên như không có chuyện gì.

Họ tận dụng tất cả những tấm bạt cũ để cá tạp được rải phơi theo từng khu vực. Mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng nhiều vô kể. Tôi hỏi Nguyễn Thị Tho, trú tổ 6b Thành Vinh khăn trùm kín mặt, đang cần mẫn với công việc phơi cá của mình: "Địa phương nghiêm cấm phơi cá tại khu vực này, sao các chị vẫn làm?".

Để nguyên khẩu trang bịt kín mặt, chị cho hay: “Không phơi cá thì biết làm gì để có thu nhập. Họ đuổi thì đi, hết đuổi phơi tiếp...! Thử hỏi cô, nếu tụi tui không làm công việc này, ngư dân đưa cá về biết bán cho ai. Không lẽ đổ biển?

Mà đổ xuống biển lỗ tiền dầu liệu có ai ra khơi nữa không?”. "Mỗi ngày chị mua bao nhiêu cá loại này". “Chừng nửa tấn gì đó. Riêng phường Thọ Quang này có hàng trăm tàu đánh cá, mỗi ngày đưa về hàng chục tấn cá tạp. Bất đắc dĩ mới phải phơi như thế này, vừa vất vả vừa bị đẩy đuổi liên tục. Hồi Nhà máy Bột cá Thành Long còn hoạt động thì đâu đến nỗi.

Cá tạp về nhập tươi cho họ đưa vào máy. Từ ngày nhà máy đó dẹp đến nay, bà con phải bám vào bãi biển này phơi, chở đi bán. Mỗi ngày kiếm dăm ba chục nuôi sống gia đình, bỏ biết làm việc gì...”.

Thiết nghĩ, nếu chỉ dẹp bỏ việc phơi cá của hơn 10 hộ đang hoạt động tại đây bằng cách nghiêm cấm, thậm chí dùng xe của Công ty Môi trường đô thị xúc chở về bãi rác Khánh Sơn đổ, thì không giải quyết triệt để được. Bởi theo những người phơi cá cho hay, họ không thể không phơi.

Họ là đối tác quan trọng của ngư dân. Đẩy đuổi đến mấy cũng bám vào bờ biển để phơi. Lực lượng làm nhiệm vu đến thì họ đi. Khi lực lượng làm nhiệm vụ về họ lại ra phơi tiếp. Không lẽ ngày nào cũng có người túc trực trên bãi biển để ngăn chặn.

Họ là những người làm ăn lương thiện không thể bắt giam, xử phạt. Theo chúng tôi, giải quyết tình trạng ô nhiễm do phơi cá nêu trên tận gốc nên chăng cần phải có sự quan tâm và hướng giải quyết hợp lý bằng cách chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, để họ không đánh bắt bằng lưới kéo mắt nhỏ. Bớt lãng phí khi tất cả những hải sản chưa đạt chất lượng vẫn bị đánh bắt rồi chỉ chủ yếu sử dụng để phục vụ chăn nuôi.

Việc chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng khuyến khích, hỗ trợ các công ty, nhà máy chuyên chế biến bột cá, thức ăn gia súc để quy tụ lại thành 1 điểm, tránh việc người dân nhỏ lẻ tự ý phơi và tìm nguồn tiêu thụ.

Bởi chỉ có các nhà máy chế biến bột cá quy mô lớn mới tiêu thụ cá tạp với số lượng lớn. Nếu được thì đây là giải pháp tốt nhất giải quyết tình trạng ô nhiễm kéo dài ở bãi biển Thọ Quang

Hoài Thu
.
.
.