Không tiêm vào bắp để tránh “sệ cánh”

Thứ Năm, 08/06/2006, 08:53

“Đối với trẻ em, từ khi sơ sinh khi cần tiêm thì không nên tiêm vào bắp mà tiêm vào tĩnh mạch là tốt nhất. Nếu không đủ điều kiện vật chất cũng như kỹ thuật để tiêm tĩnh mạch thì có thể tiêm vào mông để tránh ảnh hưởng đến cơ delta. Theo tôi đó là cách tốt nhất để phòng bệnh trong hoàn cảnh hiện nay”, PGS, TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW nói.

Với con số lên đến hàng nghìn, số bệnh nhân bị xơ hóa cơ delta được phát hiện đang ngày càng tăng và lan rộng khắp toàn quốc. Đặc biệt, ở nông thôn, trẻ em mắc bệnh này chiếm tỉ lệ rất cao. Theo thống kê của ngành Y tế 20 tỉnh, thành có trẻ em mắc bệnh xơ hóa cơ delta hiện nay, hầu hết đều là vùng sâu, vùng xa, ngoại tỉnh, nơi có điều kiện cũng như trình độ y tế thấp kém. Còn ở thành phố, lác đác rất ít bệnh nhân.

Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh và tạo ra những “biệt vùng” đối với căn bệnh xơ hóa cơ delta như vậy? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đồng thời là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về “Xơ hóa cơ delta”.

- Thưa ông, được biết đề tài “Xơ hóa cơ delta” cấp Nhà nước đã...

- ...Đã hoạt động được hơn 1 tháng nay. Và trước đề tài này, chúng tôi từng nghiên cứu đề tài cấp Bộ (Y tế) về căn bệnh “xơ hóa cơ delta”. Khi thực  hiện đề tài cấp Bộ vừa nói, chúng tôi chọn 3 xã của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, là nơi có nhiều bệnh nhân nhất để khảo sát. Dựa trên những khảo sát ấy, bước đầu cũng cho những nhận xét nhất định về căn bệnh này.

- Những nhận xét ấy là gì, ông có thể chia sẻ để bạn đọc cùng biết?

- Xin được nói trước đây chỉ là những kết luận ban đầu chứ không phải kết luận chính thức. Do vậy, người đọc chỉ nên tiếp nhận thông tin, không nên ấn định với kết luận như vậy. Bởi từ nhận xét ban đầu đến kết luận cuối cùng có thể thay đổi, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau

 Sau khi khảo sát ở 3 xã thuộc huyện Nghi Xuân như đã nói, với hơn 5.000 đối tượng được tìm hiểu, xin nhấn mạnh là 5.000 đối tượng này không phải người nào cũng mắc bệnh, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ mắc bệnh ở đây rất cao, chiếm khoảng 20%. Trong đó, độ tuổi mắc bệnh chủ yếu từ 10 đến 15 tuổi.

Nguyên nhân đầu tiên được loại bỏ khi nghiên cứu những đối tượng này là xơ hóa cơ delta do tiêm vắcxin. Vì trong số những đối tượng khảo sát, có người tiêm vắcxin nhưng lại không bị teo cơ delta (có thể dùng thuật ngữ này). Đổi lại, chúng tôi nhận thấy một mối liên quan khác giữa bệnh nhân xơ hóa cơ delta với việc tiêm nhiều lần vào cơ delta. Nhóm người có tiền sử tiêm nhiều lần vào cơ delta mắc bệnh xơ hóa cơ delta cao hơn so với nhóm người có tiền sử không tiêm, cụ thể là gấp 4 lần. Vậy, có thể hiểu tiêm vào cơ là yếu tố gây ra nguy cơ xơ hóa cơ delta.

- Nhưng theo ông có thể hiểu nguyên nhân dẫn đến xơ hóa cơ delta từ việc tiêm vào cơ này là do thuốc hay kỹ thuật tiêm?

- Để kết luận do thuốc hay kỹ thuật tiêm hiện chúng tôi còn đang nghiên cứu, chưa thể đưa ra nhận định theo cảm tính. Tuy nhiên, có một đặc điểm chúng tôi quan tâm teo cơ delta chỉ xảy ra chủ yếu ở vùng nông thôn, trong khi ở thành phố rất ít. Vậy phải chăng do trình độ và điều kiện vật chất (kim tiêm hình bướm) ở vùng nông thôn không đáp ứng được việc tối ưu đối với trẻ sơ sinh là tiêm vào tĩnh mạch mà chỉ tiêm vào bắp đã là một trong những nguyên nhân gây nên teo cơ delta? Chúng tôi không loại trừ nguyên nhân này trong quá trình nghiên cứu. Đồng thời còn phải tìm ra lời giải đáp tại sao độ tuổi mắc bệnh có tính phổ biến trên toàn quốc và tác nhân gì có thể gây bệnh trên diện rộng có tính chất toàn quốc như vậy.

Nhân đây chúng tôi cũng muốn nói lại biểu hiện bệnh teo cơ delta mà thời gian qua báo chí đã nhắc đến. Một đặc điểm chung chúng tôi nhận thấy rõ qua các bệnh nhân: không bao giờ bệnh phát ngay (không phải bệnh cấp tính) mà thường sau khoảng 10 năm, tính từ những lần tiêm vào cơ (chủ yếu vào thời điểm bệnh nhân còn nhỏ hay ốm đau), bệnh mới phát. Và phát theo biểu hiện hai tay không thể khép sát sườn, khi đi thì vung khuỳnh khoàng, xương bả vai nhô cao và xoay ra ngoài, tay có thể bị teo...

- Với những biểu hiện như ông vừa nói, một tiến sĩ y khoa về điện cơ thuộc ngành thần kinh học ở TP HCM lại cho rằng chỉ được gọi là “triệu chứng” chứ không gọi là “bệnh teo cơ delta”. Mà đã là triệu chứng thì có ở nhiều loại bệnh khác nhau chứ không chỉ ở xơ hóa cơ delta. Và vị tiến sĩ này còn cho rằng mổ ồ ạt cho các bệnh nhân như hiện nay là “hại quá!”.

- “Triệu chứng” hay “bệnh” là tùy theo quan niệm của mỗi người. Quan trọng là nó có chung một biểu hiện giải phẫu bệnh học - lâm sàng giống nhau. Đúng là một số bệnh khác như loạn dưỡng cơ Duchenne, thoái hóa cơ tủy (SMA)... cũng có biểu hiện tương tự bệnh teo cơ delta. Nhưng giữa cái chung vẫn có những cái riêng giữa các bệnh này. Chẳng hạn, đối với hai bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne và thoái hóa cơ tủy, ngoài các biểu hiện lâm sàng na ná như bệnh teo cơ delta còn có: yếu cơ toàn thân, phì đại cơ bắp (đối với bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne). Riêng với trẻ em mắc bệnh thoái hóa cơ tủy thì khả năng sống sót ngay trong thời kỳ sơ sinh rất hiếm (nguyên nhân gây cả 2 bệnh là do di truyền). Bởi bệnh này còn thường gây suy hô hấp nặng sau đẻ.

Để kết luận bệnh nhân có mắc những bệnh trên hay không, chúng tôi thực hiện những phương pháp: xét nghiệm men CK và ADN hoặc dùng phương pháp PCR để chẩn đoán. Sau đó dùng phương pháp loại trừ để tiến hành các xét nghiệm đối với bệnh xơ hóa cơ delta. Nếu đúng mắc bệnh teo cơ delta, chúng tôi tiến hành phẫu thuật, phục hồi chức năng cho người bệnh. Và hiện nay ngoài giải pháp phẫu thuật không còn phương pháp điều trị nào tối ưu hơn. 

- Vậy trong số những bệnh nhân đến khám bệnh tại Viện Nhi Trung ương, có trường hợp nào không phải teo cơ delta, thưa ông?

- Có chứ. Có những cháu chỉ bị còi xương chứ không phải bị teo cơ delta. Sau khi khám và đi đến kết luận, chúng tôi cho về và tìm cách khác điều trị cho các cháu. Với những cháu chớm bị teo cơ delta, chúng tôi cũng không phẫu thuật mà dùng hình thức luyện tập để phục hồi chức năng. Nói vậy là để thấy chúng tôi không phẫu thuật ồ ạt như vị tiến sĩ nọ nhận xét mà có suy xét, nhận định rõ ràng trên cơ sở khoa học trong quá trình điều trị bệnh.

- Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật được bao nhiêu bệnh nhân và ông đánh giá như thế nào về kết quả ban đầu đối với việc phục hồi chức năng cho các bệnh nhân sau khi mổ?

- Không phải là phẫu thuật phức tạp nên mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật trung bình 10 ca xơ hóa cơ delta, mỗi ca khoảng 30 phút với chi phí hơn 1 triệu đồng/ca. Một tuần, chúng tôi thực hiện 40 đến 50 ca. Và từ nay đến tháng 12, lịch phẫu thuật đã kín, không còn trống ngày nào. Sau 7 ngày,  tính từ ngày phẫu thuật, chúng tôi tháo băng và cắt chỉ cho bệnh nhân. Hiện nay đã có những bệnh nhân đầu tiên xuất viện. Và kết quả ban đầu cho thấy hai tay bệnh nhân không còn khuỳnh khoàng mà đã khép sát sườn như một người bình thường, xương bả vai không nhô cao và vai không bị lệch như khi bị bệnh. Nói tóm lại, việc phẫu thuật đã khắc phục hoàn toàn tình trạng “sệ cánh” của các cháu. Còn diễn biến tiếp theo hiện chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi.

- Trước mắt, chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh xơ hóa cơ delta, theo ông làm thế nào để đề phòng căn bệnh này?

- Đối với trẻ em, từ khi sơ sinh khi cần tiêm thì không nên tiêm vào bắp mà tiêm vào tĩnh mạch là tốt nhất. Nếu trong trường hợp như vùng nông thôn chẳng hạn, không đủ điều kiện về vật chất cũng như kỹ thuật chưa đủ để tiêm tĩnh mạch thì có thể tiêm vào mông để tránh ảnh hưởng đến cơ delta. Theo tôi đó là cách tốt nhất để phòng bệnh trong hoàn cảnh hiện nay. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này

Tú Anh (thực hiện)
.
.
.