Không thể thả nổi công tác quản lý môi trường ở Hải Dương

Thứ Năm, 28/12/2006, 12:26
Chỉ sau một thời gian bùng phát các dự án Hải Dương đã kéo theo những tác động to lớn về môi trường. Các chỉ số về khói bụi, tiếng ồn, nước thải... tại các khu công nghiệp đều vượt gấp 10 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Loại ô nhiễm đầu tiên mà chúng tôi đề cập đến là hoạt động khai thác nguyên liệu của 2 nhà máy xi măng lớn nhất tỉnh: Hoàng Thạch và Phúc Sơn tập trung ở 3 xã Minh Tân, Phú Thứ và Duy Tân thuộc huyện Kinh Môn suốt từ hàng chục năm qua.

Ô nhiễm từ trên... trời

Đứng từ xa, dù là thời tiết trong lành cũng chỉ thấy một vùng mờ đục bởi bụi bặm bốc mù trời. Liên tục những tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên mà ai cũng có thể biết được rằng đó là tiếng mìn phá đá. Đá vỡ ra lại được vận chuyển đến các máy nghiền, sàng tập kết từng núi để vận chuyển về các lò nung. Phần thanh thải cũng không phải bỏ đi mà được vận chuyển đến các công trình xây dựng hoặc làm lớp basic nền đường.

Cứ như thế, hàng ngàn con người, hàng trăm phương tiện vận hành suốt ngày đêm tại các khu vực khai trường năm này qua tháng khác. Trong khu vực còn có sự góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm của hàng loạt nhà máy xi măng sản xuất bằng công nghệ lạc hậu (lò đứng). Khói bụi từ các nhà máy này được xếp vào loại bụi mịn, có sức lan toả rất xa và rất độc hại.

Một thông số quan trắc của ngành Tài nguyên - Môi trường vừa được công bố, nồng độ bụi, tiếng ồn ở khu vực này lớn gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép.

Bất an ở dưới... nước

Tại các huyện Kim Thành, Bình Giang tuy không có công trường khai thác đá nhưng tình hình ô nhiễm môi trường cũng không khả quan hơn. Theo chỉ dẫn của người dân, dọc bên bờ sông đầu cầu Phú Thái, nguồn nước của sông Kinh Thầy đang có những thay đổi rất đáng ngại. Nước có mùi vị hắc, tanh. Màu sắc đỏ hồng phù sa đã chuyển sang màu xám đen. Kiểm tra nồng độ đã vượt trên 40 lần so với độ PH thông thường.

Cần nói thêm rằng, nước từ con sông này giữ vai trò rất quan trọng đối với hàng ngàn hộ dân sinh sống quanh lưu vực, lại là một trong những nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, cung cấp nước sạch cho các đô thị tập trung.

Nguyên nhân là hàng loạt cơ sở sản xuất công nghiệp đủ loại quy mô mới được hình thành trong khoảng 5 năm trở lại đây như xưởng sản xuất giấy Thành Dũng, Thành Phát, tấm lợp Hưng Long, gỗ Hoàng Nam, bia Hải Thành... Hàng ngày, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý có nồng độ các chất hữu cơ và vô cơ, chất thải rắn, bùn thải... từ các cơ sở này được bơm thẳng ra sông Kinh Thầy.

Hầu hết nông dân sống gần cụm công nghiệp Quán Gỏi (Bình Giang) đã 3 năm nay phải bỏ ruộng, không dám cấy cày vì có người đã mắc chứng bệnh lạ hoặc các triệu chứng về đường hô hấp như ho, khó thở, tức ngực.

Bất chấp Luật Môi trường

Theo thống kê chuyên ngành của tỉnh Hải Dương, hiện nay trong tổng số 1.500 dự án đầu tư, cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh, mới chỉ có trên 100 đơn vị đánh giá tác động môi trường, trên 200 cơ sở thực hiện đăng ký bảo vệ môi trường (mới đạt 20%).

Điển hình là 6 trong số 7 KCN của Hải Dương chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có cả những khu công nghiệp lớn được coi là quy mô, bài bản nhất tỉnh như Nam Sách và Đại An. Do đó, nước thải công nghiệp đã đổ thẳng xuống... cống nội bộ và tự ngấm vào lòng đất ảnh hưởng đến việc canh tác của bà con nông dân khu vực xung quanh.

Nguyên nhân khiến cho việc ô nhiễm môi trường tại Hải Dương không thể kiểm soát được là do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về quản lý sau cấp phép đầu tư. Chính vì có kẽ hở trong việc quản lý môi trường như vậy nên các doanh nghiệp đã mặc sức tàn phá môi trường. Công tác thanh tra,  kiểm tra theo chức năng của Sở Tài nguyên - Môi trường cũng chỉ mang tính hình thức. Bởi trong vòng 3 năm (từ 2004-2006), cấp Sở chỉ thanh tra, kiểm tra trên 30 đơn vị. Trong khi đó, các Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện kể như "án binh bất động".

Có thể vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc ưu ái để thu hút các dự án đầu tư nên Hải Dương đã bỏ qua khâu kiểm soát nghiêm ngặt môi trường trước, trong và sau khi dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tỉnh cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, cần thắt chặt công tác quản lý trên lĩnh vực môi trường khi sự việc đã gần như khá muộn và Luật Môi trường đã có hiệu lực thi hành từ hơn 5 tháng qua. Có như vậy mục tiêu phát triển bền vững mà Hải Dương từng đặt ra mới có cơ sở trở thành hiện thực

Lê Minh Triết
.
.
.