Không thể kỳ thị người dân làng phong Hòa Vân

Thứ Hai, 03/10/2011, 16:21
Việc phản ứng gay gắt, kì thị của người dân tổ 14, cũng như cách giải quyết vẫn chưa tròn trách nhiệm, thiếu sự cương quyết, dứt điểm của lãnh đạo chính quyền địa phương đã dẫn đến hệ lụy chưa có hồi kết về nơi ở mới của người dân làng phong Hòa Vân. Sự việc đã khiến dư luận rất quan tâm và nhiều tranh cãi, bức xúc xung quanh vấn đề tái định cư của người dân làng phong Hòa Vân này.
>>Dân vẫn không đồng ý cho “làng phong” vào ở chung

Báo CAND đã phản ảnh về việc hàng trăm người dân kho Lào tổ 14, phường Hòa Hiệp Bắc vào sáng 29/9 đã phản ứng gay gắt, thậm chí bao vây, ngăn chặn nhà thầu xây dựng công trình khu nhà tái định cư cho người dân làng phong Hòa Vân tại khu vực kho Lào, tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam.

Trước sự quá khích của người dân, ngay chiều và tối 29/9, lần thứ 2 lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu, lãnh đạo Sở Y tế, cùng các ngành chức năng buộc phải khẩn cấp tổ chức đối thoại với người dân tổ 14. Nhưng cuộc đối thoại vẫn chưa có hồi kết, mặc cho những giải thích thấu tình đạt lý của Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Hữu Thiết về những chủ trương và chính sách của UBND TP Đà Nẵng đối với những người từng là bệnh nhân phong của Làng Vân và cả người dân tổ 14.

Cũng tại cuộc đối thoại khẩn cấp này, Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đã có báo cáo khẳng định với người dân kho Lào, tổ 14: "Hiện người dân ở Hòa Vân chỉ còn lại những di chứng của người bị bệnh phong. Từ trước năm 1998, những bệnh nhân mắc bệnh phong ở Làng Vân đã được chăm sóc, điều trị thuốc theo phác đồ điều trị của Tổ chức Y tế thế giới và đã khỏi bệnh hoàn toàn, không còn lây lan cho những người xung quanh và cộng đồng dân cư".

Vào tháng 3/1998, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 1435/QĐ-UB về việc giải thể khu điều trị hủi - phong - cùi thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng. Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức thăm khám định kỳ cho bà con ở Hòa Vân và cũng chưa phát hiện trường hợp nào con em của bệnh nhân phong bị lây cả… Chính vì vậy người dân tổ 14 nên tạo điều kiện cho người dân Hòa Vân tái hòa nhập cộng đồng...

Nhưng người dân tổ 14 vẫn một mực phản đối. Và khẳng định "Sẽ vẫn ngăn chặn việc xây dựng công trình cho đến khi có sự giải quyết thỏa đáng từ phía lãnh đạo thành phố"?. Để khẳng định sự cương quyết "tẩy chay", dân làng phong Hòa Vân và bất chấp sự giải thích thấu tình đạt lý của lãnh đạo chính quyền địa phương, chỉ sau đêm đối thoại khẩn cấp tối 29/9, thì vào lúc 8h10' đến 12h ngày 30/9, hàng chục người dân tổ 14 lại vẫn tiếp tục vây xe đào đất thi công công trình, ngăn cản công nhân xây dựng, đồng thời đòi đối thoại với lãnh đạo chính quyền và Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố để giải quyết bức xúc của người dân tổ 14…

Người dân tổ 14, dù được chính quyền đối thoại vận động nhưng vẫn ngăn cản việc thi công khu tái định cư làng Hòa Vân.

Trước tình hình ANTT bất ổn do sự quá khích của một số người dân, buộc lực lượng Công an phường Hòa Hiệp Nam, Công an quận Liên Chiểu và các ngành chức năng phải can thiệp, giải tỏa đám đông… Tuy nhiên đến chiều 30/9 đơn vị thi công vẫn bị ngưng trệ, không thể tiếp tục xây dựng theo sự chỉ đạo của thành phố…!

Việc phản ứng gay gắt, kì thị của người dân tổ 14, cũng như cách giải quyết vẫn chưa tròn trách nhiệm, thiếu sự cương quyết, dứt điểm của lãnh đạo chính quyền địa phương đã dẫn đến hệ lụy chưa có hồi kết về nơi ở mới của người dân làng phong Hòa Vân. Sự việc đã khiến dư luận rất quan tâm và nhiều tranh cãi, bức xúc xung quanh vấn đề tái định cư của người dân làng phong Hòa Vân này.

 Nhưng có một điều đáng nói là cả người dân tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam, dư luận và cả chính quyền địa phương cần quan tâm nhất hiện nay đó chính là tâm tư nguyện vọng của chính những người dân làng phong. Trong khi giá trị tinh thần và văn hóa của con người Việt Nam là "tương thân, tương ái".

Cộng đồng luôn kêu gọi sự sẻ chia, đồng cảm và không phân biệt, hắt hủi những số phận bất hạnh của xã hội... Thì, họ, có đến trên 90% là những người già cùng di chứng bệnh tật nên không còn khả năng tự nuôi sống bản thân hiện đang phải sống nhờ vào sự trợ cấp của các ngành chức năng. Họ, đa phần đều không còn người thân thích, thậm chí có người đến quê hương ở nơi đâu giờ cũng không còn nhớ nổi!

Chỉ biết rằng Làng Vân, cái ốc đảo biệt lập với sự phát triển "hiện đại" không ngừng của phố thị ấy, nơi với sức tàn, lực yếu họ trồng luống rau, đánh bắt từng con cá tôm ven bờ để sống từng ngày đã từ lâu lắm rồi là ngôi nhà, là quê của họ. ấy vậy mà, giờ đây khi "ngôi nhà" đó cũng sắp phải bàn giao cho những dự án phát triển của thành phố, thì xót xa thay, những con người đã phải chịu nhiều thiệt thòi của số phận, nay lại gặp phải sự "tẩy chay" của những người "hàng xóm" tương lai…! (PV)

Như anh Trần Hữu Đức, trưởng thôn Làng Vân thì: Mặc dù dân Làng Vân chúng tôi bị tách biệt với những thông tin bên ngoài, nhưng khi phong thanh biết chuyện người dân tổ 14 kỳ thị, phản đối chúng tôi về sống chung trong một khu phố, nhiều dân làng đã không cầm được cảm xúc của mình. Buồn thì ít mà tủi phận thì nhiều, trong sự phát triển vượt bậc của xã hội như hiện nay, mặc dù dân làng phong đã hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng vẫn còn sự kì thị với người làng phong! Khi chúng tôi đã nhường "ngôi nhà" của chúng tôi cho sự phát triển của đô thị, cho chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp tại làng Vân với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Vậy liệu người làng phong Hòa Vân sẽ ở đâu cho hợp với chữ "tình"?

Hoài Thu
.
.
.