Không thể hạ điểm sàn để tuyển đủ thí sinh

Thứ Năm, 14/03/2013, 09:22
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục khẳng định: Nếu hạ điểm sàn để tạo thêm nguồn tuyển sinh thì chất lượng đầu vào đại học sẽ rất thấp, mâu thuẫn ngay với chủ trương của chúng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Câu chuyện bỏ hay duy trì điểm sàn đại học, nên tăng hay giảm điểm sàn tiếp tục được dấy lên ngay sau khi Bộ GD & ĐT cùng Hiệp hội các trường ngoài công lập có buổi làm việc tìm cách tháo gỡ cho một số trường khó khăn trong tuyển sinh thoát khỏi nguy cơ giải thể đóng cửa.

Câu chuyện này được "dấy" lên trước kỳ thi đại học khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong một sân chơi bình đẳng thì phải chấp nhận quy luật đào thải nghiệt ngã. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục khi trao đổi với PV Báo CAND đã khẳng định: Nếu hạ điểm sàn để tạo thêm nguồn tuyển sinh thì chất lượng đầu vào đại học sẽ rất thấp, mâu thuẫn ngay với chủ trương của chúng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Điểm sàn không phải là nguyên nhân khó tuyển sinh

PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khẳng định với PV Báo CAND, các trường ngoài công lập (NCL) khó tuyển sinh không phải do điểm sàn, vậy phải tìm hiểu xem họ mất dần thí sinh là vì lí do gì. Kể từ khi thực hiện kỳ thi "3 chung", cùng một nguyên tắc tính điểm sàn nhưng những năm trước các trường NCL vẫn tuyển được sinh viên, chỉ riêng năm vừa rồi việc tuyển sinh mới trở nên quá khó khăn.

Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên nhân khủng hoảng tuyển sinh của trường NCL trước hết đó là việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu những năm trước, chỉ tiêu do Bộ GD&ĐT quyết định thì năm 2012, việc xác định chỉ tiêu hoàn toàn do các trường đề xuất dựa trên hai tiêu chí là giảng viên và cơ sở vật chất. Trong khi đó, các trường công lập luôn có lợi thế hơn về hai tiêu chí này.

Nguyên nhân thứ hai là do việc kéo dài thời gian xét tuyển. Vì thời gian xét tuyển kéo dài nên lại là cơ hội tiếp theo để các trường công hút hết thí sinh. Giữa trường công và trường ngoài công lập, chắc chắn sự lựa chọn của thí sinh sẽ là trường công, dù đó là trường chưa có thương hiệu tốt.

GS.TS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính thẳng thắn chia sẻ, còn "3 chung" thì cần phải có điểm sàn. Đó là một trong những phương án để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Với mức điểm sàn như những năm vừa rồi (dao động ở 13, 14 điểm), theo GS. Ngô Thế Chi là phù hợp với tình hình phát triển giáo dục với nước ta.

Thí sinh nên cân nhắc khả năng và sở trường của mình để đăng ký nguyện vọng dự thi phù hợp. (Ảnh: Thiện Hoàng)

Cùng chung quan điểm với GS.TS Ngô Thế Chi, PGS.TS Hoàng Đình Sơn, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, điểm sàn chính là ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng giáo dục. PGS.TS Hoàng Đình Sơn không đồng ý với quan điểm hạ điểm sàn để tuyển  đủ chỉ tiêu.

Điểm sàn đi đôi với chất lượng, đảm bảo công bằng giáo dục

Vậy điểm sàn nên được thiết kế như thế nào để vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa đảm bảo công bằng trong giáo dục? Có nên lấy điểm sàn theo trường, theo khu vực. PGS.TS Lê Hữu Lập chia sẻ quan điểm: "Làm như thế rất khó vì phải xếp hạng các trường chính xác, trong khi việc xếp hạng trường Việt Nam làm chưa đâu vào đâu, còn vàng thau lẫn lộn. Còn điểm sàn theo khu vực, theo tôi cũng là không cần thiết vì trường ở các địa phương chủ yếu phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và cũng đã nhận được chính sách ưu tiên khu vực".

PGS.TS Lê Hữu Lập cho hay, cần phải tiếp tục cải tiến phương thức xác định điểm sàn để đảm bảo công bằng trong giáo dục. Lâu nay, việc xác định điểm sàn dựa trên số lượng thí sinh dự thi ÐH, tính toán cân đối một lượng dôi dư nhất định thí sinh đạt điểm sàn trở lên so với chỉ tiêu để giúp các trường tuyển đủ. Tuy nhiên, cách tính này không phù hợp khi số thí sinh trên điểm sàn dư mà các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Vậy số thí sinh này đi đâu, cần phải được tính toán cụ thể.

Cũng theo quan điểm của PGS.TS Lê Hữu Lập, để xác định được điểm sàn hợp lý, một trong những yếu tố quan trọng là căn cứ vào phổ điểm của từng môn thi trong từng năm, đề thi ra khó dễ khác nhau. Nếu năm nào đề thi ra khó, phổ điểm thấp, Bộ GD&ĐT có thể mạnh dạn hạ điểm sàn xuống cho phù hợp và ngược lại.

PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ Địa chất nêu quan điểm, có thể xây dựng điểm sàn bằng cách, xác định danh sách thí sinh có tổng điểm thi đại học của các môn theo khối thi đã được quy định cả điểm ưu tiên và xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Dựa vào chỉ tiêu dự kiến của các khối thi đã được xác định từng năm để làm cơ sở xác định giới hạn điểm sàn. Chỉ tiêu tuyển sinh này có thể được xem xét để nhân với hệ số dự phòng nhằm bảo đảm cho việc xử lý các tình huống phát sinh. Hệ số này (nếu có), được xác định cụ thể theo số liệu thống kê tuyển sinh hàng năm trước đây và có thể được điều chỉnh theo thực tế hàng năm cho phù hợp…

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTNNĐ Quốc hội

"Không phải trường ngoài công lập nào cũng khó khăn trong việc thu hút thí sinh". Vẫn còn nhiều trường hấp dẫn vì họ có những ngành đào tạo hợp với yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội và chất lượng đào tạo đảm bảo, sinh viên ra trường dễ tìm được việc làm.

Ngay từ khi tham gia vào hoạt động đào tạo thì các trường ngoài công lập phải xác định họ bắt đầu một cuộc chơi mà sự tồn tại, phát triển phụ thuộc vào chính họ. Họ phải làm sao để trường mình ngày càng hấp dẫn người học thì mới tồn tại được.

Tôi cho rằng những trường chưa hấp dẫn thí sinh, dù công lập hay ngoài công lập, chỉ có cách đổi mới điều kiện, chương trình, phương thức đào tạo để làm sao chất lượng đào tạo đảm bảo ở mức cao nhất.

Ngoài ra, các trường có thể học tập các doanh nghiệp, liên kết với nhau thành một trường ĐH bề thế hơn, có tiềm lực mạnh mẽ hơn, để có nhiều người học đến với mình hơn".

Thu Phương
.
.
.