Xây dựng hạ tầng giao thông bằng vốn ngân sách:

Không lựa chọn kỹ sẽ là gánh nặng

Thứ Sáu, 07/05/2021, 08:29
Thời gian gần đây nhiều địa phương đã có văn bản xin đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo các chuyên gia việc phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cần phải đầu tư có chọn lọc để lựa chọn những dự án, công trình thiết yếu phục vụ thiết thực cho người dân.



Điển hình của việc xin đầu tư hạ tầng giao thông là việc xin đầu tư vào sân bay. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tục nhận được đề xuất từ các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Trị, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Ninh Thuận, Hà Tĩnh... về việc lập quy hoạch, xây dựng sân bay.

Thế nhưng, việc xây dựng sân bay đòi hỏi suất đầu tư lớn và nguồn lực phát triển hệ thống cảng hàng không trên toàn quốc hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách. Trong khi thực tế không phải cảng hàng không nào cũng thu được lãi.  Câu hỏi được nhiều chuyên gia đưa ra là nguồn lực đầu tư cho những cảng hàng không mới sẽ từ đâu và việc này nên trở thành tiêu chí trước khi xem xét đưa vào quy hoạch trong thời gian tới.

Các địa phương nên xem xét việc xin quy hoạch đầu tư cảng hàng không.

Không chỉ trong lĩnh vực hạ tầng hàng không, đầu tháng 4/2021, UBND tỉnh Sơn La đã kiến nghị Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo Luật Đầu tư công. Theo đó, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, có đoạn đầu tuyến dài 19km (huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công, do tỉnh Hoà Bình làm chủ đầu tư. Đoạn giữa tuyến dài 34km (thuộc tỉnh Hoà Bình), bao gồm 2 cầu vượt lòng hố Sông Đà, công trình hầm, nền, mặt đường, tỉnh kiến nghị đầu tư bằng vốn ODA.

Đoạn cuối tuyến dài 32 km thuộc tỉnh Sơn La đầu tư bằng vốn ngân sách, do tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư. Cùng đó, 2 năm qua đã có một số dự án cao tốc không tìm được nhà đầu tư khiến cơ quan chủ quản phải đề xuất hướng đầu tư công, như các các dự án cao tốc Bắc Nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nghi Sơn - Diễn Châu (Nghệ An), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Thọ - Tuyên Quang...

Điều này cho thấy, các dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) giao thông không còn hấp dẫn nhà đầu tư như trước đây. Vậy để có nguồn vốn đầu tư các dự án, một địa phương đã đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai...) đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động trong việc bố trí và huy động nguồn vốn hợp pháp, đặc biệt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ, liên kết trong việc đầu tư ngoài ngành để triển khai đầu tư.

Theo các chuyên gia về giao thông, từ năm 2005 đã có vấn đề thất thoát trong xây dựng cơ bản. Do đó, để quản lý nguồn vốn ngân sách có hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người để tránh việc xin – cho, đẩy suất đầu tư lên dẫn đến thất thoát. Cùng với đó, nếu triển khai ồ ạt mà không quản lý chặt các định mức kỹ thuật, định mức đầu tư… thì rất khó tiết kiệm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI) - ông Trần Chủng - bày tỏ quan điểm, hiện thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư là huy động vốn tín dụng. Các dự án PPP hạ tầng giao thông có mức đầu tư lớn, đơn cử dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km, tổng mức đầu tư hơn 11.600 tỉ đồng, thời gian vay vốn kéo dài tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng, nên khó vay vốn. Trong khi đó, thời gian vừa qua nhiều dự án BOT đã phát sinh những vướng mắc về thu phí dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn phương án tài chính đề ra ban đầu.

Việc các địa phương đề xuất phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề tất yếu. Nhưng cần phải đầu tư có chọn lọc với các công trình thiết yếu phục vụ thiết thực cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay vẫn có nhiều người ví nguồn vốn ngân sách Nhà nước là “chùm khế ngọt”. Theo GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), việc đầu tư phải chọn những dự án, công trình thiết yếu nếu không sẽ dẫn đến gánh nặng cho đầu tư công.

Nếu ngân sách dư dả (bội thu) thì chúng ta có thể triển khai đường cao tốc, sân bay, đường sắt tốc độ cao, đường sắt trên cao… đây là việc cần phải làm đối với một xã hội phát triển. Nhưng hiện ngân sách đang còn eo hẹp buộc chúng ta phải có tính toán và lựa chọn kỹ, không thể đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao mà có thể dẫn đến thất thoát và lãng phí.

Theo ông Đào, nếu không quản lý tốt vấn đề đầu tư công sẽ dẫn đến thoát thoát và lợi ích nhóm, cụ thể như đường cao tốc Bắc – Nam đoạn phía đông hiện đang rất khó khăn về nguồn vật liệu khiến đội giá làm tăng chi phí ngân sách.

“Cùng với đó, việc đề xuất xây dựng hạ tầng giao thông đã kéo theo việc tăng giá bất động sản nơi dự án đi qua gây lũng đoạn thị trường. Hiện một số địa phương nguồn thu chính từ quỹ đất, nếu bán hết thì không còn nguồn thu. Do đó, việc phát triển hạ tầng đến những vùng có tiềm năng lớn thì cần phải triển khai và cần ưu tiên cho việc xây dựng đường tuần tra biên giới để bảo vệ an ninh, quốc phòng”, GS.TS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.

Đặng Nhật
.
.
.