Mất cắp hành lý tại sân bay: Không loại trừ có sự móc nối từ nội bộ

Thứ Năm, 11/06/2015, 10:01
Ngày 10/6, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Nguyễn Văn Chương đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra quy trình vận chuyển hành lý và hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tại đây, các đơn vị đều cho rằng, quy trình giám sát rất chặt chẽ. Thế nhưng, tình trạng hành lý bị móc trộm vẫn cứ xảy ra.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, từ tháng 12/2013 đến 12/2014 ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản của hành khách. Thế nhưng chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2015, đã tiếp nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản. 

“Theo đánh giá, việc moi móc hành lý có thể xảy ra lớn nhất ở hầm hàng tàu bay và khu vực phân loại hàng hóa. Vì các quy trình sắp xếp hành lý từ quầy làm thủ tục ra đảo hàng hóa, rồi đưa ra tàu bay thời gian rất ngắn, lại có camera giám sát, nhiều người nên khó thực hiện được”, ông Phương Hồng Minh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ mặt đất (HGS) nhận định.  

Hiện HGS đã rà soát lại các quy trình phục vụ, bổ sung quy chế kiểm soát an ninh nội bộ, kiểm tra giám sát, những nhân viên bốc xếp hành lý lên tàu bay, khi xuống tàu bay sẽ kiểm tra người bằng thiết bị cầm tay của nhân viên an ninh hoặc kiểm tra bằng cảm quan. 

Hành khách chờ lấy hành lý tại đảo trả hành lý ở sân bay.

Cũng khẳng định chưa phát hiện trường hợp nào nhân viên lấy cắp hành lý của khách, đại diện Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài - NIAGS  cho rằng, đơn vị đã có nhiều biện pháp quản lý nhân viên từ tuyển dụng, xem xét nhân viên và đánh giá trong quá trình phục vụ. Đặc biệt, đã mời các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra toàn bộ dây chuyền vận hành nhưng vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhân viên lấy cắp hành lý, hàng hóa của hành khách.

Trong khi đó, đi thẳng vào vấn đề, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lại cho rằng, không loại trừ có sự móc nối giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hàng hóa trong việc trộm cắp hành lý của hành khách. 

Hiện, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 87 máy soi chiếu, 39 cổng từ, 50 thiết bị kiểm tra kim loại cầm tay, 605 đầu camera  giám sát, trong đó 192 tại nhà ga T1, còn lại ở T2 và nhà khách VIP A... Trong 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện bàn giao 996 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự hàng không, trong đó bao gồm cả trộm cắp hàng hóa, hành lý. 

“Chúng tôi đã xác định, người ngoài không thể vào khu vực sân bay để trộm cắp hành lý, chỉ có nội bộ. Thời gian qua chúng ta cũng phát hiện một số vụ việc nhưng xử lý không đến nơi đến chốn, rồi có khi lại động chạm nên không triệt để.  Chúng tôi đang lên kế hoạch phối hợp giữa 16 đơn vị liên quan để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng này”, ông Hoàng Thanh Quang cho hay.

Đồng quan điểm với Giám đốc Trung tâm An ninh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đào Văn Chương cho biết, Cục thấy có nguy cơ tiềm ẩn trong việc mất cắp, móc trộm hành lý, hàng hóa và đã yêu cầu các đơn vị áp dụng nhiều biện pháp như lắp đặt camera giám sát bổ sung,… nhưng do chưa xác định được hành lý bị mất ở khâu nào nên chưa giải quyết triệt để. 

“Các đơn vị đều cho rằng, tuyển dụng người có nhân thân tốt, phẩm chất tốt nhưng có lẽ do môi trường làm việc nên đã tạo điều kiện cho nhân viên có hành vi không tốt”, ông Đào Văn Chương nhận định. 

Trả lời câu hỏi về việc, khi xảy ra mất cắp hành lý của hành khách, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm với hành khách, lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định, Hãng hàng không sẽ phải chịu trách nhiệm này.

Hành khách nên làm gì để tránh bị móc ruột hành lý?

Trả lời câu hỏi trong việc mất cắp hành lý, hành khách nên làm gì để tự bảo vệ tài sản của mình trước, ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh, Cục Hàng không cho biết: Để tránh rơi vào tình trạng bị mất đồ hay bị nhà chức trách mở hành lý, hành khách nên đọc kỹ điều lệ vận chuyển của các hãng hàng không, đừng để đến khi bị cơ quan hành pháp mở valy ra kiểm tra sẽ không đóng lại được, khi ấy nguy cơ mất mát hành lý rất cao. Ngoài ra, mỗi hành khách đi tàu bay trang bị cho mình những chiếc vali cứng, bọc nilon ở ngoài, khóa vali… 

Do hành lý ký gửi không khai báo về giá  trị cũng như tính chất nên hành lý sẽ được chất xếp theo quy trình thông thường, rất dễ bị hư hỏng đồ đạc bên trong, thất thoát hành lý. Trong khi đó, việc đền bù không theo giá trị của hàng hóa mà theo cân nặng, đã được quy định trong vận chuyển hàng không.

Đặng Nhật
.
.
.