Không gian công cộng tại TP HCM: Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn hoàn thừa

Thứ Hai, 25/02/2008, 11:30
Sống trên địa bàn sầm uất, có nhiều quảng trường, số lượng công viên lại càng không ít nhưng người dân TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu không gian công cộng, "đói" các sinh hoạt cộng đồng… Kết quả khảo sát, sự khẳng định này của một đơn vị kiến trúc xây dựng tưởng chừng đầy mâu thuẫn song trong thực tế lại hoàn toàn là sự thật.

Công viên: thiếu đủ thứ

Ngày cuối tuần, đi một vòng quanh các công viên thành phố, hầu như chúng tôi chỉ bắt gặp người đi tập thể dục thể thao, không mấy người tìm đến đây thư giãn, ngắm cảnh, khách đến du ngoạn lại càng hiếm hoi. Tại Công viên Lê Văn Tám, ngay cổng bên đường Hai Bà Trưng tấp nập thực khách đứng, ngồi ngổn ngang ngay bên xe hay kê dép, tấm giấy báo "bệt" ngay bên lề, thản nhiên ăn uống ngon lành với những ly nước mía hay đĩa nộm, bò bía liên tục được phơi trên những đĩa nhựa nho nhỏ từ quầy hàng không hơn gì chiếc xe đẩy bên kia lề đường theo tay người bưng bê sang phục vụ "thượng đế"…

Gửi xe vào trong công viên, dù đi bộ mỏi chân chúng tôi vẫn không tìm được một chiếc ghế đá nào còn trống để ngồi vì người tuy ít nhưng số lượng ghế còn khá hiếm hoi. Bảo vệ công viên cho biết, chỉ buổi sáng và buổi chiều mới đông người, phần lớn thời gian còn lại đều vắng hoe, có gì đâu mà chơi…

Ngoài công viên Lê Văn Tám, tại các công viên Gia Định, Tao Đàn, 23/9, 30/4 tình trạng cũng không khá hơn. Không kể một số dịch vụ tự phát, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan công viên, còn vô số những bất tiện khác mà người đến phải chấp nhận. Việc bố trí ánh sáng trong công viên càng chưa thể nói hoàn toàn làm người đến hài lòng và cả yên lòng.

Tuy nhiên, bất tiện nhất vẫn là chuyện gửi xe. Bãi gửi xe có nhưng diện tích có hạn nên vào mấy dịp lễ hội hay có tổ chức chương trình nào đó, người đến xem vẫn "méo mặt" vì biển báo hết chỗ. Kinh nghiệm thực tế về sự vất vả này, có lẽ không ai hiểu hơn mấy phóng viên chuyên theo dõi, đưa tin về các hoạt động lễ hội. Dù có đến đúng giờ nhưng không ít lần chúng tôi phải nhăn nhó, năn nỉ người giữ xe hết lẽ vẫn đành cắt cử một đồng nghiệp đứng ngoài giữ xe, giữ mũ. Tại lễ mít tinh kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong khi địa điểm tổ chức ở trước Dinh Thống Nhất, chúng tôi được hướng dẫn chạy lên tận Công Viên Tao Đàn, cách xa vài km để gửi xe…

Quảng trường nhiều nhưng nhỏ, thiếu điểm nhấn và ít tiện ích

Theo số liệu của nhà tư vấn Sasaki Associates Inc, trong số 10.300 khách du lịch trong năm đến TP Sydney của Australia thì có đến 7.700 khách đến công viên Olympic Sydney, trong số 33triệu khách du lịch đến Paris, Pháp thì có 9 triệu khách đến vườn hoa Tuileries…

Đại diện nhiều hãng lữ hành Việt Nam cũng cho biết, không chỉ có các công viên kể trên, nhiều quảng trường lớn trên thế giới: Thiên An Môn của Trung Quốc, Quảng trường quốc gia Washington DC, Mỹ… đã trở thành những địa điểm được nhiều khách du lịch lựa chọn. Riêng Việt Nam, quảng trường Ba Đình, Hà Nội cũng là một trong số những điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Tại TP Hồ Chí Minh hiện nay cũng đã có gần chục quảng trường song đều nhỏ, không những không tạo được điểm nhấn về truyền thống lịch sử, văn hóa đặc biệt của vùng sông nước Nam Bộ mà chức năng khá đơn điệu, ít gây được sự chú ý đối với khách du lịch.

Diện tích nhỏ càng khó trở thành địa điểm lý tưởng tổ chức mít tinh hay các lễ hội lớn, hạn chế sự tham dự, chứng kiến trực tiếp của nhân dân. Thế nên, một nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay như một sự thật hiển nhiên là phần nhiều các hoạt động mít tinh của thành phố thường chỉ được tổ chức khá gọn nhẹ trong Nhà hát Lớn và hầu hết người dân chỉ chứng kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng. Một số lễ hội lớn được tổ chức ngay trên nhiều tuyến đường chính, gây bất tiện cho phương tiện tham gia giao thông…

Một thành phố hiện đại với quảng trường lớn, đa năng, vừa mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa nói riêng, việc tạo dựng, hoàn thiện những không gian công cộng khác nói chung đang là một nhu cầu thực sự cần thiết của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

N.H.
.
.
.