Không dùng vàng mã để “áp đặt” thế giới bên kia

Thứ Tư, 29/08/2012, 09:28
Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng: Thế giới nhận thức về năng lực của linh hồn là có khả năng không cùng. Đừng bằng vàng mã để áp đặt cho thế giới bên kia theo lối đời thường. Nếu sử dụng vàng mã vừa đủ sẽ biểu hiện sự thành kính, là văn hóa. Còn khi quá lên sẽ thấy nó lòe loẹt và trở nên thiếu văn hóa…
>> Đốt vàng mã: Tiền tỷ cháy thành tro

Giáo sư Trần Lâm Biền có cách luận giải căn cơ về tục đốt vàng mã, lý do người ta đua nhau đốt vàng mã và cả biểu hiện sai lầm khi bỏ hàng trăm triệu tậu ôtô, máy bay, voi, ngựa... để hóa. Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, khởi nguyên của tục đốt vàng mã từ đâu? Và việc đốt vàng mã mang mục đích gì?

Giáo sư Trần Lâm Biền (Gs Tr.L.B): Vàng mã là đồ giả. Người ta tin rằng, khi hóa đi nó sẽ trở thành đồ thật để người âm sử dụng. Đốt vàng mã không phải tục lệ của người Việt mà của người Trung Hoa. Khởi nguyên của nó là trong một xã hội phân hóa cao, bắt đầu có vua chúa. Khi vua chúa chết đi, người ta thường chôn theo người thân thiết, tin cậy và cả những vật dụng quý giá. Về sau, khi thấy cách làm này không ổn, nhất là việc chôn theo những người tài thân cận của vua và được nhân dân yêu quý nên người ta nghĩ ra hình nhân thế mạng. Thời Đường, có Vương Dư nghĩ ra cách làm vàng mã để thay đồ thật. Như vậy, khởi đầu của vàng mã là sự tiến bộ trong tín ngưỡng. Sau đó, đốt vàng mã lan sang đất Việt và những vùng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

PV: Khởi nguyên của đốt vàng mã là sự tiến bộ trong tín ngưỡng, song dường như với hiện tại, nó đang đi quá đà phải không Giáo sư?

Gs Tr.L.B: Nếu vàng mã dùng đúng tính chất khởi nguyên sẽ thể hiện văn hóa ứng xử của người sống với người đã khuất. Nhưng khi vàng mã rời khỏi không gian gốc (nông thôn), vào đô thị (buôn bán) thì có sự đổi khác. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, người nông thôn thờ: mẫu Địa, mẫu Thoải, mẫu Thượng Thiên. Đó là 3 thế lực phù trợ cho cây trồng. Khi vào đô thị, không còn mẫu Địa mà chuyển thành mẫu Thượng ngàn, mẫu Thiên, mẫu Thoải. Cư dân buôn bán mắc bệnh “ghen vợ, ghen chồng không bằng ghen đồng, ghen bóng”.

Rồi cái tư duy “tốt lễ dễ kêu” khiến người ta đặt cược với thần linh, đua nhau làm nhiều vàng mã to lớn mà quên đi nhận thức về vũ trụ, về thế giới nói chung. Để rồi trượt dài trên con đường mang tính vô thức, kéo cõi bên kia về cõi thực tại theo kiểu “trần sao âm vậy”. Chính sự đố kỵ thúc đẩy cho vàng mã trở nên đa dạng, dẫn đến nhiều cái sai trái.

PV: Đó là những sai trái gì ạ?

Gs Tr.L.B: Cái sai trái tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sai trái vô thức. Đó là: Đốt nhiều vàng mã; vàng phải là vàng nhưng bây giờ lại là vàng tứ phủ, theo các màu của tứ phủ; làm những con vật rất to. Ví dụ như voi, ngựa... Những con vật này để cho ai? Cho tổ tiên, cho người đã khuất hay cho thần linh? Câu trả lời của tôi là, không phải người đã khuất vì người Việt có quan điểm chia vũ trụ thành 3 tầng. Tầng cao nhất dành cho thần linh (có thân xác khổng lồ). Tầng thứ hai dành cho nhân gian và cuối cùng là tầng âm ty.

Trong cổ tích người Việt, người âm phủ lên chơi dân gian rất nhỏ bé, có thể trèo cả lên cây ớt. Còn với Tây Nguyên Gốc, tượng nhà mồ không bao giờ làm to lớn cả (cho dù đấy là voi, ngựa, tượng người...). Những bức tượng nhỏ bé này bao quanh mồ, người ta thổi hồn vào để chúng trở thành của cải của người đã khuất. Người đã khuất nhỏ bé, tượng to đe dọa người đã khuất nên đấy là điều cấm kỵ.

Thế nên, vàng mã làm to không dành cho người đã khuất và cũng không dành cho thần linh (vì với thần linh thì nó quá bé). Theo tôi, hiện nay người ta làm vàng mã to chỉ thể hiện sự khoe mẽ với đời. Xuất phát từ tư duy trọc phú, với trình độ “no cơm ấm cật, dậm dật chân tay” chứ chưa đến mức “phú quý sinh lễ nghĩa”. Việc này làm méo mó đi vẻ đẹp văn hóa cổ truyền.

PV: Vàng mã “khủng” là khoe mẽ. Thế mà, có người còn đốt cả cái máy bay to đùng, cái ôtô to như ôtô thật để thể hiện sự thành tâm với người đã chết. Giáo sư thấy hiện tượng này như thế nào?

Gs Tr.L.B: Đấy là cái mới trong vàng mã hiện nay. Và đây là sự bịa đặt của những người mê tín dị đoan từ trong máu nên áp đặt cho thế giới bên kia. Không biết họ dựa trên nền tảng nào để đại diện cho người chết mà kéo lùi năng lực của người ở thế giới bên kia đến mức thấp hèn. Thực ra, họ có tội với người đã khuất mà tưởng như có công. Tại sao tôi nói vậy? Vì linh hồn của người chết bằng nghiêm chứng người đời xưa có năng lực vô biên, phân thân tán thể, không lệ thuộc vào không gian, thời gian. Việc đi lại của người âm không cần phải đặt ra, bởi “tốc độ”(?) di chuyển của linh hồn là tức thì. Vậy bắt các linh hồn phải dùng phương tiện giao thông để di chuyển có khác gì làm nghèo hèn đi cái năng lực của linh hồn đó.

Thế giới nhận thức về năng lực của linh hồn là có khả năng không cùng. Đừng bằng vàng mã để áp đặt cho thế giới bên kia theo lối đời thường. Nếu sử dụng vàng mã vừa đủ sẽ biểu hiện sự thành kính, là văn hóa. Còn khi quá lên sẽ thấy nó lòe loẹt và trở nên thiếu văn hóa.

PV: Chính phủ đã có hẳn Nghị định, trong đó có quy định việc xử phạt 500.000 – 1.000.000 đ/lần người có hành vi đốt vàng mã ở các di tích, nơi công cộng, song thực tế, chưa thấy ai bị phạt cả, thưa Giáo sư?

Gs Tr.L.B: Những người hành pháp không thực hiện đúng chức năng của mình. Có thể, họ sợ phạm vào thế giới bên kia. Nếu họ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì tình hình đã khác. Song dù sao cũng phải để cho họ hiểu biết vàng mã là gì, đốt thế nào cho đúng. Để hạn chế việc đốt vàng mã, cái quan trọng phải có cái Trí, phải hiểu. Khi hiểu vàng mã là gì, đốt thế nào cho đúng thì người ta sẽ có cách ứng xử đúng đắn. Nếu không hiểu thì hàng tỷ đồng sẽ thành tro.

PV: Cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi thú vị này!

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.