Không có chuyện nữ sinh bị bắt cóc ở Quảng Trị

Thứ Sáu, 09/09/2011, 14:08
Sau 5 ngày gia đình L.Th.T. trình báo em bị mất tích, T. đã được anh trai đưa về nhà. Thông tin T. bị bắt cóc chỉ là tin đồn thất thiệt.

Vắng mặt bí ẩn

Ông Trần Viết Hậu, Trưởng Công an xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, cho chúng tôi biết: "Ngày 28/8, gia đình ông L.V.Q. - H.Th.Gi., ở đội 2, Mai Đàn, Hải Lâm có đến Công an xã Hải Lâm trình báo việc con gái út của ông bà là L.Th.T. đi học từ 2 ngày nay không về nhà. Gia đình cũng cho biết đã trình báo sự việc với Công an huyện Hải Lăng. Đến ngày 3/9, gia đình ông Q gọi điện thông báo với Công an xã Hải Lâm là gia đình đã tìm được cháu T.". Ông Hậu cũng cho biết, ông và các cán bộ xã Hải Lâm có nghe thông tin từ người dân là tình trạng sức khoẻ của cháu T. hiện không tốt, tinh thần bị hoảng loạn, lúc nhớ chuyện, lúc không.

Sự thật

Trò chuyện với chúng tôi, bà Gi. cho biết: "Chồng tui (ông Q.) đang đi Đông Hà (Quảng Trị) tìm việc làm. Ông ấy làm thợ mộc ở Sài Gòn nhưng cách đây mấy hôm nghe con T bị bắt đi, ông tức tốc về nhà. Con T. nó hiền lành, một buổi nó đi học, buổi còn lại giữ hai đứa cháu. Duy nhất có một lần vào ngày 24/8 nó xin tui 20 nghìn đi ăn kem, rồi 2 ngày sau thì nó đi. Nó có điện thoại di động nhưng tui gọi không được. May mà nó gọi được cho anh nó đang học ở Huế. Anh nó và đứa anh nữa ở Bình Dương đi tìm được nó ở tận tỉnh Phú Thọ".

Cháu T. năm nay 15 tuổi, thân mình phổng phao và trắng trẻo. Thi thoảng cháu trả lời chúng tôi, còn lại tỏ ra lầm lì, khó hiểu hơn là chuyện bị tác động tới tâm thần, sức khoẻ. Khi chúng tôi khuyên bà Gi. nên đưa T. vào bệnh viện khám sức khoẻ thì trông T. rất lo lắng...

Chúng tôi tìm hiểu sự việc với anh của cháu T. là L.V.Ph. (hiện Ph đang học ở Huế). Ph. cho biết: "Lý do mà em tìm được em gái ở Phú Thọ là do trước đó em nhận được tin nhắn của em gái em với nội dung "Anh ơi em không có tiền ăn. Anh gửi cho em với". Em liền gọi điện rồi dần biết được sự việc. Em báo cho người anh ở Bình Dương rồi hai anh em cùng đi tìm T. Một người con trai gọi điện thoại, bảo em gửi tiền cho T. và cho em địa chỉ gửi tiền. Qua ba lần em kiểm tra trên google nhưng địa chỉ không đúng với thực tế, đến lần thứ 4 thì em mới biết Bưu điện Nông Trang là ở tỉnh Phú Phọ".

Tôi hỏi Ph. đã tìm ra em gái như thế nào? Ph. cho biết: "Khi ra tới Phú Thọ, em đã gọi điện cho em gái đến Bưu điện Nông Trang để nhận tiền, đồng thời bảo em đang ở Huế để đề phòng tình huống xấu. Khoảng 30 phút sau đó, em gái em đi cùng với một người con trai đến bưu điện. Do mừng quá, em và anh của em đã đến dẫn em gái về mà không hỏi han gì".

Chúng tôi không khẳng định hay suy đoán sự việc nhưng chắc chắn một điều thông tin mà em T. bị bắt cóc là thông tin thất thiệt. Đây cũng là bài học đối với các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh ở nông thôn không nên chủ quan với việc học tập, sinh hoạt của con cái mình; phải tìm hiểu, quản lý con cái một cách hợp lý, khoa học. Bởi thực tế hiện nay có không ít chuyện đau lòng xảy ra mà chúng ta không hề ngờ tới. Song khi bình tĩnh xét lại, những chuyện đó là có thể xảy ra, thậm chí dễ dàng xảy ra bởi xã hội có rất nhiều cạm bẫy từ các thông tin, hình ảnh đen, từ các trò chơi nguy hiểm trên Internet khó bề quản lý

Phan Thanh Bình
.
.
.