Không chủ quan với dịch sởi

Thứ Tư, 25/06/2014, 12:46
Theo thông báo của WHO, đến nay, dịch sởi đã xảy ra tại 171/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung tại khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Phi.

Còn tại Việt Nam, mặc dù ngày 23/6, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng thông báo là dịch sởi đã tạm lắng, nhưng theo con số thống kê của Bộ Y tế vào ngày 24/6, cả nước đã có tới 31.313 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó, 146 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Tuần qua vẫn có thêm 141 trường hợp dương tính với sởi và đặc biệt là đã có thêm 1 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Số địa phương có dịch sởi đã tăng từ 62 lên 63 tỉnh, thành phố, tức là đã “phủ sóng” toàn quốc vào tháng 6/2014.

Nhiều trẻ vẫn mắc bệnh sởi và phải nhập viện.

Thời gian qua, có 10 địa phương có số người bị sốt phát ban dạng sởi trên tỉ lệ 100.000 dân, cao nhất cả nước là Hà Giang (147,0), Cà Mau (142,4), Yên Bái (118,9), Lào Cai (117,9), Bắc Ninh (115,5), Vĩnh Phúc (110,1), Sóc Trăng (88,7), Hà Nội (86,8), Bình Dương (81,8), Hưng Yên (70,2). Những ngày gần đây, số người mắc sốt phát ban nghi sởi nhập viện tại 3 bệnh viện vốn là 3 điểm “nóng” về bệnh nhân mắc sởi trong vụ dịch là BV Bạch Mai, BV các bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương đều đã giảm. Số nhập viện cao nhất vào đầu tháng 5/2014 là 52 trường hợp/ngày, đến nay trung bình trong tuần chỉ còn 9 ca nhập viện/ngày. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hầu hết số bệnh nhân vào BV Nhi TW chủ yếu ở Hà Nội, do đó, vấn đề phân tuyến vẫn phải được coi trọng để tránh lây nhiễm. Đây cũng là điều cần được lưu tâm vì việc phân tuyến cho các BV trong việc điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế chỉ đạo từ tháng 4/2014. Nếu cứ để bệnh nhân vượt tuyến, và BV Nhi tiếp tục nhận bệnh nhân không đúng tuyến dễ khiến bệnh nhân bị lây nhiễm chéo các bệnh khác.

Tuy nhiên, với hàng loạt biện pháp của ngành y tế như phân tuyến cho các BV điều trị, đặc biệt là việc có phác đồ điều trị phù hợp, phân luồng, cách ly, giảm các thủ tục phiền hà khi đi khám, chữa bệnh, để hạn chế việc lây nhiễm từ khu vực khám bệnh của các BV, lại thêm thời tiết đã nắng nóng, qua đỉnh dịch, nên có thể hy vọng dịch sởi sẽ thực sự giảm dần số người mắc. Bên cạnh đó, một yếu tố nữa là chiến dịch tiêm vét vaccin sởi trên toàn quốc hiện đã có 57 tỉnh đạt mục tiêu, với tỉ lệ chung là 97%.

Bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn phức tạp

Hiện số người mắc TCM trong cả nước 31.139 trường hợp và đã xảy ra 2 trường hợp tử vong do TCM tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi miền Bắc giảm 26,3% thì số mắc ở phía Nam lại tăng 0,7% và Tây Nguyên tăng 5,0%. Riêng trong tuần qua đã có thêm hơn 2.000 trường hợp mắc mới TCM, tăng 9,4%, trong đó, chủ yếu ở miền Nam, chiếm tỷ lệ 71,1%. Có 12 địa phương có số người mắc TCM tăng ở cả miền Nam và miền Bắc là Long An, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Ninh Bình…

Người dân cần tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế trong việc phòng bệnh TCM: giám sát phát hiện sớm ca mắc mới và khoanh vùng ổ dịch, triệt để thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh các bề mặt bàn ghế, nền nhà, dụng cụ gia đình, đồ chơi... để phòng bệnh. Cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ …

Thanh Hằng
.
.
.