Khôi phục chức danh cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên

Thứ Năm, 20/09/2018, 16:19

Ngày 20-9, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) trong vụ án “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Vũ) là nguyên đơn.


HĐXX đã bác đơn kháng cáo của ông Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Theo đó, toà án đã hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh phó Tổng giám đốc (TGĐ) thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, do ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên ký; khôi phục lại chức danh phó TGĐ thường trực của bà Thảo. Đồng thời, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trợ bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty với tư cách là một thành viên HĐQT và phó TGĐ thường trực.

Vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo liên tục xuất hiện ở toà án để giải quyết tranh chấp

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ Trung Nguyên, đồng thời sở hữu 50% trong khối tài sản chung của hai vợ chồng và là thành viên HĐQT của công ty.

Ngày 8-5-2006, bà Thảo được bổ nhiệm giữ chức vụ phó TGĐ thường trực của công ty, theo đó có quyền thực hiện các công việc điều hành và quản lý Trung Nguyên theo ủy quyền của TGĐ là ông Vũ. Dưới sự điều hành của bà Thảo, công ty ngày càng lớn mạnh, vốn điều lệ của công ty tăng từ 150 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận hàng năm đều tăng mạnh.

Đến tháng 7-2014, ông Vũ đã thực hiện các hành động nhằm đẩy bà Thảo ra khỏi ra khỏi công ty. Cụ thể như, tự ý ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của bà Thảo mà không được HĐQT thông qua; chỉ đạo nhân viên đập bỏ phòng làm việc của bà Thảo khiến email của bà Thảo bị mất dữ liệu ảnh hưởng đến việc trao đổi, liên lạc với khách hàng và nhân viên công ty; ngăn cản không cho bà Thảo vào trụ sở công ty. Ngoài ra, ông Vũ còn trực tiếp và chỉ đạo cho các nhân viên ngăn cản, không cho phép bà Thảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của một cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ cũng như thành viên HĐQT của công ty.

Từ đó, bà Thảo đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của mình, buộc ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở việc bà tham gia điều hành, quản lý công ty... Quá trình giải quyết vụ án, tòa nhiều lần hòa giải nhưng không thành.

Xử sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thảo, tuyên án như đã nêu trên. Không đồng ý bản án, sau khi xét xử sơ thẩm, ông Vũ và công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên kháng cáo.

Trong đơn, ông Vũ yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đề nghị của bà Thảo. Còn phía công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên thì cho rằng nội dung khởi kiện của bà Thảo không phải là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà thuộc về nội bộ công ty.

Tại tòa, đại diện theo ủy quyền của ông Vũ khẳng định không có việc ông này ngăn cấm, cản trở bà Thảo điều hành công ty. Các cuộc họp HĐQT và Đại hội đại cổ đông bà Thảo đều được mời tham gia. Một số công việc của bà Thảo được ủy quyền đã hết hạn, TGĐ công ty chưa tiếp tục ủy quyền hay gia hạn giấy ủy quyền.

Bảo vệ cho ông Vũ, luật sư thừa nhận: Chủ tịch HĐQT không có quyền bãi nhiệm chức vụ phó TGĐ. Do đó, sau khi có bản án sơ thẩm, ông Vũ đã có quyết định thu hồi quyết định sai này. “Vì đối tượng khởi kiện không còn, thẩm quyền giải quyết vụ việc không thuộc tòa án nên đề nghị HĐXX đình chỉ vụ kiện”, luật sư ông Vũ nêu quan điểm. Về việc bà Thảo tố bị cản trở điều hành Trung Nguyên, phía bị đơn đã nộp nhiều hồ sơ, tài liệu bác bỏ điều này nên luật sư đề nghị tòa sửa án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện.

Tham gia tranh luận, luật sư bảo vệ bà Thảo cho rằng, phía bị đơn có sự mâu thuẫn khi cho rằng đối tượng khởi kiện không còn nhưng vẫn kháng cáo yêu cầu này. Luật sư chỉ ra việc bà Thảo bị cấm tham gia điều hành công ty được thể hiện rõ qua việc mời bà đi họp HĐQT thưa thớt, không cho bà đụng vào các giấy tờ, hợp đồng hay gặp đối tác công ty. Theo luật sư, giữa bà Thảo và ông Vũ không đơn thuần là quan hệ góp vốn mà còn là quan hệ vợ chồng. Công ty được hình thành từ một công ty nhỏ rồi cùng nhau lớn mạnh, như vậy tài sản sỡ hữu hay cổ phần công ty phải chia đôi.

Sau khi xem xét hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại tòa, HĐXX phúc thẩm đánh giá không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông Vũ và tập đoàn Trung Nguyên nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Liên quan quyền điều hành hoạt động của cà phê Trung Nguyên, từ cuối năm 2015, vợ chồng ông Vũ xảy ra nhiều tranh chấp. Ngoài ra, toà án đang thụ lý và giải quyết vụ án ly hôn của cặp vợ chồng này...

A.Huy – Hồng Sơn
.
.
.