Khởi nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ: Nở rộ nhưng nhiều thách thức

Thứ Tư, 26/06/2019, 08:16
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Cùng với những nỗ lực triển khai đề án, nhiều cơ hội, “sân chơi” mới cho doanh nghiệp Du lịch, đặc biệt là đơn vị, cá nhân có ứng dụng công nghệ mang nhiều giải pháp cho thị trường du lịch Việt.


Không chỉ có các bạn trẻ ở trong nước, nhiều người trẻ từ nước ngoài cũng trở về Việt Nam khởi nghiệp với những ý tưởng táo bạo trong ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch.

Những ngày cuối tháng 6, cuộc thi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch do Tổng cục Du lịch, Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn khép lại với cuộc cạnh tranh khá căng thẳng của các nhóm bạn trẻ tại Hà Nội.

Hàng loạt các dự án, ý tưởng sáng tạo mới mẻ được “trình làng” khiến ban giám khảo gồm những nhà quản lý, nghiên cứu và người trực tiếp làm du lịch, các ngành nghề liên quan đã có thâm niên cũng như uy tín nhiều năm trong nghề ngạc nhiên.

Nhóm bạn trẻ trong nước với dự án mang tên Liberzy gây nhiều bất ngờ khi cho thấy, những thú vui check in, chụp hình lưu niệm của du khách trong mỗi chuyến đi đang rất phổ biến trên các trang mạng cá nhân không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí của cá nhân một cách nhất thời mà còn mở ra những cơ hội mới trong làm kinh tế. Cụ thể, với công cụ thông minh được dự án cung cấp, du khách có thể tạo và chia sẻ bản đồ du lịch của riêng mình đồng thời tạo ra mạng xã hội tương tác với người khác.

Du khách ngày càng được đáp ứng tốt hơn trong nhiều mô hình ứng dụng công nghệ mới để phát triển du lịch.

Người chia sẻ trải nghiệm du lịch được trả tiền theo kế hoạch chia sẻ doanh thu của Liberzy. Trí tuệ nhân tạo được áp dụng để cung cấp thông tin du lịch phù hợp nhất trong dữ liệu lớn được tạo bởi những người dùng khác.

Chủ dự án cũng có được nguồn doanh thu từ quảng cáo các điểm đến. Tất nhiên, đây mới chỉ là khởi điểm với quy mô còn khá khiêm tốn nhưng vẫn được dàn giám khảo đánh giá khá cao. Ngược lại, Bedlinker.com - sàn giao dịch thương mại điện tử B2B dành cho lĩnh vực du lịch và khách sạn tại Việt Nam, dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng gây bất ngờ cả về quy mô lẫn doanh thu. Đây là sàn giao dịch du lịch được kết nối trực tiếp tới lượng lớn khách sạn,  khu nghỉ dưỡng và nhiều loại hình lưu trú khác.

Các công ty du lịch có thể dễ dàng kiểm tra và đặt phòng nhanh chóng với khách sạn ưa thích qua sàn giao dịch này với giá cả ưu đãi. Doanh thu 125.000 USD trong 5 tháng đầu năm 2019 và mục tiêu vươn tới con số hàng triệu USD, độ “phủ sóng” nhanh chóng với vài trăm điểm đến trong nước và thế giới, trên 400.000 khách sạn cao cấp và ý tưởng chinh phục thị trường Đông Nam Á của nhóm đã hoàn toàn thuyết phục các thành viên để chiến thắng. 

Khá nhiều mô hình, dự án khác cũng được các bạn trẻ đưa từ nước ngoài về nhằm khai thác, phát triển du lịch Việt: Touristmasster - hỗ trợ du khách tự lên kế hoạch cho chuyến đi theo nhu cầu thông qua những so sánh, lựa chọn dịch vụ cần thiết; Tububb – nền tảng công nghệ kết nối du khách với bạn bè địa phương trên toàn thế giới…

Mặc dù các dự án nói trên khiến không ít người bất ngờ nhưng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Hà Văn Siêu thì đây là xu hướng tất yếu. Hiện nay, đề án tổng thể phát triển công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được triển khai rất nhiều mặt. Trong đó có số hóa các tài nguyên du lịch, xây dựng các dữ liệu lớn về du lịch như di sản, ẩm thực, văn hóa, cảnh quan, các điểm du lịch và dịch vụ du lịch.

Việc số hóa tạo ra nguồn tài nguyên du lịch vô cùng đặc sắc và độc đáo, khả năng kết nối lớn, tạo tiền đề cho các ứng dụng công nghệ mới ra đời, các sản phẩm du lịch thông minh. Đề án thúc đẩy dùng công nghệ để tạo ra các giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch Việt Nam và dùng công nghệ để du khách quốc tế đến Việt Nam cũng như người Việt Nam đi du lịch trong nước có những trải nghiệm tốt nhất,  phát huy giá trị sản phẩm du lịch cao nhất và các tài nguyên du lịch được khai thác, ứng dụng phát triển một cách bền vững hơn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hà Văn Siêu thì các doanh nghiệp dù cũ hay mới đều không thể không ứng dụng công nghệ trong hoạt động nhiều mặt, từ marketing, quảng cáo đến tiêu thụ bán sản phẩm. 

Nhưng cùng với thuận lợi là nền tảng công nghệ đã sẵn có thì doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Yêu cầu về nhân lực phải cập nhật được công nghệ là một ví dụ. Thách thức khác nữa là các doanh nghiệp ý tưởng công nghệ phải thuyết phục được khách hàng, tạo ra những yếu tố mới được thị trường chấp nhận.

Về vấn đề này, chuyên gia tư vấn hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân cho rằng, năm 2018, khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch mới chỉ phổ biến ở một số thành phố lớn thì hiện nay, phong trào này đã lan tỏa đến toàn quốc.

Nhưng, ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp với du lịch cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Đầu tiên là giáo dục khởi nghiệp. Các trường đại học chưa đưa giáo dục khởi nghiệp thành chương trình thường xuyên. Vì vậy, sinh viên vẫn còn tư duy cũ, không tiếp cận được tư duy mới, công cụ mới nên mô hình ít sáng tạo hơn.

Đây là điểm nghẽn của sinh viên Việt nói chung, trong đó có du lịch. Thứ hai là hệ sinh thái khởi nghiệp chưa năng động, hiệu quả, bền vững. Các nhà đầu tư ở giai đoạn hạt giống, ươm tạo, từ ý tưởng ra mô hình kinh doanh chưa mạnh dạn “rót vốn”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trẻ, các bạn trẻ và chúng ta đang còn thiếu các quỹ đầu tư cho giai đoạn này.

Để tháo gỡ các điểm nghẽn này, cần tích cực kết nối hơn nữa giữa 3 nhà là nhà nước, nhà trường, nhà đầu tư, kể cả các tập đoàn đầu tư quốc tế với doanh nghiệp khởi nghiệp. Như thế, sẽ cần thêm nhiều chương trình hành động, đề án ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch để tạo ra hệ sinh thái du lịch mới, đưa du lịch phát triển ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

N.Nguyễn
.
.
.