'Khoanh vùng' kiểm tra an toàn nhà hàng nổi, tàu thuyền chở khách
Việc phối hợp giữa 3 lực lượng trên đã hỗ trợ lẫn nhau, tạo cho hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành đạt được hiệu quả cao hơn. Điển hình như khi lực lượng Cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lí vi phạm, đã vận động được hàng ngàn chủ phương tiện thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký phương tiện theo quy định; nhiều thuyền viên, người lái phương tiện đã qua đào tạo và được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn…
Siết chặt quản lý hoạt động vận tải
Với mục tiêu “Siết chặt quản lí hoạt động vận tải, kiểm soát quá tải trọng phương tiện, không chở quá vạch mớn nước an toàn, không chở quá số người trên phương tiện”, từ 21/3/2014 đến nay, lực lượng CSGT; đăng kiểm và đường thủy nội địa cả nước đã tổ chức phối hợp kiểm tra 68 cảng thủy nội địa, 113 bến thủy nội địa, 211 bến khách ngang sông, hàng trăm phương tiện ở các bến.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn kiểm tra 20 cơ sở đóng mới phương tiện thủy, phát hiện 16 cơ sở có vi phạm. Lực lượng chức năng cũng đã phối hợp, kiểm tra 12.882 trường hợp vi phạm, qua đó lập biên bản 1.644 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy nội địa, xử phạt, nộp kho bạc hơn 3 tỷ đồng; đình chỉ 99 trường hợp không đảm bảo điều kiện an toàn hoạt động, thanh thải hơn 12.100 chướng ngại vật lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng…
Chỉ riêng lực lượng Cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản hơn 211 nghìn trường hợp vi phạm với hơn 219 nghìn lỗi; đình chỉ 659 trường hợp không đảm bảo điều kiện hoạt động, phạt tiền chuyển Kho bạc Nhà nước thu gần 119 tỷ đồng…
Như vậy, rõ ràng, khi 3 ngành quản lí Nhà nước trên đường thủy cùng phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lí vi phạm thì hiệu quả về trật tự cũng như an toàn giao thông trên đường thủy tăng lên rõ rệt, đặc biệt là tại các địa phương tổ chức được nhiều đợt kiểm tra liên ngành như Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Ninh Bình… thì hiệu quả đạt cao hơn các địa phương khác.
Lực lượng Cảnh sát đường thủy tuyên truyền hành khách chấp hành quy định đi đò mặc áo phao. |
Xử lí nghiêm các nhà hàng, nhà nổi vi phạm
Vào đầu tháng 8/2014, chúng tôi được tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cảnh sát đường thủy, Cục Đăng kiểm và Cục Đường thủy nội địa đã kiểm tra điều kiện ATGT, kỹ thuật và phòng chống cháy nổ tại các nhà hàng nổi, du thuyền đang hoạt động trên Hồ Tây (Hà Nội).
Qua kiểm tra 2 du thuyền Potonas; nhà hàng thuyền rồng Tây Long 3 và nhà hàng Tiên cá 1 của Công ty TNHH xúc tiến Thương mại và Dịch vụ hồ Tây, lực lượng chức năng đã phát hiện du thuyền Potonas không có bảng ghi số người được phép chở, vạch dấu mớn nước an toàn quá mờ không nhìn rõ, hết hạn đăng kiểm; nhà hàng thuyền rồng Tây Long 3 phương tiện đã hết hạn đăng kiểm; nhà hàng Tiên cá 1 của Công ty TNHH xúc tiến Thương mại và Dịch vụ Hồ Tây không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì. Bà Lê Thị Hoa, Quản lý hành chính và nhân sự thanh minh, do thay đổi chủ doanh nghiệp liên tục nên chưa làm được các thủ tục đăng ký, đăng kiểm.
Được biết, nhà hàng Tiên cá 1 hoạt động từ năm 2011 đến nay và phương tiện này được thuê lại từ Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây. Lực lượng chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp trên làm thủ tục đăng kiểm. Riêng nhà nổi Tiên cá 1 đã bị đình chỉ hoạt động và giao toàn bộ hồ sơ cho Công an quận Tây Hồ thụ lý theo thẩm quyền.
Ngoài đợt kiểm tra trên, 3 ngành còn tổ chức 8 đoàn kiểm tra thực tế hoạt động vận tải hành khách, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, hoạt động quản lí bến cảng, bến thủy trên các tuyến đường thủy nội địa khác tại Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, An Giang, Đồng Tháp… Qua đó, lực lượng chức năng đã trao đổi thông tin về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của các địa phương, phản ánh thực trạng hoạt động quản lí kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, phương tiện, thuyền viên và người lái phương tiện, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách.
Năm 2015, công tác liên ngành sẽ tập trung vào công tác phòng ngừa thiên tai bão lụt, cùng với các địa phương chỉ đạo sâu sát, mạnh mẽ, tăng cường quản lý phương tiện thủy; hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng như: vận động chủ phương tiện, chủ bến khách, người tham gia giao thông về trang bị, sử dụng áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cứu sinh; tổ chức cho chủ bến khách, chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. |