Khó xử lý dứt điểm nạn “cát tặc” trên sông Đồng Nai

Thứ Bảy, 18/11/2017, 23:16
Những ngày qua, nhiều hộ dân ở khu vực cù lao Ba Xê, phường Long Bình Tân, TP Biên Hoà (Đồng Nai) luôn thấp thỏm lo âu khi tình trạng sạt lở bờ sông đã gần tới nhà mình. Một số hộ đã phải dọn nhà ra đi nơi khác do nhà ven sông Đồng Nai gây ngập liên miên, nhiều loại cây ăn trái đã và tiếp tục đang sụt lún, trôi xuống sông.

Theo nhiều người dân, nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra hằng đêm trên sông Đồng Nai. Ông Võ Hồng Anh, một người dân cù lao Ba Xê cho biết, so với cách đây vài năm, nay bờ sông đã lở vào khoảng 20m. Nguyên nhân chính do nạn cát “tặc” bơm hút suốt đêm.

Bà Phan Thị Quýt nhà gần đó cho biết, mỗi khi thấy “cát tặc” bà thường ra rọi đèn bin la hét nhằm xua đuổi. Thế nhưng, các đối tượng không những không đi mà nhiều khi còn quay lại đe dọa nên bà cảm thấy thật sự bất an cả.

Số ghe, thuyền nhỏ gắn bơm hút cát neo đậu trong khu vực làng bè Long Bình Tân trên sông Đồng Nai.

“Nhiều lần phát hiện báo cho chính quyền địa phương nhưng rồi chẳng thấy lực lượng chức năng tới. Giờ dân chúng tôi chỉ mong muốn các ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm và kiên quyết hơn trong việc xử lý tình trạng bơm hút cát trái phép để người dân yên ổn làm ăn”.

Theo đại diện UBND phường Long Bình Tân, mặc dù chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt ra quân truy bắt “cát tặc” trên đoạn sông Đồng Nai thuộc địa phận phường này, nhưng việc bắt giữ, xử lý hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng chủ yếu bơm hút cát trái phép về nửa đêm về sáng, còn ban ngày chúng cho các phương tiện bơm hút cát ẩn nấp ở các khu vực khuất ven bờ sông.

Ông Đoàn Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân cho rằng, căn cứ vào Nghị định 33 thay thế Nghị định 142 trước đây, lực lượng kiểm tra chỉ được bắt và tạm giữ ghe thuyền có trọng tải từ 50m3 trở lên. Quy định này đang thực sự gây khó khăn cho địa phương trong việc kiểm tra truy bắt và xử lý nạn “cát tặc”.

Bởi số ghe, thuyền của “cát tặc” đều dưới 50m3 chỉ bị bắt giữ, lập biên bản và xử phạt hành chính. Cũng theo ông Đoàn, quy định trước đây cho phép địa phương khi phát hiện ghe, thuyền lưu thông trên sông có gắn bơm hút cát là có thể yêu cầu dừng để kiểm tra, xử lý. Còn nay, theo quy định mới, địa phương chỉ có thể xua đuổi khỏi khúc sông quản lý, chứ khó có thể xử lý mạnh để ngăn chặn cát “tặc”.

Đại diện Phòng TN&MT TP Biên Hoà cũng cho biết, quy định vừa kể đang gây khó khăn trong việc kiểm tra xử lý “cát tặc” trên sông.

Thực tế với mức siêu lợi nhuận từ khái thác cát trái phép, các đối tượng thường xuyên sử dụng ghe, thuyền nhỏ bơm hút trộm cát rồi đưa lên bờ bán nhiều lần trong đêm, chấp nhận nộp phạt khi bị phát hiện, bắt quả tang.

Từ đó tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai không được xử lý dứt điểm. Phức tạp nhất vẫn là đoạn sông thuộc các phường xã như Long Hưng, Long Bình Tân, Tân Vạn, Hiệp Hoà, Bửu Long, Tân Hạnh.

Trước thực trạng này, UBND TP Biên Hoà đã có cuộc họp với các ngành và đơn vị phường xã liên quan nhằm tìm giải pháp xử lý. Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hoà Nguyễn Tấn Long đã yêu cầu các phường, xã ven sông chủ động nắm tình hình phối hợp với đội phản ứng nhanh chống bơm hút cát trái phép của TP Biên Hoà và tổ chức các đợt ra quân kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm.

Phòng Quản lý Đô thị có nhiệm vụ rà soát, xử lý dứt điểm các bến bãi không phép lén lút hoạt động dọc 2 bờ sông Đồng Nai do  đây là những nơi để tiêu thụ cát lậu từ bơm hút cát trái phép từ dưới sông. Nhưng với quy định còn hở như vậy, tình trạng cát “tặc” dùng ghe, thuyền nhỏ khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai sẽ khó có thể chấm dứt. 

Bảo Sơn
.
.
.