Khó trăm bề trong việc nâng cấp đê biển đủ sức chống bão cấp 10

Chủ Nhật, 06/10/2013, 15:06
Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án nâng cấp 6 tuyến đê biển tại Hải Phòng với tổng chiều dài 104km. Mục tiêu của đề án là sau khi hoàn thành nâng cấp, các tuyến đê đủ sức ngăn mặn, chống gió bão cấp 10 với mức triều tần suất 5%. Thế nhưng, đến nay đã gần 8 năm thực hiện Quyết định trên, cả thành phố mới chỉ hoàn thành hơn 1/3 khối lượng công việc với tổng chiều dài 30/104km.

Ban Quản lý các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện gói dự án nâng cấp đê biển cho biết, nguyên nhân của việc chậm trễ là do thiếu nguồn vốn triển khai thực hiện. Tuy quyết định có từ năm 2006 nhưng 2 năm sau mới nhận được thông báo cấp vốn thực hiện.

Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện chương trình, tổng mức đầu tư cho các dự án là 1.241 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trung ương và thành phố mới chỉ giải ngân được 466 tỷ đồng, số còn thiếu lớn gần gấp đôi với 775 tỷ đồng. Khó khăn tiếp theo là do giải ngân chậm, phần còn lại dự toán nguồn bằng kinh phí lớn hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu (1.864 tỷ/1.241 tỷ) do ảnh hưởng của giá vật tư và chi phí sản xuất tăng cao.

Trên thực tế, vốn đầu tư đã thiếu lại còn bị cắt giảm dần sau mỗi năm triển khai thực hiện (theo chỉ đạo về cắt giảm đầu tư công). Đến năm 2013, Ban quản lý dự án buộc phải rà soát lại các hạng mục, do eo hẹp nguồn vốn nên chỉ tập trung triển khai 2 dự án trọng điểm là dự án nâng cấp đê biển Bạch Đằng huyện Thủy Nguyên, giai đoạn 2 và triển khai lập dự án nâng cấp đê biển Cát Hải đoạn Gót - Gia Lộc huyện Cát Hải bởi đã bị cơn bão số 2/2013 phá nát không còn khả năng chống đỡ được bão lớn.

Đê biển Cát Hải bị bão số 2/2013 tàn phá nặng nề.

Ngoài các tuyến đê do Thủ tướng ra quyết định nâng cấp, tại các vùng ven biển Hải Phòng còn có nhiều tuyến, điểm đê xung yếu khác đã được UBND thành phố ra quyết định đầu tư dự án nâng cấp cải tạo như đê biển Cát Hải đoạn Gia Lộc đến Văn Chấn với tổng mức đầu tư 28,015 tỷ đồng từ năm 2010. Tuyến đê biển 3 huyện Tiên Lãng với tổng mức đầu tư 199,4 tỷ đồng từ năm 2007.

Song đến nay cả 2 dự án này thành phố chỉ có thể cấp 44 tỷ đồng, tức chỉ bằng 1/5 so với tổng dự toán. Mặt khác, còn có một dự án khả thi với giải pháp kỹ thuật mới (lát mái đê phía biển bằng cấu kiện Hohlquader), bảo đảm gia tăng hệ số an toàn thân đê biển Cát Hải đoạn Gót – Gia Lộc nhưng đến nay cũng chưa thể triển khai vì chưa nhận được vốn.

Không chỉ thiếu vốn, nhiều dự án nâng cấp đê biển còn gặp vướng bởi sự chồng lấn từ các dự án khác buộc phải chờ các Bộ, ngành, Chính phủ ra quyết định điều chỉnh quy hoạch. Đơn cử: Dự án đê biển Cát Hải vướng quy hoạch Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; dự án đê biển 3 vướng quy hoạch của dự án quai đê lấn biển Tiên Lãng, dự án đê biển Tràng Cát vướng quy hoạch khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải…

Khó khăn chồng chất khó khăn là nguyên nhân chính khiến Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp - PTNT không thể cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu nâng cấp các tuyến đê biển đạt chuẩn thiết kế an toàn đúng dự kiến Chính phủ và thành phố đã giao (2015).

Ngược lại, việc thi công dàn trải vì thiếu vốn thanh toán cho nhà thầu, vì vướng và chồng chéo quy hoạch có thể sẽ là nguyên nhân tiếp theo làm hư hại, xuống cấp hoặc kém chất lượng những đoạn đã và đang thi công dở dang

Lê Minh Triết
.
.
.