Khi luật chưa thực sự đi vào đời sống

Thứ Năm, 24/04/2008, 11:00
So với các nước đang phát triển, mấy năm gần đây, nước ta được xem là quốc gia thuộc nhóm đứng đầu về việc tìm các giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông. Song có một nghịch lý là, hằng năm nước ta vẫn thuộc nhóm những nước có số người bị thương và chết vì tai nạn giao thông (TNGT) cao. Vì sao vậy?

Chấp hành luật theo kiểu chống chế

Trong cuộc họp của một thôn ở Quảng Bình bàn về việc giáo dục con em không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, hầu hết mọi người trong cuộc họp đều cho rằng: đi xe máy phóng nhanh vượt ẩu là phạm luật. Song hầu hết người tham gia cuộc họp không biết đến nhiều hành vi phạm luật khác như: Quay đầu xe, đỗ xe, điều khiển xe không đúng nơi, đúng đường quy định. Xe chở cồng kềnh hàng hóa, vượt đèn tín hiệu, xe không đảm bảo về mức độ an toàn khi tham gia giao thông... và tất cả mọi người đều không biết mức xử phạt các lỗi như thế nào.

Trong khi đó, tất cả các chủ phương tiện trong thôn đều có giấy phép lái xe. Vậy câu hỏi đặt ra: các trung tâm dạy và cấp giấy phép lái xe liệu đã làm tròn trách nhiệm của mình?

Tháng 9 hằng năm được chọn làm tháng cao điểm về ATGT, nên rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước đều ra quân rầm rộ vào ngày đầu tháng. Trong ngày diễu hành ra quân, nhiều tỉnh có đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể tham gia, với hàng loạt hoạt động như: phát tờ rơi, treo băng rôn, áp phích, đi cổ động... nhưng mấy năm qua, trong tháng 9 ở nhiều tỉnh, thành số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vẫn tăng hơn các tháng trước. Do vậy, phải thẳng thắn thừa nhận công tác tuyên truyền chưa thực sự đạt hiệu quả cao như trông chờ của các ban, ngành liên quan. Nhiều người tham gia giao thông còn đang chấp hành Luật Giao thông theo kiểu chống chế với cơ quan chức năng.

Dọc theo QL1A, tôi bắt gặp nhiều người mang theo MBH nhưng vẫn không chịu đội, đến khi trông thấy CSGT làm việc mới chịu dừng xe để đội mũ.

Hiện vẫn còn nhiều người đội MBH để đối phó chứ chưa nhận thức được việc đội MBH là để bảo vệ mình. Điều này chứng tỏ nhiều người tham gia giao thông đang chấp hành luật theo kiểu chống chế, tránh bị xử phạt là chính, chứ chưa có ý thức chấp hành luật.

Thiết nghĩ để TNGT chỉ thực sự được khống chế khi và chỉ khi Luật Giao thông thực sự đi vào đời sống xã hội. Ở một số quốc gia, Luật Giao thông được đưa vào trường học khi các em bắt đầu mới vào trường. Thói quen sống và làm việc theo pháp luật sẽ tạo ra một xã hội văn minh.

Không chỉ là công việc của CSGT

Một số cơ quan, đơn vị hành chính quy định: Nếu thành viên trong đơn vị vi phạm Luật Giao thông sẽ trừ vào điểm thi đua hằng năm, xét tăng lương, khen thưởng cuối năm... nhưng đó chỉ là quy định còn việc thực thi lại không hiệu quả. Bởi việc theo dõi công nhân viên vi phạm được giao cho bảo vệ cơ quan thực hiện.

Nhiều nơi học sinh vẫn mặc nhiên đi xe gắn máy tới trường, nhưng lại gửi xe gần trường rồi đi bộ đến trường. Nguyên nhân là do các đơn vị, cơ quan ban hành quy định theo kiểu đánh trống bỏ dùi.

Việc kiềm chế TNGT đã được Chính phủ vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc, song nhiều cơ quan ban, ngành vẫn xem hạn chế, giảm TNGT là công việc của lực lượng CSGT.

Dân số nước ta đông, tỷ lệ phương tiện trên đầu dân cao, trong khi đó lực lượng CSGT còn mỏng nên không thể quán xuyến hết công việc theo dõi, xử lý từng người vi phạm. Trong lúc người vi phạm Luật Giao thông lại luôn tìm cách tránh né.

Bên cạnh đó không ít người khi vi phạm Luật Giao thông bị CSGT xử lý lại tìm cách gọi điện đến những người thân quen để can thiệp; có trường hợp bị xử lý đã cố tình xúc phạm để CSGT bực bội có hành động bột phát trái với quy định của ngành, rồi vu vạ CSGT đánh người.

Một ngày với hàng chục tiếng đồng hồ đứng xử phạt trên tuyến đường đầy bụi bặm và tiếng động cơ inh ỏi luôn quật vào người, nhiều chiến sĩ CSGT luôn bị căng thẳng là điều khó tránh khỏi. Chỉ trong vòng 10 năm qua đã có hơn 800 cán bộ, chiến sĩ CSGT bị chết và bị thương khi làm nhiệm vụ.

Đất nước thời bình, nhưng sự hy sinh của họ vẫn thường diễn ra khi làm nhiệm vụ. Nói ra điều này để chúng ta thấy, họ cũng rất cần những sự đồng cảm chia sẻ từ người tham gia giao thông.

Bởi suy cho cùng việc làm của CSGT trước hết là để bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân người tham gia giao thông. Khi nào người tham gia giao thông trên những chặng đường dài xem CSGT là những người bạn đồng hành trên đường thiên lý, lúc đó chắc chắn nước ta sẽ giảm TNGT

Dương Sông Lam
.
.
.