Khi “lang vườn” điều trị bỏng và những hiểm họa khôn lường

Thứ Ba, 09/07/2013, 14:36
Việc sử dụng thuốc đông y, bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng mà nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự lành vết bỏng, thế nhưng, điều đó hoàn toàn sai lầm. Lẽ vì, sau khi màng cứng này hình thành, nó khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mủ mưng...

Thời gian qua, Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 30 trường hợp bị biến chứng vết bỏng do trước đó đã tin và sử dụng thuốc đông y mập mờ chất lượng của các “lang vườn” -  người chữa trị bệnh tại nhà, theo kiểu “gia truyền”. Thực tế này thêm một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ đi kèm với hoạt động khám, chữa bệnh, trong đó có điều trị bỏng của một số “lang vườn” như hiện nay.

Nhiễm trùng, hôn mê vì tin theo “lang vườn”

Dù đã nghe kể về biến chứng bệnh do tự ý tìm đến các “lang băm”, “lang vườn” để điều trị vết bỏng, song sáng 5/7, khi cùng các bác sĩ Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đến thăm, khám cho bệnh nhân Nguyễn Đức T., 43 tuổi, nhà ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), chúng tôi không khỏi rùng mình trước những biến chứng để lại từ việc điều trị bỏng bằng thuốc đông y “lang vườn” trước đó.

Toàn bộ phần ngực, hai tay, hai chân của anh T. đều băng kín. Khuôn mặt bơ phờ, anh T thều thào cho biết, trước đó, ngày 10/6, khi đang nướng mực, do bất cẩn, ngọn lửa đã bắt vào chai cồn gây bỏng tay, chân của anh. Ngay sau đó, anh đã được đưa đến một bệnh viện để điều trị. Ở đây vài ngày, gia đình anh đã làm thủ tục xin về nhà tự điều trị.

“Trong lúc ở nhà điều trị, gia đình tôi có nghe một người bạn mách, ở xã bên có ông “lang vườn” chữa bỏng giỏi. Thế là gia đình liền đi mời ông lang này về khám cho tôi. Hằng ngày, ông điều trị cho tôi bằng cách đắp và bôi lên các vết bỏng loại thuốc gì đó có màu vàng…”, anh T. kể lại. Nghe đến đây, chị H. - vợ anh T. tiếp lời, sau 3 ngày được thầy lang điều trị, các vết bỏng của anh T. bỗng mưng mủ. Đến ngày thứ tư, anh T. mê man, nói lảm nhảm. Thấy vậy, gia đình liền đưa anh T. đến cấp cứu tại bệnh viện.

Theo các bác sĩ Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, anh Nguyễn Đức T. nhập viện tối 23/6 trong tình trạng bỏng độ II-III-IV, diện tích 70% cơ thể (tay, chân, ngực, lưng…). Đáng bàn, ở các vết bỏng xuất hiện hiện tượng mưng mủ, hoại tử, vết bỏng bốc mùi hôi thối... Anh T. rơi vào trạng thái mê man, nói lảm nhảm.

Trước diễn tiến bệnh phức tạp, các bác sĩ liền tiến hành các thao tác cấp cứu, điều trị. Và, đến nay, sau gần 2 tuần tích cực điều trị, bệnh nhân đã dần hồi phục sức khỏe, nhiều diện tích bỏng đã lên da non.

Nằm điều trị cách giường anh T. không xa cũng là một trường hợp bị biến chứng nặng do trước đó đã tìm đến “lang vườn” điều trị bỏng. Đó là cụ Trần Thị T., 89 tuổi, ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Theo bệnh án thể hiện, cụ T. nhập viện ngày 16/6 với thể trạng bị bỏng vùng mông, cẳng tay diện tích 10% cơ thể, độ II-III.

Nguyên nhân bỏng do cụ bất cẩn ngã vào đống tro còn nóng ở trong bếp. Song, với suy nghĩ “bỏng nhẹ, chữa ở nhà cũng được”, nên thay vì tìm đến cơ sở y tế, người thân của cụ đã điều trị vết bỏng bằng việc đắp, bôi thuốc đông y không rõ nguồn gốc do một “lang vườn” gần nhà cấp. Hậu quả, vài ngày sau, vết bỏng trên cơ thể cụ không những không khỏi mà còn bị sưng nề, dịch mủ chảy ra, thân nhiệt lên tới gần 40ºC.

Thấy vậy, gia đình nhanh chóng đưa cụ vào cấp cứu tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Đến nay, được sự tận tình cứu chữa của các y, bác sĩ, bệnh tình của cụ T. đã thuyên giảm.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thăm khám một trường hợp bị biến chứng do điều trị bỏng bằng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Thận trọng khi tìm nơi chữa bệnh

Thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh các “lang băm”, “lang vườn” hành nghề ở các làng quê, vùng hẻo lánh, một số “lang vườn” còn sử dụng trang mạng xã hội như là nơi để quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh của mình. Chỉ cần dạo qua một lượt trên mạng Internet, không khó để bắt gặp những trang web quảng cáo cho dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có cả điều trị bệnh bỏng của các “lang vườn”.

Ghé vào trang web có tên miền: www.vatgixxx, chúng tôi được hay, để hút đông người bệnh đến cơ sở của mình chữa bệnh, “lang vườn” có tên Đ. đã đăng tải lên đây cả tràng quảng cáo đại loại như: chuyên chữa bệnh bằng thuốc nam, chuyên chữa các bệnh từ bệnh gan, thận, dạ dày… cho đến các loại bỏng.

Đáng bàn hơn, đính kèm với nội dung này, “lương y” tên Đ. còn đưa ra dẫn chứng về một trường hợp ở Cầu Giấy (Hà Nội) đã được cơ sở của mình chữa khỏi bệnh viêm gan B mà chị mắc từ nhiều năm nay, các cơ sở y tế không chữa trị được… như để chứng minh cơ sở chữa bệnh của mình hoạt động rất uy tín, chất lượng đảm bảo vậy(?!).

Có cầu ắt có cung, đó là những gì đã và đang đi kèm với dịch vụ điều trị bệnh nói chung và bỏng nói riêng liên quan đến các “lang băm”, “lang vườn” như hiện nay. Sẽ không có gì đáng bàn nếu hoạt động chữa trị này không mập mờ về chất lượng, được kiểm chứng bằng khoa học, y khoa.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Bỏng khuyến cáo, khi bị bỏng, cần thực hiện một số bước sơ cứu đúng cách như: Tuyệt đối không dùng kem đánh răng, mẻ… đắp lên các vết bỏng; nhanh chóng cởi bỏ quần áo (làm nhẹ nhàng) – chỗ bị bỏng, để vùng bỏng thoáng mát; dùng nước mát, sạch giội nhẹ vào vết bỏng khoảng từ 10-20 phút; đối với các vùng bỏng không phải ở tay, chân, có thể dùng khăn thấm nước mát đắp vào vết bỏng (tránh làm trượt da vùng bỏng).

Sau đó đưa người bị bỏng đến cơ sở y tế nơi gần nhất để cấp cứu, chẩn trị kịp thời.

Trở lại việc điều trị bỏng bằng thuốc đông y do “lang vườn” kê đơn, theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, thời gian qua, khoa Bỏng đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 30 trường hợp bị biến chứng vết bỏng do trước đó đã tìm đến “lang vườn” mua và sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Trong số này có không ít trường hợp đã bị hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng, không được cấp cứu, chẩn trị kịp thời.

Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thống, thực tế hiện đang cho thấy, một bộ phận người dân còn mang suy nghĩ khá lệch lạc, khi cho rằng, “bỏng nặng thì mới đến cơ sở y tế, còn bỏng nhẹ thì nên tìm tới “lang vườn”, “lang băm” điều trị cho tiện”. Suy nghĩ này rất nguy hại, bởi khi điều trị, tuy có thể thấy được diện tích của vết bỏng bằng mắt thường, song các “lang vườn” dạng này, do không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, nên khó có thể nhận biết hết độ nông sâu, mức độ thương tổn của vết bỏng cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để mà điều trị.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc đông y, bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng mà nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự lành vết bỏng, thế nhưng, điều đó hoàn toàn sai lầm. Lẽ vì, sau khi màng cứng này hình thành, nó khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mủ mưng không thoát ra được bên ngoài… Nhiễm trùng vết thương, kéo dài thời gian điều trị bệnh là điều khó tránh khỏi.

Và rồi, khi không được điều trị kịp thời, không được kết hợp với hồi sức, chống choáng, giảm đau… theo đúng cách, bệnh nhân bị bỏng khó tránh khỏi những biến chứng khôn lường như: hoại tử, cắt chi, lọc bỏ phần tổn thương trên cơ thể, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp... thậm chí còn tử vong.

Do vậy, lời khuyên dành cho người bị bệnh nói chung và bệnh bỏng nói riêng là cần nhận thức rõ những hiểm họa khôn lường đi kèm với cách điều trị bệnh của các “lang vườn”, “lang băm” đang có phần hoạt động bát nháo như hiện nay

Trần Huy
.
.
.