Khi giới trẻ bị hiểm họa ma túy mới rình rập

Chủ Nhật, 08/11/2009, 15:05
Thời gian qua, có một thực tế không thể phủ nhận đó chính là việc nhiều dân chơi là giới trẻ đang bị "cơn lốc" ma túy lôi cuốn, khiến nhân cách, lối sống bị tha hóa. Đáng chú ý, trong số các loại ma túy mà giới trẻ đã và đang sử dụng trong các "bữa" thác loạn thời gian qua chiếm đa phần là các loại ma túy có dạng thức mới, mang những đặc tính gây nguy hại cho sức khỏe…
>> Tâm sự của dân chơi “nước biển”

Đứng trước thực tế trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, ngăn chặn sự bành trướng của "đại dịch" ma túy mới này...

Ma túy mới "tấn công" giới trẻ

Còn nhớ, trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi "đại dịch" heroin, thuốc phiện lan rộng, nhiều gia đình có con em bị "đại dịch" này lôi cuốn đã phải "tán gia bại sản", oằn mình gánh chịu những hậu quả do nó đem lại.

Đau đớn hơn đó là việc những hành vi vi phạm pháp luật theo đó cũng xuất hiện như: nạn cờ bạc, trộm cắp, cướp giật tài sản… thậm chí còn cả giết người. Tuy nhiên, dưới sự kiểm tra, xử lý sát sao của cơ quan chức năng, những năm qua, "đại dịch" heroin, thuốc phiện đã ngớt rình rập giới trẻ.

Trước thực tế này, những tưởng xã hội sẽ bớt đi mối lo về hiểm họa ma túy đe dọa giới trẻ, song có lẽ như một quy luật, các đối tượng "đầu nậu" lại nhập nhiều loại ma túy mới như: thuốc lắc, tài mà, ma túy "đá" và gần đây là ma túy "nước biển"… về để đầu độc một bộ phận dân chơi là giới trẻ. Chính điều này đã gián tiếp tạo nên đặc điểm cố hữu gắn kết với các buổi thác loạn của dân chơi hiện nay.

Đó chính là việc, các dân chơi thường "sắm" thêm chất kích thích - ma túy dạng thức mới (như đã đề cập ở trên) cho mỗi cuộc thác loạn của mình. Mục đích không gì khác ngoài việc muốn nâng "độ" hưng phấn, ảo giác của các thành viên lên cực độ. Khoản tiền mà dân chơi phải chi trả cho mỗi "bữa" thác loạn có sự xuất hiện của các loại ma túy mới này lên đến hàng triệu đồng, gấp nhiều lần so với thời điểm trước đây, khi dân chơi sử dụng ma túy - heroin, thuốc phiện.

"Đi nhậu nhẹt + hát karoke + đi bar (vũ trường)"- đây chính là một trong những công thức được nhiều nhóm ăn chơi thác loạn là giới trẻ hiện nay vận dụng.

Theo K. Anh (người mà tôi đã từng đề cập trong một số bài viết có đề tài liên quan đến tệ nạn xã hội trước đây), có sự vận dụng công thức trên cũng bởi, hầu hết các nhóm dân chơi sau khi tụ tập ăn nhậu đều muốn tìm tới những nơi có cảm giác mạnh như: quán karaoke, bar để "xả"...

Tại những nơi này, "cơ trưởng"- người đảm trách việc chi trả tiền của nhóm thường "bốc" máy gọi ma túy (thuốc lắc, tài mà, ma túy "đá"… và gần đây là ma túy "nước biển") về cho cả nhóm cùng chơi, cùng lắc lư điên cuồng.

"Mỗi bữa thác loạn theo quy trình như công thức đã nêu ở trên, các nhóm chơi (khoảng từ 5 - 8 thành viên) thường phải chi một khoản tiền từ 4 - 8 triệu đồng. Cá biệt, nếu chơi "sang" thì khoản tiền trên còn lên đến hàng chục triệu"- K.Anh cho biết thêm.

Thực tế hiện cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến nhiều dân chơi là giới trẻ hiện nay đang bị lôi cuốn bởi các loại ma túy mới đó chính là lối suy nghĩ đáng báo động: "Đã là dân chơi thì phải biết và sử dụng các loại ma túy mới trên thị trường. Cuộc vui sẽ mất đi khi thiếu sự kích thích, gây ảo giác(!)".

Hé lộ về những… "cái chết"!

Sau mỗi lần xuất hiện và kéo theo những hệ lụy khôn lường dành cho giới trẻ, xã hội, các loại ma túy mới này được nhiều người biết đến đồng thời gán cho nó những cái tên đường phố mà bất giác nghe qua, ai cũng phải sởn người lo sợ về hậu quả mà nó gây ra như: "cái chết” lạnh - ma túy "đá", "cái chết" mặn - ma túy "nước biển"...

Những cái tên này đều hàm ý nội dung cảnh báo về hậu quả khôn lường sẽ xảy ra đối với người sử dụng. Thực tế đã chỉ ra, trong vài năm trở lại đây, phía sau "thế giới ngầm" đã xuất hiện nhiều "cái chết" đã và đang đe dọa giới trẻ - đối tượng sử dụng. Hiểm họa đầu tiên phải kể đến đó chính là ma túy "đá" - cái chết lạnh.

Đây là một loại ma túy tổng hợp tồn tại dưới dạng tinh thể xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội và TP HCM vào những năm 2006 - 2007. Sự có mặt của "cái chết” lạnh này đã làm thay đổi hoàn toàn sự chế ngự của "thuốc lắc" - loại ma túy tổng hợp vốn được giới ăn chơi ưa chuộng một thời.

Để giới thiệu cũng như "phím" nhau cùng đi sử dụng, dân chơi thường dùng ngôn từ "đập đá", "phá núi", "phá đá"… để biểu đạt. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm đã hạn chế được sự để ý của cơ quan chức năng.

Khác với cách gọi "gói", "chỉ" (dùng cho heroin), "áo" (dùng cho ketamin)… dân "đập đá" thường mã hóa một gam ma túy "đá" bằng đơn vị "chấm". Trong mỗi "chấm đá" được phân ra thành nhiều "cánh" nhỏ có kích thước, hình dạng tựa như cánh mỳ chính.

Đặc biệt, để không mất thời gian khi giao dịch, các "đầu nậu" cung cấp ma túy mới dạng này luôn cất "chấm đá" vào bên trong những túi nilon nhỏ trong suốt. Giá thành của mỗi "chấm đá" (7 đến 8 thành viên sử dụng) trên thị trường "đen" dao động từ 1.600.000đ đến 1.800.000đ.

Dụng cụ chính để "đập đá" là chiếc bình thủy tinh - loại dụng cụ vốn được sử dụng trong các thử nghiệm hóa học hoặc bình nhựa do chính dân "đập đá" chế tác ra. Không gian mà dân "đập đá" chọn làm nơi thác loạn thường là các nhà nghỉ, phòng kín ít tiếng động…

Còn đối với ma túy tài mà (hay còn gọi là cần sa), giá của mỗi gói tài mà - tức "pin" với số điếu được quấn từ 4-6 dao động trong khoảng 50.000 - 70.000đ.

Mặt khác, sự khác biệt và cũng là điểm dễ dàng nhận ra nhất đối với dân "tài mà" đó chính là việc, sau khi "sạc pin"- ngôn ngữ mà các dân chơi ám chỉ việc hút loại ma túy này, các thành viên trong nhóm thông thường chỉ ngồi túm tụm một chỗ, nơi góc phố, quán nước để tào lao chuyện "trên trời dưới biển" khi đã phê phang.

Chưa hết, để tăng thêm độ "ảo", sau khi "sạc pin" xong, nếu vào thời điểm đêm tối, dân "tài mài" sẽ rủ nhau tới khu vực nghĩa trang hoang vắng. Mục đích không ngoài việc muốn tìm thêm cảm giác ảo, rùng rợn ở những nơi này.

Mới đây, trong một số "bữa" thác loạn của dân chơi là giới trẻ đã bắt đầu có sự xuất hiện của loại ma túy "nước biển" - GHB, hay còn gọi là "cái chết" mặn. Đây là một loại hợp chất vốn dĩ có công năng dùng để lau sạch các vi mạch điện tử, giúp tăng trưởng cơ bắp, dẫn truyền thần kinh gây ngủ… Song, do sự biến tướng, nên nó được giới dân chơi (ở nước ngoài) ưa chuộng, sử dụng trong các cuộc ăn chơi trác táng. "GHB", "Vitamin G"… - là những cách gọi khác nhau của dân chơi dùng cho ma túy "nước biển".

"Nước biển" mà một bộ phận dân chơi sử dụng thời gian qua thường được đựng trong các chai nhựa có dung tích dao động từ 50 - 100ml. Mỗi dân chơi sử dụng khoảng 10ml dung dịch ma túy "nước biển" là đủ độ phê. Nếu quá ngưỡng trên, thuốc sẽ gây tác dụng không mong muốn như: không làm chủ hành vi, ngất xỉu v.v…

Không giống như ma túy "đá", vũ trường, quán bar, karaoke luôn là những địa điểm mà dân sử dụng "nước biển" thích lui tới thác loạn, bay nhảy.

Lời cảnh báo không của riêng ai

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa H (chuyên điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, ma túy "đá" -  "cái chết" lạnh chỉ là tên gọi đường phố. Còn bản chất, nó chính là một dạng ma túy tổng hợp mới, tồn tại dưới dạng tinh thể kết tinh từ dẫn chất Amphetamine, Niketamid, Methamphetamine…

Mặc dù dân "đập đá" giảm độ tác hại từ khí "đá" gây ra bằng cách hút gián tiếp thông qua bình lọc đựng nước, tuy nhiên nó vẫn có độ tàn phá hệ thống dây thần kinh, huỷ hoại não bộ gấp nhiều lần so với thuốc lắc thông thường.

Người sử dụng "đá" thường xuyên sẽ nhanh chóng bị các triệu chứng như: mất ngủ, rối loạn hệ thống thần kinh, loạn thị, suy nhược cơ thể v.v… Nếu người hút "đá" trong thời gian dài sẽ rất dễ có nguy cơ đột qụy do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim gây ra.

Còn đối với ma túy "nước biển" -  "cái chết" mặn, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn, đây là một loại ma túy dạng lỏng có tên gọi khoa học đầy đủ Gamma hydroxy axit butyrat (hoặc Gamma hydroxy axit butyric), còn viết tắt là "GHB". Nó xuất hiện trên thị trường "đen" ở nước ngoài từ nhiều năm nay.

Sau khoảng thời gian từ 10 - 15 phút kể từ lúc uống vào cơ thể, người sử dụng sẽ bắt gặp ngay cảm giác hưng phấn, ảo giác nhất là khi có mặt tại nơi ồn ã, âm thanh mạnh như: quán bar, vũ trường, karaoke…

Sự kích thích, độ ảo giác này càng gia tăng khi dân chơi sử dụng nhiều "nước biển" cùng một lúc. Hệ quả nhãn tiền đối với người sử dụng chính là việc hệ thần kinh bị rối loạn, nhịp đập của tim giảm, buồn nôn, chóng mặt… Số lần sử dụng nếu tăng theo thời gian thì sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Những hệ lụy như: co giật, sốc, rối loạn hệ thần kinh theo đó cũng sẽ xảy ra đối với người sử dụng "nước biển".

Cũng theo Thạc sĩ Tuấn, mấy năm trở lại đây, Khoa H cũng đã điều trị cho không ít trường hợp bị rối loạn hệ thần kinh do việc lạm dụng, sử dụng ma túy trước đó gây ra. 

Về phía Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội, Trung tá Trần Hữu Viễn - Đội trưởng Đội đấu tranh chống tội phạm tiền chất và ma túy tổng hợp cho biết: Các loại ma túy mới với những tên gọi đường phố hiện nay như: ma túy "đá", thuốc lắc, tài mà… là các chất bị pháp luật cấm.

Khi sử dụng nó, trong ta sẽ xuất hiện những ảo giác mạnh, tăng huyết áp, kích thích hành động, ví như: lên xe máy là muốn phóng nhanh… Tuy nhiên, khi hết thuốc, hệ hô hấp, nhịp tim sẽ bị suy yếu. Đặc biệt, nếu sử dụng nhiều lần, ta sẽ bị lệ thuộc vào nó, cảm thấy bứt dứt, khó chịu khi không được hút (đá), cắn (thuốc lắc).

Cũng theo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, trong đợt cao điểm phòng, chống tội phạm ma túy từ tháng 6 đến tháng 9/2009, đơn vị đã điều tra khám phá 784 vụ, bắt 1.003 đối tượng. Trong đó xử lý hình sự 705 vụ, 835 đối tượng phạm tội ma túy. Tang vật thu giữ gồm 1.243,729g và 43 bánh heroin; 2.055 viên ma túy tổng hợp; 69,76g ketamin; 5,337g methaphetamin; 16,85g cần sa… cùng nhiều tang vật khác.

Để tránh những nguy hại xảy ra, bên cạnh việc giới trẻ cần nhận thức rõ những nguy hại do các loại ma túy mới gây ra, các đơn vị chức năng phải thắt chặt hơn nữa công tác điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm

Trần Huy
.
.
.