Khi "cụ" rùa Hồ Gươm bị săn đuổi

Chủ Nhật, 12/09/2010, 17:22
Gần đây, người dân tỏ ra hết sức lo ngại khi trên một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải các bức ảnh chụp "cụ" rùa Hồ Gươm bị lưỡi câu chùm mắc vào thân và một video clip cận cảnh đối tượng dùng dây cước dài câu trộm trên Hồ Gươm.

Việc thân thể "cụ" rùa bị quá nhiều thương tích do con người tấn công thô bạo khiến người dân sợ rằng tính mạng của "cụ" có thể bị xâm hại, nếu không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt và đặc biệt hơn. Chúng tôi đã gặp Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sinh vật học (PGS) Hà Đình Đức, người có gần 20 năm nghiên cứu, bảo vệ rùa Hồ Gươm để tìm hiểu về vấn đề này.

Người dân rất bất bình với hình ảnh "cụ" rùa Hồ Gươm đầy thương tích.

Phó giáo sư Hà Đình Đức cho biết, qua những bức ảnh chụp "cụ" rùa Hồ Gươm, có thể khẳng định trên thân thể "cụ" rùa có khá nhiều thương tích, nhiều vết thương đã liền sẹo. Như vết lõm trên mai và phần đuôi rùa, rõ ràng là vết tích của các cú đánh mạnh khiến mai rùa bị lõm xuống. Các miếng rách trên mai rùa có thể do các lưỡi câu chùm kéo rách.

Tuy nhiên, khi PGS Hà Đình Đức lật giở các tài liệu cũ, những vết thương ấy đã được cảnh báo và thiết thực có biện pháp bảo vệ "cụ".

PGS Hà Đình Đức cho biết: "Ngày 1/1/1997, tôi gửi thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản ánh về rùa bị thương và đề nghị cho kiểm tra lại những cọc đóng chung quanh chân Đảo Ngọc, cho nhổ bỏ hết những cọc lởm chởm trên hồ và triệt để cấm những kẻ câu cá trộm xung quanh hồ để rùa có thể bơi lội an toàn. Tiếp đó, tôi lại viết thư, trình bày với Thủ tướng về hai việc, một là tình trạng của "cụ" rùa (14h30' ngày 23/4/1997, "cụ" rùa bị vướng cành cây, nhân viên bảo vệ Đền Ngọc Sơn phải bơi thuyền ra gỡ thoát); đồng thời đề nghị có sự hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và bảo vệ "cụ" rùa. Tiếp đó, ngày 1/4/1998, tôi gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trình báo về rùa bị thương. Đó là ngày 24/3/1998, phóng viên Trần Mạnh Lân (Đài Truyền hình Việt Nam) đã ghi hình rùa bơi, đặc biệt ghi được hình ảnh rùa bị thương: Trên dọc cổ bên phải "cụ" rùa to bị sưng tấy màu đỏ hồng trông như có vết cứa chéo có thể do các chướng ngại trong hồ, hoặc bọn câu trộm bằng lưỡi câu chùm gây nên”.

“Ngày 10/4/1998, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội, Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường và tôi. Trong công văn nêu rõ: "Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường xem xét xử lý vấn đề này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ".

Rất mừng là đến bức ảnh chụp ngày 25/11/2002 của Trần Hải Nam, chụp chiếc đầu "cụ" nổi theo đúng hướng đó, thì vết thương đã lành, trở thành vết sẹo lớn màu trắng mờ bên cổ "cụ"". Về chiếc lưỡi câu chùm còn dính vướng trên người "cụ" rùa, PGS Hà Đình Đức cho biết: "Không dễ để tháo lưỡi câu ấy ra, vì việc tiếp cận với "cụ" là rất khó. Năm 1992, đã có tổ công tác với 6 thợ lặn xuống Hồ Gươm tìm "cụ" mà không thấy, vì lòng hồ rộng, nước đục và nhiều bùn. Chỉ có thể đợi "cụ" lên sưởi nắng, tìm cách tiếp cận mà nhẹ nhàng tháo ra, không để trong lúc bơi lội, nó mắc vào cành, gốc cây nào đó sẽ xé toạc thêm da thịt. Điều quan trọng nhất cần làm bây giờ là bằng mọi cách tránh cho "cụ" những vết thương tương tự như vậy trong thời gian tới".

Theo PGS Hà Đình Đức, đã đến lúc chúng ta cần có chế độ đặc biệt để bảo vệ "cụ" rùa Hồ Gươm, di tích sống, biểu tượng đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, chứ không chỉ là những đơn vị quản lý bảo vệ cảnh quan, môi trường xung quanh Hồ Gươm nữa.

Hiện nay, "cụ" rùa Hồ Gươm chưa có tên trong Danh sách các loài được bảo vệ trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP (phụ lục kèm Thông tư số 2/2006/TT-BTS của Bộ Thủy sản) và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ). Bản thân "cụ" rùa cần được công nhận là một di tích sống, chứ không chỉ chung chung là "động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng", "cần được bảo vệ khẩn cấp"…

Theo đó thì cần có các chế tài cụ thể, biện pháp xử lý kiên quyết đối với những ai cả gan xâm hại đến "cụ". Giả sử qua hình ảnh trong video clip đối tượng quăng lưỡi câu chùm về phía “cụ” rùa đang nổi, kéo đến đứt sợi dây cước vừa qua, chúng ta có thể xác định được tên tuổi, động cơ của thanh niên đó, nhưng việc xử lý thế nào cũng rất khó vì thiếu chế tài.

Không ai muốn "cụ" rùa linh thiêng sẽ phải vào tủ kính như thế này.

Hiện tại Hồ Gươm có Ban Quản lý và đội An ninh trật tự với chức năng như tên gọi là giữ gìn an ninh trật tự, nhưng hiện tượng câu trộm trên hồ có bắt được cũng không có chế tài để xử lý. Những vết thương trên thân thể "cụ" rùa, dẫu đã liền sẹo hay mới phát hiện, đều chứng tỏ "cụ" chịu không ít sự săn đuổi của những kẻ xấu.

Những sự chung tay tích cực của chính quyền và người dân hoàn toàn có thể ngăn chặn kẻ xấu rắp tâm săn đuổi "cụ" rùa. Nhưng những người dân thành thực yêu kính "cụ" cũng hoàn toàn có thể vô tình gây nguy hại đến tính mạng "cụ". Việc người dân đưa rùa tai đỏ và các sinh vật lạ xuống Hồ Gươm (có thể chỉ từ ý tốt muốn Hồ Gươm có thêm nhiều sinh vật cho "cụ" rùa đỡ cô đơn), gần đây cũng đã được người dân ý thức hơn, nhưng hậu quả gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng môi trường sống Hồ Gươm vẫn còn đó.

"Tôi khẳng định rằng, "cụ" rùa hoàn toàn có thể bị chết bất đắc kỳ tử vì những hành động vô ý, dù của người lớn hay trẻ nhỏ. Tại trung tâm nghiên cứu rùa biển ở Malaysia, người ta cấm tuyệt đối việc thả túi nilon vào hồ. Đơn giản thôi, vì con cá nhỏ, tôm tép có thể bò vào túi ni lông dập dềnh nổi đó, rùa ăn gọn vào thì sẽ bị tắc ruột mà chết. Mà xem ra, việc thanh thiếu niên quẳng vỏ bao thuốc lá, trẻ nhỏ ném túi đựng kem, kẹo xuống hồ không phải là hiếm…"- PGS Hà Đình Đức cho biết

Lê Quân
.
.
.