Khánh Hòa: Nóng bỏng cuộc chiến giành mặt nước đầm Nha Phu

Thứ Sáu, 16/10/2009, 22:58
Nhiều năm qua, thôn Cát Lợi (xã Vĩnh Lương, Nha Trang) luôn sục sôi nạn tranh giành, sang nhượng trái phép diện tích mặt nước biển để nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là đăng bẫy săn tôm hùm giống. Biển xanh hiền hòa bị người người, nhà nhà cắm sào kéo ranh, lấn chiếm, sang nhượng khốc liệt. Ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh khởi nguồn từ đây.

Cuộc chiến không có hồi kết

Để khẳng định "chủ quyền" lãnh hải, nhiều người túa ra biển găm hàng trăm ngàn cây sào không khác gì cảnh căng dây chiếm đất thường thấy ở đất liền. Ông Tám Đê, nhà ở đầu thôn bức xúc nói: "Bởi nạn tranh giành mà vùng rạn trào đầu mũi đầm Nha Phu chi chít cọc nhọn. Vùng này đâu đâu cũng đặc ken các bãi cọc. Có điều cọc ở đây bẫy kẻ lại người qua, thiệt là khốn khổ".

Tình hình mỗi lúc một phức tạp khi nhiều chủ lồng nuôi tôm hùm ở biển Cam Ranh để lánh nạn tôm chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm liên tục kéo bè về đây. Diện tích mặt biển có hạn trong khi nhu cầu sử dụng gia tăng chóng mặt đã khiến giá cả các vụ sang nhượng tăng vọt.

Từ đó nảy sinh nạn tranh giành, mua bán diện tích mặt nước biển vô cùng phức tạp. Không ít diện tích mặt biển trước đây do hạn chế độ sâu, dòng chảy xiết, gần khu dân cư chẳng ai dòm ngó nay xuất hiện hàng trăm cọc sào cắm thẳng vào lòng đại dương. Kẻ lấn trước, người chiếm sau, không ai nhường ai nên xảy ra những xung đột nảy lửa.

Diện tích mặt nước có giá nên mạnh ai nấy chiếm vô tội vạ.

Ông Sáu Đê, ở tổ 4, thôn Cát Lợi trần tình: "Nhiều năm qua, hễ ai có nhu cầu sử dụng mặt nước chỉ việc đẵn sào xuống cắm rồi thông báo cho bà con chòm xóm biết để tránh việc thả neo, giả lưới cào mà thôi. Đâu có ai sống đời với biển nên làm gì có chuyện Nhà nước cấp sổ đỏ như trên đất liền. Bởi hổng có giấy tờ phân định ranh giới nên người ta mới cãi cự nhau hà rầm".

Chỉ tay về phía trùng trùng lớp lớp giàn đăng bẫy tôm, ông Quân, tặc lưỡi: "Mấy chỗ cắm sào đặc ken vậy đều có chủ sở hữu. Ngay cả những diện tích xanh xanh ở xa kia người ta cũng xí phần cả rồi".

Ông Quân nhiệt tình chèo thuyền thúng chở chúng tôi đi một vòng tham quan. Cách bờ biển khoảng 500m, thế giới ngàn khơi ngoài này nhộn nhịp chẳng khác gì đất liền. Mỗi giàn bẫy tôm hùm giống hay những giàn lưới đăng quây tròn nuôi ốc hương, ghẹ, tu hài, vẹm xanh… đều có sự hiện diện của những ngôi chòi canh cao lêu nghêu trên mặt biển.

Tràn ngập mối nguy

Trên đường đi, chiếc thuyền thúng của ông Quân không ít lần va vào những chiếc cọc nhọn bám đầy vỏ hàu sắc lẹm nằm lập lờ dưới mặt nước. Sóng dập liên tục khiến không ít lần chiếc thuyền thúng bé tẻo teo tưởng chừng đổ úp. Viễn cảnh thuyền lật rồi bị cọc xiên người khiến ai nấy rùng mình.

Khổ sở tay chèo tay dùng ca tát nước do "thúng bị cọc đâm thủng", một ngư dân tên Minh kêu trời: "Có bận sóng hút nước khiến chiếc thúng chai của tui nằm gọn trên giàn cọc 5 cây... Chiếc thúng bị sóng đánh tuốt luốt vào bờ, mỗi người văng đi mỗi hướng, may mà không ai bị gì".

Cũng vì sợ cọc nhọn mà ngư dân không dám nhảy ùm xuống biển tắm, lặn như ngày nào. Nhiều gia đình vì ám ảnh bị cảnh con em "dính" cọc hay bị hàu cắt cũng cấm tiệt đám trẻ không được tùy tiện chèo thuyền ra thăm bẫy.

Tàu thuyền muốn cặp bờ cũng phải chật vật, cẩn thận len lỏi qua ma trận bẫy bọng nếu không muốn bị cọc đâm. Cư dân địa phương còn phản ánh, hàng trăm ngàn cọc nhọn của giàn bẫy tôm đã ít nhiều làm thay đổi dòng chảy, gây xáo trộn cuộc sống của các loài sinh vật biển. Mặt khác, do hệ thống bẫy tôm được làm từ đá vôi mà muốn có đá vôi, người ta phải bứng các rạn san hô vốn được mệnh danh là mái nhà của các loài sinh vật biển.

Chiều về, nước đầm Nha Phu vẫn hiền hòa lặng chảy, vẫn lặng lẽ cưu mang người dân miệt biển như đã từng đối với bao thế hệ cha ông họ. Biển êm nhưng trong sâu thẳm đã và đang hình thành "siêu bão". Cơn bão tuy không sóng to, gió lớn nhưng sự khốc liệt và những thiệt hại chẳng kém gì những cơn bão thứ thiệt

Thành Dũng
.
.
.