Khánh Hòa: Khôi phục rừng ngập mặn phải gắn kết giải pháp bảo vệ
Nếu như những năm 1980 -1985, Khánh Hòa có gần 2.000 ha đất bãi bồi ven biển và rừng ngập mặn, góp phần đa dạng hoá hệ sinh thái biển, thì khi con tôm sú lên ngôi, nhu cầu mở rộng diện tích nuôi tôm đã khiến cho nhiều cánh rừng ngập mặn bị người dân tàn phá nghiêm trọng.
Con số thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa cho thấy, đến năm 2000 toàn tỉnh chỉ còn tồn tại…11,5 ha rừng ngập mặn, trong đó địa bàn ven biển huyện Vạn Ninh hiện còn 11 ha, thị xã Cam Ranh 0,5 ha. Những hồ tôm xẻ dọc, đào ngang không chỉ làm cho rừng ngập mặn biến mất, mà địa hình biến dạng, dòng chảy sông ngòi, đầm vịnh thay đổi, khó có khả năng tái tạo.
Những năm gần đây nghề nuôi tôm sú lâm cảnh lao đao, hàng ngàn ha đất đìa trở nên hoang hóa. Khi những cánh rừng ngập mặn không còn, đương nhiên hậu quả nối tiếp là nguồn tôm cá tự nhiên mất nơi cư trú, thức ăn thiếu hụt. Vấn đề bảo vệ, khôi phục rừng ngập mặn đang được các cơ quan chức trách và các địa phương của Khánh Hòa nhận thức trách nhiệm.
Trong dự án quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp Khánh Hòa đến năm 2010 đã chú trọng đề cập đến vấn đề quy hoạch, tái tạo rừng ngập mặn. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu là tập trung cải tạo những địa bàn nuôi trồng thủy sản không hiệu quả gắn kết với trồng rừng ngập mặn và nuôi trồng tự nhiên, trong đó có một số dự án trồng rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái cũng sẽ được triển khai.
Bước đầu dự án quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp đã có tín hiệu đáng mừng, đó là thông qua Trung tâm nghiên cứu tài nguyên - môi trường thuộc Trường Đại học quốc gia Hà Nội với sự tài trợ của Tổ chức hành động và phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản đã đặt vấn đề hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa phục hồi những cánh rừng ngập mặn đã bị tàn phá. Bước đầu, huyện Ninh Hòa và thị xã Cam Ranh đã đăng ký trồng và tái tạo 200 ha rừng ngập mặn.
Khôi phục rừng ngập mặn ở Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng dù khó khăn đến đâu cũng phải sớm triển khai, bởi đó là giải pháp bảo vệ môi trường sống bền vững, góp phần ngăn chặn tình trạng hoang mạc hóa đã diễn ra ở các tỉnh ven biển miền Trung. Vấn đề đặt ra là cùng với việc khôi phục rừng ngập mặn, các biện pháp bảo vệ cần phải được triển khai gắn kết bằng nhiều biện pháp hữu hiệu, tránh tình trạng phá rừng tái diễn