Khẩn trương di dời các nhà máy xi măng lò đứng tại Hải Dương

Thứ Ba, 09/08/2005, 08:25

Ngày 25/7, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu các cơ sở sản xuất xi măng lò đứng thực hiện đúng cam kết, sản xuất phải đi đôi với việc xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường để từng bước xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Vài năm trở lại đây, nhân dân trong vùng từ phà Hiệp Thương vào thôn Trại Xanh, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn ngày đêm phải sống "chung" với khói, bụi xi măng. Có gia đình phải gửi những cháu nhỏ đi nơi khác vì không khí quá ngột ngạt.

Từ ngày 16/5 -26/5, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra hoạt động của 9 cơ sở sản xuất xi măng lò đứng trên địa bàn 2 huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ và kết luận: "Hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất xi măng sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị lắp đặt không đồng bộ, không có hệ thống thiết bị lọc bụi đảm bảo môi trường. Một số có hệ thống thiết bị xử lý ô nhiễm nhưng không xử lý triệt để làm cho nồng độ bụi đối với môi trường xung quanh thường xuyên vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5-2 lần. Trong khu vực sản xuất, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 lần…".

Có tới 5/9 nhà máy cải tạo nâng công suất lò và xây thêm lò mới là Công ty Xi măng Duyên Linh, Phú Tân, Công ty SXVLXD Thành Công II, Công ty Xi măng Cường Thịnh, Hải Âu… công suất và số lò đốt hiện tại thường tăng từ 2-3 lần so với công suất và số lò đốt được duyệt. Khói bụi và khí thải làm ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ở hai nhà máy xi măng Trung Hải, Cường Thịnh.

Theo Thông báo số 111/TB-UBND ngày 25/7/2005 của UBND tỉnh Hải Dương: Các nhà máy chỉ được phép đốt 1 lò theo đúng công suất đã được UBND tỉnh duyệt và phải thực hiện vệ sinh công nghiệp theo đúng quy chuẩn quy định. Cơ sở, nhà máy nào không đầu tư hệ thống xử lý bụi và khí thải, khi các cơ quan chuyên môn kiểm tra và xác nhận đều bị đình chỉ sản xuất.

Công ty Xi măng Hải Dương, Duyên Linh, Phú Tân, Thành Công II, Cường Thịnh, Phú Yên, Thành Đạt phải có trách nhiệm góp kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông khu vực nhà máy hoạt động để giảm bụi do vận chuyển gây ra.

UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các ngành chức năng, các huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên tổ chức kiểm tra về môi trường tại các cơ sở, nhà máy xi măng. Kiên quyết xử lý những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường và cam kết thực hiện…

Kiến nghị của các ngành chức năng và đoàn kiểm tra liên ngành sau năm 2010 sẽ xóa bỏ hoàn toàn sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng xem ra còn gặp nhiều khó khăn…

Mạnh Hừng
.
.
.