Khan hiếm dịch vụ "ôsin" ở bệnh viện

Thứ Tư, 10/03/2010, 11:17
Chưa khi nào dịch vụ trông người ốm ở bệnh viện lại đắt giá như hiện nay. Nhiều chị em phụ nữ thôn quê đã bắt nhịp được nhu cầu cần người của gia đình bệnh nhân, đã thành lập các nhóm chuyên phục vụ người ốm từ bệnh viện tới nhà. Giá thuê trông nom người ốm được tính theo ngày và khá đắt đỏ, từ 130 - 150 nghìn đồng/ngày nhưng nguồn cung vẫn khan hiếm.

Dịch vụ khó tìm người

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Phương Hoa, nhà ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội chạy đôn chạy đáo tìm người trông bố chồng đang nằm điều trị ở Bệnh viện Quân đội 354 mà vẫn chưa được.

Tai bay vạ gió đến với gia đình chị Hoa thật khó tưởng tượng. Bố chồng chị trèo lên mái nhà kéo cành cây để cho chiếc ôtô chạy qua thì bị ngã chấn thương sọ não. Sau 3 tháng điều trị, ông đã qua cơn nguy kịch, nhưng bị liệt nhiều phần, không ăn uống được gì ngoài uống sữa bằng ống xông. Để trông nom ông, từ nâng lên đặt xuống, cho ăn, thay bỉm đều phải có kỹ năng, chỉ cần một va chạm nhẹ không vừa ý là ông la hét.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình chị Hoa đã thuê được một phụ nữ với giá 130 nghìn đồng/ngày + cơm ăn 2 bữa để trông nom ông. Thế nhưng, được đúng 10 ngày, người giúp việc này gọi điện cho chị Hoa nói rằng "không làm nữa" vì ông cụ rất khó tính, đỡ kiểu gì ông cũng không ưng ý, công việc quá vất vả nên không kham nổi.

Tất tả tìm người khác, chị Hoa thấy chóng mặt khi người thì đòi tiền công cao, người thì chỉ trông theo giờ hành chính… Cuối cùng chị cũng thuê được một phụ nữ trung niên, quê ở Thái Bình với giá 150 nghìn đồng/ngày + ăn 2 bữa. Nhưng người này cũng chỉ trông được 1 tháng vì lý do "ông cụ nặng, việc lại quá vất".

Những gia đình bệnh nhân lâm vào cảnh như gia đình chị Hoa không phải là ít. Một người bệnh nằm viện điều trị, ngoài tiền thuốc thang, gia đình còn phải chi trả từ 4 đến 4,5 triệu đồng/tháng tiền công thuê người chăm sóc. So với hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình thì đây là một dịch vụ khá đắt đỏ. Song, những gia đình neo người, con cái còn phải đi làm kiếm sống thì không thể không thuê người trông giúp.

Có những thời điểm, cung không đủ cầu. Ấy là khi vào mùa vụ, nhiều lao động về quê gặt hái, cấy lúa. Nhất là dịp Tết vừa qua, dịch vụ trông người ốm càng khan hiếm do người làm về quê nghỉ Tết lên muộn.

Cảnh tìm người trông người ốm, trước cổng Bệnh viện Hữu Nghị.

Chị Bùi Thị Vân ở Yên Mô, Ninh Bình, thường trông người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Giá trông người ốm năm 2010 cao hơn năm ngoái. Nếu bệnh nặng là 150 nghìn đồng/ngày, bệnh nhẹ là 130 nghìn đồng/ngày và chủ phải nuôi ăn. Lý do tìm người trông bệnh nhân đang khan hiếm là nhiều lao động còn ở quê cấy vụ lúa xuân chưa lên Hà Nội".

Nhiều người sống được bằng nghề

Ngay ngoài cổng Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, chúng tôi bắt gặp 5 chị phụ nữ đang co ro trong cái lạnh, mắt hướng ra đường tìm người nhà bệnh nhân để mời gọi. Chị nào cũng đem theo lỉnh kỉnh đồ đạc, nào túi, nào balô quần áo. Thấy tôi, các chị xúm lại hỏi: "Em cần thuê ở bệnh viện hay ở nhà?". "Ở bệnh viện" - tôi trả lời. Chị phụ nữ tên Liên, quê ở Trực Ninh, Nam Định hồ hởi: "Để chị trông cho, việc gì chị cũng làm được".

Theo lời kể của chị Liên thì chị có thâm niên nhiều năm trông người già đau ốm ở cả bệnh viện và ở nhà. Chị vừa trông một cụ bà bị ốm liệt giường từ 3 năm nay, lương tháng 2 triệu đồng cộng với ăn do gia đình chủ nuôi. Nhưng giá cả sau Tết cái gì cũng tăng vùn vụt, giờ "phải 3 triệu một tháng chị mới trông"- chị Liên ra giá.

Những phụ nữ làm nghề trông người ốm ở bệnh viện mà chúng tôi gặp hầu hết đều ở lứa tuổi 40-50, tuổi mà không ngại với sức khỏe của người già. Chị Vân, quê ở Phú Thọ cho biết: "Chúng tôi trông quen rồi, phải có kỹ năng thì việc nâng họ lên, đặt họ xuống đều rất nhẹ nhàng. Những cụ nhỏ người, chúng tôi bế. Còn cụ nặng thì dìu. Phải có kỹ năng thì mới làm được".

Chị Thọ ở Bình Lục, Hà Nam khoe: "Tôi vừa trông một cụ nặng 62kg mổ ruột thừa nhẹ nhàng như không". Trông người già, mà người đó lại bị bệnh liệt giường là công việc không hề đơn giản. "Không những đòi hỏi phải có kỹ năng, mà còn phải có tình cảm với người già thì mới làm được" - chị Liên cho biết.

Ngoài cổng Bệnh viện Hữu Nghị tập trung đông phụ nữ thôn quê đến đây tìm việc trông người ốm. Lâu dần, nó trở thành một "dịch vụ" không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Có những khi, ở đây tập trung tới 30 người đến tìm việc. Tuy nhiên, không có sự kèn cựa, tranh khách vì "cùng cảnh đi làm thuê nên chúng tôi thương nhau lắm" - chị Liên tâm sự.

Một ngày trôi qua, nếu ai đó không kiếm được việc có nghĩa là nỗi lo của họ nhân lên. Tuy nhiên, bám trụ ở Hà Nội nhiều năm nay, chị Liên đã sống được bằng nghề trông người bệnh, số tiền kiếm được chị gửi về quê nuôi con ăn học. Có chị còn nuôi con học đại học ở Hà Nội bằng đồng tiền kiếm được từ nghề trông người ốm.

Dịch vụ trông người ốm ngày càng phát triển, tuy nhiên việc "chọn mặt gửi vàng" không phải lúc nào cũng hoàn hảo, do vậy các gia đình khi chọn thuê người trông bệnh nhân cần ký kết hợp đồng đầy đủ, tránh rủi ro hoặc mất mát xảy ra

Trần Hằng
.
.
.