Khai thác đá - nghề nguy hiểm

Chủ Nhật, 09/01/2005, 15:15
Theo thống kê của ngành Công nghiệp Hà Nam, toàn tỉnh hiện có 116 tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác đá. Nhưng chỉ có 2 đơn vị làm đúng quy trình khai thác đá lộ thiên là Công ty Xi măng Bút Sơn và Công ty Cổ phần vật tư thiết bị giao thông.

Các đơn vị còn lại đều khai thác theo phương pháp khấu tự do theo lớp xiên, phương pháp này có ưu điểm là đầu tư ban đầu ít, giá thành hạ nhưng rất nguy hiểm vì tai nạn lao động có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Núi Bùi ở vùng tiếp giáp giữa 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có chất lượng đá tốt, dễ khai thác lại tiện đường vận chuyển nên tập trung khá đông các doanh nghiệp khai thác đá.

Trên một điểm cao có 2 thợ đang ì ạch với 2 chiếc khoan máy nặng hàng tạ bên vách núi để khoan lỗ nhồi mìn. Anh Cao Văn Tuấn là người theo nghề lâu năm nhận xét, ít thấy nơi nào lại có kiểu khai thác đá đánh úp vào giữa như ở núi Bùi.

Khi đã ở trên cao, người thợ khoan chịu tác động của rất nhiều yếu tố: Tâm lý, sức khỏe, sức gió... nhưng quan trọng nhất là khả năng xử lý trên địa hình vách núi.

Quá trình di chuyển trên núi rất khó khăn, không phải lúc nào cũng bám sát được dây an toàn. Sau khi đã nổ mìn, công việc còn lại là cậy đá om - những tảng đá đã bị đánh bật khỏi thân núi. Đây chính là lúc thường xảy ra các vụ tai nạn, nếu mất cảnh giác.

Không cheo leo vất vả như người thợ leo núi, nhưng không ít nguy hiểm đối với thợ bốc vác và phục vụ máy nghiền sàng dưới chân núi. Trung bình mỗi ngày họ phải cõng trên lưng chừng 1 tấn đá các loại, mà chỉ được hưởng khoản thù lao 15-25 nghìn đồng. Ngoài ra, họ luôn phải lao động trong môi trường đầy ắp tiếng ồn và khói bụi.

Chưa thống kê đầy đủ, nhưng những người làm việc lâu năm tại đây khi được bác sĩ thăm khám đều có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp và bụi phổi. Ngoài ra, còn có những mối nguy hiểm khác như đá lở từ trên cao rơi xuống, đá bắn tung tóe khi nổ mìn.

Những trường hợp như thế vẫn xảy ra ở vùng khai thác đá, nhưng dường như chưa có biện pháp hữu hiệu nào chấm dứt trong nhiều năm qua. Đáng chú ý là, sau những vụ tai nạn ấy thì phương cách giải quyết chủ yếu vẫn là thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với thân nhân của họ bằng một khoản tiền bồi thường ít ỏi.

Hàng năm, Sở Công nghiệp vẫn phối hợp với Công an tỉnh và các ngành của Hà Nam tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nổ mìn, an toàn lao động, đôn đốc mua sắm thiết bị bảo hộ lao động... và duy trì việc chấp hành quy trình, quy phạm chặt chẽ.

Nhưng trên thực tế, do trình độ sản xuất và vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, nhận thức của rất nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động không theo kịp tình hình, nên hầu hết các tổ hợp sản xuất và HTX chưa thực hiện được việc lập hộ chiếu khoan, hộ chiếu nổ mìn

Khánh Chi
.
.
.