Internet là tác nhân hàng đầu gây nên thất thoát trong lĩnh vực bản quyền điện ảnh
Theo ông Đào Việt Dũng, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển an ninh công nghệ cao (CPĐT&PT) thì internet là một trong những phương tiện làm nguyên nhân chính cho việc vi phạm bản quyền. Cũng theo ông Dũng, nếu như số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam vào thời điểm năm 2003 mới chỉ có khoảng 3 triệu người thì con số này ở thời điểm năm 2013 là khoảng 33 triệu người (chiếm hơn 35% dân số cả nước), đứng thứ 18 trên thế giới, thứ 8 ở châu Á và đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Và, cũng nếu như ở thời điểm năm 2004, doanh thu từ internet ở Việt Nam mới chỉ được 70 tỷ đồng; năm 2009 là 2.600 tỷ đồng, thì năm 2013 đã lên đến con số 20.400 tỷ đồng. Trong khi đó, việc xem video nói chung trên internet chiếm khoảng 90% nhu cầu xem video của khán giả (bao gồm cả việc xem phim, điện ảnh).
Số liệu trên đây cho thấy rằng, số người sử dụng và doanh thu từ internet ở Việt Nam là một con số đáng mơ ước đối với nhiều nước trên thế giới. Nhưng, nó cũng cho thấy một thực tế là, với sự phát triển như vũ bão của internet, thì việc ăn cắp và sử dụng trộm (không trả tiền bản quyền) của các trang mạng, của các cá nhân người sử dụng internet lại trở nên tỉ lệ thuận với nhau. Mỗi người sử dụng internet đều có thể dễ dàng truy cập vào mạng để xem một bộ phim được đưa lên các wesite mà không cần phải trả thêm bất kỳ một khoản chi phí nào dành cho phía nhà sản xuất và tác giả. Và cũng tương tự, nhiều chủ các wesite kia cũng có thể dễ dàng lấy lại sản phẩm từ một nguồn nào đó, cho lên wesite của mình để thu hút lượng truy cập.
Cũng theo thống kê từ Công ty CPĐT&PT an ninh công nghệ cao thì hiện tại ở Việt Nam có khoảng 4.000 wesite như vậy. Chỉ cần một tác phẩm điện ảnh được đưa lên một trang web bất kỳ, thì chưa đầy một tiếng đồng hồ sau đó, nó đã nghiễm nhiên có mặt ở hàng trăm trang mạng khác.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nguyên nhân thì có nhiều, nhưng để hạn chế việc vi phạm trong lĩnh vực bản quyền, cần phải thực hiện nhiều biện pháp như tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, ý thức của công chúng trong việc tiếp nhận các sản phẩm có bản quyền. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức có bản quyền cũng cần chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của mình như: cung cấp thông tin; báo cáo sự việc vi phạm bản quyền cho các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoặc khởi kiện ra tòa án theo qui định của pháp luật…