Hy vọng của cô bé “chân voi” đi tìm con chữ

Chủ Nhật, 02/06/2013, 22:05
Vì bệnh tật mà Son không thể đến trường học chữ, nhưng em đã nghị lực vượt lên số phận và tự tập đánh vần, tập viết để không bị mù chữ. “Trong cuộc sống của tôi có rất nhiều khó khăn, vì vậy tôi tự nhủ với mình rằng, hãy bước tiếp dù đã từng vấp ngã, hãy hy vọng dù chỉ là mong manh…”, những dòng tâm sự đầy xúc động của Son khiến cho những người may mắn lành lặn phải suy ngẫm...

Men theo con đường đất đỏ, chúng tôi đến nhà em Trần Thị Mỹ Son ở xóm Cống, thôn 10, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). Trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé nằm sát mé bờ sông Đại Giang, ông Trần Như Dũng (bố của Son, 57 tuổi) với khuôn mặt đen sạm, khắc khổ đang lúi húi bên mấy vỉ thuốc giảm đau mà ông vừa đạp xe ra trạm xá xã mua về cho con gái dùng mỗi khi lên cơn.

Đưa tay lau mồ hôi trên trán, ông Dũng kể rằng, sau ngày đất nước giải phóng - 1975, vợ chồng ông lên khu vực hồ Khe Lời, giáp xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) để trồng rừng, phát rẫy làm kinh tế mới. Cuộc sống khó khăn ở vùng đất mới khiến gia đình luôn rơi vào tình trạng phải chạy ăn từng bữa. Sau khi trồng được 1,5 héc ta rừng tràm, mỗi ngày ông lên rừng hái củi, còn vợ đi tìm phế liệu để bán lấy tiền đổi gạo… Có ai ngờ, chính những ngày tháng lập nghiệp ở vùng đất mới đã khiến vợ chồng ông bị nhiễm chất độc dioxin mà giặc Mỹ rải trong những năm chiến tranh còn tồn dư trong đất và môi trường.

Cũng vì thế, vợ ông - bà Huỳnh Thị Dưa (57 tuổi) sinh đứa con đầu quặt quẹo và bị chết yểu. Năm 1995, bà Dưa sinh bé Son. “Sau khi con bé chào đời, tui đã ứa nước mắt khi thấy hai chân cháu to khác thường. Rồi khi lớn lên, chân cháu Son lại càng phình to ra, các ngón chân bị biến dạng và đến nay đã to như chân voi…”, bà Dưa ngồi bên nghẹn ngào chia sẻ nỗi lòng mà bà đã cố nén suốt gần 20 năm qua để nuôi con trong bạo bệnh.

Không muốn vì bệnh tật mà ảnh hưởng đến chuyện học của con nên mỗi ngày ông Dũng đã chèo đò đưa Son vượt dòng Đại Giang đến trường mẫu giáo thuộc xã Vân Thái (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Nhưng qua 6 tháng học lớp mẫu giáo nhỡ, Son đã không còn cơ hội được đến trường khi cơ thể nhỏ bé của em đã không thể nâng nổi đôi chân “voi”.

“Thấy bạn bè đi học, em ước gì mình cũng được cắp sách đến trường. Nhiều đêm, thấy các bạn trong xóm đi chơi mà em đã khóc rất nhiều. Em muốn được sống một cuộc sống bình thường như các bạn, được đến trường nghe thầy cô giáo giảng bài như các bạn…”, ngồi trên chiếc xe lăn, Son nhìn xuống đôi chân lớn của mình rồi rưng rưng tâm sự.

Em Son và mẹ trong ngôi nhà nhỏ bên sông Đại Giang.

Để không bị mù chữ, Son đã mượn từ một người bạn trong xóm cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 và nhờ bạn dạy cách phát âm, đánh vần từng chữ cái, cách viết từng con chữ. Thành thạo việc đọc và viết, Son lại chuyển qua học Toán để có thể làm được những phép toán đơn giản nhất. Dù đôi chân ngày mỗi lớn, cộng thêm khối u bên phần hông khiến em đau nhức, rát buốt khi trời trái gió nhưng Son vẫn nghị lực miệt mài với cây bút chì và cuốn vở mỗi khi ngồi trên chiếc xe lăn. Và suốt hơn 2 năm ròng, em đã tự tập viết và tập đọc để tự “xóa mù” cho mình.

Lấy ra một cuốn vở, Son cầm bút và từ từ viết những dòng chữ đầu tiên lên trang giấy trắng như để minh chứng cho sự nỗ lực của em. Son viết: “Trong cuộc sống của tôi có rất nhiều khó khăn, vì vậy tôi tự nhủ với mình rằng, hãy bước tiếp dù đã từng vấp ngã, hãy hy vọng dù chỉ là mong manh và hãy mỉm cười dù nước mắt vẫn cứ rơi…”. Đọc những dòng chữ do “cô bé có đôi chân voi” viết nắn nót đến từng nét mà chúng tôi đã không kìm được những giọt nước mắt...

Bà Dưa còn kể rằng, năm 2009, một lần Son suýt chết khi khối u ở hông chảy máu quá nhiều. Đưa con đến Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ chẩn đoán khối u mãn tính của Son là do di chứng chất độc da cam, vợ chồng bà đã chạy vạy vay mượn thêm bạn bè cộng với số tiền cóp nhặt hơn nửa đời người để bệnh viện phẫu thuật khối u này. Còn khối u ở chân Son quá lớn, hai vợ chồng cũng đã hết sạch tiền bạc nên đành nhắm mắt đưa con về.

Trước bệnh tật của em Son, ông Ngô Chiến, trưởng thôn 10, xã Thủy Phù, ái ngại nói: “Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Dũng nên nhiều năm qua bà con trong thôn đã hỗ trợ giúp đỡ, song cũng chẳng được là bao. Chỉ mong qua báo chí kêu gọi các nhà hảo tâm mới có hy vọng cứu chữa được đôi chân cho cháu Son để cháu thực hiện ước mơ đến trường”...

Và, trong ngôi nhà nhỏ bé bên dòng Đại Giang, chẳng còn thứ gì đáng giá ngoài chiếc tivi và chiếc xe lăn vừa được một nhà hảo tâm trao tặng để giúp Son có thể tự đi lại. Mỗi ngày đi qua Son vẫn cố gắng tự học và mãi ấp ủ niềm hy vọng tốt đẹp ở tương lai, dù niềm hy vọng đó quá đỗi mong manh...

Lê Anh
.
.
.