Hướng nghiệp hay hướng “lên trời” ?

Thứ Tư, 25/04/2012, 19:41
Phần lớn học sinh THPT chọn nghề theo cảm tính do công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông hiện nay chỉ mang tính chứa cháy chứ chưa tạo được sự nhận thức đúng đắn về ngành nghề cho học sinh.

Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 tổng lượng thí sinh dự thi là 1.696.250. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho cả 2 bậc học là 548.000 thí sinh (TS). Như vậy, có khoảng 1.148.250 TS đã không mở được cánh cửa vào ĐH-CĐ trong đợt này. Một cán bộ phòng tuyển sinh Bộ GDĐT phía Nam nhận xét: Liên quan rất nhiều tới việc TS của ta hiện đang lấy “sở đoản” đưa vào thành “sở trường” khi đặt bút chọn ngành-nghề. Việc chọn “lệch” này trách nhiệm rất lớn thuộc về công tác hướng nghiệp… chưa đâu vào đâu.

Chị Phương Thảo (ngụ tại phường 9, quận Gò Vấp, TP HCM) có con đang học lớp 12A15 của Trường THPT Phú Nhuận cho biết: Gần hết 3 năm học cấp III thấy cháu Thủy Tiên có năng khiếu vượt trội về môn vẽ, do đó anh chị đồng ý ngay khi thấy con làm hồ sơ thi vào Trường ĐH Mỹ thuật khối H chuyên ngành Đồ họa - Thiết kế.

“Trước và sau Tết 2012, Trường THPT Phú Nhuận tổ chức cho 2 đợt tư vấn TS. Một lần có mời Trường ĐH KHKT công nghệ Hutech về tư vấn. Thông tin rất hay. Trường có CSVC tốt, giáo viên dạy giỏi. Học ra trường có việc ngay. Nhưng trường này không có đào tạo đồ họa. “Tại sao trường mời mỗi chuyên gia Hutech mà không mời thêm các chuyên gia trường khác”, em Tiên và các bạn thắc mắc. Tiên đăng ký NV2 vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, NV3 là vào Trường CĐ Bách Việt và tiêu chí của Tiên như nhiều bạn học khác là đăng ký theo… sở thích. Thi đậu đã rồi mới tính!

Chuyên viên ĐH – CĐ VPĐD tại TP HCM Nguyễn Quốc Cường nhận xét: Để theo đuổi được ngành Đồ họa Thiết kế đòi hỏi phải hội tụ khá nhiều kiến thức. Trong đó sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu. Nhưng cái khó hơn là đòi hỏi SV phải có tư duy về kiến thức mỹ thuật, biết ứng dụng kiến thức mỹ thuật một cách sáng tạo vào môn thiết kế đồ họa, có khả năng vượt trội về năng khiếu vẽ tay. Thế nhưng chị Thảo cũng thừa nhận, “sở trường của con mình là thích vẽ, biết vẽ và thấy ngành này đang “hot”, dễ xin việc. Còn phải học môn gì, có theo được không thì có đậu vào mới biết”.

Trong một chương trình tư vấn tuyển sinh, không ít học sinh băn khoăn về theo học ngành Kiến tạo cảnh quan môi trường tại ĐH Nông Lâm TPHCM (thi khối A và khối B). Nhiều TS cho biết, chưa bao giờ trong buổi tư vấn, được các chuyên gia nói về các môn phải theo học trong ngành. Trong khi các môn thi khối A và khối B của trường này lại chẳng có liên hệ nào tới những kiến thức khi theo học.

Cho tới thời điểm này, việc nhận hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ 2012-2013 đã kết thúc. Điều đáng nói ở đây việc nhận ra vấn đề “muộn” như trên của chị Thảo lại đang rất phổ biến trong tình trạng cùng con chọn ngành nghề hiện nay.

Về phía nhà trường hướng nghiệp hiện vẫn còn mang tính chữa cháy. GV chủ nhiệm hay người làm công tác hướng nghiệp đều là kiêm nhiệm, thiếu kiến thức… Chuyên gia được mời tới trường thì chỉ quảng cáo, nói về “đầu ra” là chính, còn TS không tiếp xúc được với người cần tư vấn. Và thường phải tự mày mò vào Website của các trường mà thông tin cần lại không có.

Theo một chuyên viên phòng tuyển sinh Bộ GDĐT phía Nam cho rằng: “Các trường THPT hiện nay nếu cần có thể đăng ký với VP Bộ GDĐT về vấn đề tập huấn kiến thức hướng nghiệp, chúng tôi sẵn sàng. Vấn đề các trường có hào hứng hay không mà thôi!”

Huyền Nga
.
.
.