Hợp tác quốc tế ngăn chặn xâm phạm bản quyền

Thứ Sáu, 07/08/2015, 10:01
Việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan và bài học kinh nghiệm bảo vệ bản quyền trong môi trường số của thế giới đã trở thành đề tài nóng tại “Hội thảo về quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề cấp bách” diễn ra hai ngày 5 và 6/8 tại TP Hồ Chí Minh.


Hội thảo do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản phối hợp tổ chức. Hội thảo thu hút các đại biểu đến từ nhiều cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, giới sáng tạo; các chuyên gia của WIPO đến từ Nhật Bản, Australia, Malaysia...

 Ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan – Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết hiện nay tình hình xâm phạm bản quyền ở Việt Nam diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh, chương trình máy tính... Riêng các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ gồm: Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC); Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV); Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC); Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO). Mặc dù Việt Nam đã tham gia Công ước Berne và các điều ước quốc tế như Brussels, Rome... thế nhưng khi các vụ xâm phạm bản quyền xảy ra, người sở hữu quyền vẫn rất chật vật để đòi lại quyền lợi.

Quan niệm những gì trên Internet là miễn phí vẫn còn ăn sâu. Trong khi đó, các trang web có lượng truy cập khổng lồ vẫn ung dung kiếm tiền bằng cách sao chép sản phẩm trí tuệ của người khác mà không lời xin phép hay bỏ ra khoản phí nào.

Ông Scot Morris, Giám đốc đối ngoại Hiệp hội quyền biểu diễn Australia (APRA) cho hay, ở Australia, ngoài các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan khá hùng hậu thì đầu năm 2015, nước này còn sửa đổi Luật Bản quyền trong đó nhấn mạnh đến việc cho phép chủ sở hữu bản quyền áp dụng chế tài chống lại các nhà cung cấp dịch vụ vi phạm trên mạng. Về mức biểu giá bản quyền ở Việt Nam còn nhiều tranh cãi do các tổ chức quản lý tập thể đưa ra, ông chia sẻ: “Ở Australia, mức biểu giá khá đồng đều, không phân biệt đối xử, phù hợp với mọi đối tượng. Cách tính biểu giá cũng công khai minh bạch. Nếu người sử dụng bản quyền không đồng ý biểu giá này họ có thể nhờ trọng tài hòa giải, nếu mức độ căng thẳng hơn thì sẽ nhờ tòa án”.

Đại diện của Nhật Bản cho hay, họ không ngừng cải tiến hệ thống pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, trong đó tăng cường trách nhiệm của nhà cung cấp, sửa đổi quy định liên quan đến quyền xuất bản sách điện tử, tác phẩm trên môi trường số. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức cho người dân từ cấp tiểu học và các đối tượng khác nhau như giáo viên, cán bộ thư viện, công chức địa phương... được thực hiện thường xuyên.

Hiện nay, với các nước đang phát triển như Việt Nam, trước hành vi sao chép, ăn cắp bản quyền trên internet với tốc độ và số lượng chóng mặt, việc áp dụng các biện pháp công nghệ để sàng lọc và ngăn chặn là điều cấp thiết. WIPO hiện hỗ trợ kỹ thuật bảo hộ bản quyền cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, để chống lại vấn nạn này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống pháp lý về bản quyền, tăng cường vai trò của các tổ chức quản lý tập thể...

Quỳnh Nga
.
.
.