“Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” mô hình cần được nhân rộng

Thứ Bảy, 14/03/2020, 08:42
Qua hai năm triển khai, mô hình “Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” tại tổ dân phố 14 và 15 phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác phòng cháy và phát huy hiệu quả trong công tác chữa cháy tại cơ sở. Mô hình trên cần được nhân rộng tại các địa bàn và khu dân cư.


Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, khu bếp nhà bà Nguyễn Thị Thi ở tổ 14, phường Phan Đình Phùng bị cháy. Thấy vậy, các hộ dân gần đó hô hoán và nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy lấy từ “Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” gần đó đến dập lửa và điện báo lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Nhờ sự kịp thời đó, đám cháy đã không lan ra xung quanh, thiệt hại về tài sản không lớn.

Ông Nguyễn Văn Như, tổ 14, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, người trực tiếp tham gia chữa cháy đêm đó kể lại: Khi nghe thấy tiếng hô của mọi người báo có cháy, tôi liền chạy ra “Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” ở gần đấy lấy 4 bình chữa cháy vào để dập lửa. Sau khoảng 20 phút đám cháy được dập tắt.

Từ vụ việc trên cho thấy hiệu quả của các “Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” được lắp đặt tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Từ năm 2017, UBND phường đã có chủ trương triển khai lắp đặt các “hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” tại tổ dân phố 14 và 15. Nhận thấy lợi ích của mô hình trên, người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí để mua bình chữa cháy, lắp đặt hộp phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư.

Ông Đặng Công Hoan, tổ trưởng tổ dân phố 14, phường Phan Đình Phùng cho biết: Những ích lợi từ khi triển khai mô hình đó là: khắc phục được tình trạng bình chữa cháy để ở trong nhà văn hóa, nhà của các hội viên phòng cháy, chữa cháy, khi tình huống cháy xảy ra thường khó tìm, khó lấy, nhất là khi chủ nhà đi vắng.

Do đó việc đưa bình chữa cháy ra những vị trí dễ thấy, dễ lấy, dễ tìm sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Quan trọng hơn, khi nhìn thấy “Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng”, mọi người sẽ ý thức trách nhiệm với công tác phòng cháy tại gia đình và nơi làm việc.

Tới nay, tại hai tổ dân phố đã có tổng cộng 13 “hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng”. Các hộp được đặt tại các tuyến đường chính, khu đông dân cư với khoảng cách giữa các hộp từ 200 đến 250m. 

Ông Vũ Đại Quang, tổ dân phố 15, phường Phan Đình Phùng cho biết: Trong mỗi “Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” có 4 bình chữa cháy xách tay và cả khẩu trang phục vụ công tác chữa cháy. Chìa khóa của hộp được giao cho 2 hộ dân bên cạnh và tổ trưởng giữ 1 chìa.

Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, tổ thành lập các đội túc trực thực hiện công tác này. Hằng tháng, tổ chức kiểm tra trang thiết bị có trong hộp và hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy thường xuyên.

Nhận xét về mô hình này, Trung tá Trương Tấn Nghĩa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong nhiều mô hình về phòng cháy, chữa cháy thì mô hình “Hộp phòng cháy, chữa cháy công cộng” là một mô hình mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên mô hình này đã cho thấy những hiệu quả bước đầu, nhất là đã hỗ trợ người dân cứu chữa một số vụ cháy; ngoài ra mô hình còn giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Dũng Minh
.
.
.