Hộp đen xe khách - nhìn từ vụ TNGT thảm khốc ở Khánh Hòa

Thứ Năm, 11/04/2013, 19:26
Từ kết quả giải mã hộp đen 2 xe khách gây TNGT thảm khốc ở Khánh Hòa có thể thấy rằng những thiết bị những tưởng rất hiện đại này đã mất đi tác dụng vốn có của nó đó là cảnh báo lái xe khi chạy quá tốc độ, truyền dẫn thông tin về doanh nghiệp và nhận những cảnh báo về việc vi phạm tốc độ để hạn chế vi phạm…

Cuối cùng thì nguyên nhân vụ TNGT thảm khốc rạng sáng 8/3 tại TP Cam Ranh - Khánh Hòa giữa hai xe khách Bình Định và Quảng Ngãi làm 12 người chết và bị thương đã được giải mã. Lãnh đạo Công an TP Cam Ranh cho biết qua giải mã hộp đen của xe khách Bình Định mang BKS 77B-00369 cho thấy vào thời điểm xảy ra tai nạn xe khách này đã chạy với tốc độ 89,9km/h, vượt quá 19,8km/h so với quy định về tốc độ tại đoạn đường này.

Cơ quan điều tra cũng đã giải mã hộp đen của chiếc xe khách Quảng Ngãi mang BKS 76M-1154 và xác định chiếc xe này chạy với tốc độ 90km/h, vượt quá 20km/h so với quy định. Ngoài việc chạy quá tốc độ cho phép, xe khách Quảng Ngãi cũng đã chạy lấn làn đường. Như vậy rõ ràng hai xe khách đều đã vi phạm tốc độ cho phép từ đó dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Quy định về lắp đặt hộp đen đối với phương tiện vận tải, đặc biệt là ôtô chở khách đã được triển khai thực hiện từ suốt hơn hai năm qua. Theo báo cáo của Vụ Vận tải – Bộ GTVT thì đến nay đã có hơn 41.500 phương tiện lắp đặt hộp đen, chiếm tới 94% số phương tiện diện phải lắp. Trong đó riêng xe chở khách chạy tuyến cố định đã đạt tỷ lệ 96% xe lắp hộp đen.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế do việc lắp đặt chủ yếu để đối phó nên  thiết bị hiện đại này đã bị… vô hiệu. Một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế vi phạm và tai nạn giao thông đó chính là quản lý lái xe, phương tiện thông qua hộp đen. Mặc dù tỷ lệ lắp đặt hộp đen rất lớn tuy nhiên số đơn vị sử dụng hiệu quả thiết bị này dường như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một trong những trường hợp điển hình quản lý hiệu quả được Sở GTVT tỉnh Đồng Nai ghi nhận đó là Hợp tác xã (HTX) vận tải Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Hiện đơn vị này có 28 xe buýt chạy hai tuyến liên tỉnh và 83 xe chở khách hợp đồng. Với phương châm an toàn cho hành khách là thương hiệu của chính mình nên sau khi lắp hộp đen cho toàn bộ số phương tiện, lãnh đạo đơn vị này rất chú trọng quản lý tài xế điều khiển xe trên đường. Chủ nhiệm HTX thường xuyên vào mạng theo dõi các đầu xe của HTX đang lưu thông trên các tuyến. Nếu trên màn hình máy tính xuất hiện cảnh báo xe nào chạy quá tốc độ quy định trên 1 phút thì văn phòng HTX sẽ gọi điện cảnh báo ngay tài xế xe đó.

Trở lại vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Khánh Hòa. Từ kết quả giải mã hộp đen 2 xe khách gây tai nạn có thể thấy rằng những thiết bị những tưởng rất hiện đại này đã mất đi tác dụng vốn có của nó đó là cảnh báo lái xe khi chạy quá tốc độ, truyền dẫn thông tin về doanh nghiệp và nhận những cảnh báo về việc vi phạm tốc độ để hạn chế vi phạm… Việc giải mã thiết bị sau tai nạn cũng chỉ góp phần tìm ra nguyên nhân gây tai nạn thay vì ngăn chặn nó nếu như được cảnh báo từ trước...

Xuân Luận
.
.
.