Hỗn loạn khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên

Chủ Nhật, 15/04/2007, 14:49
Ai cũng tưởng cơn sốt buôn bán khoáng sản trái phép ở Thái Nguyên đã hạ nhiệt. Nhưng con số hơn 150 tấn quặng tập kết tại phường Cam Giá bị cơ quan chức năng thu giữ trong những ngày cuối tháng 3/2007 lại cho thấy một điều ngược lại.

Cơn sốt khai thác, vận chuyển và buôn bán trái phép khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2006 từng được hạ nhiệt bởi hàng loạt văn bản pháp quy của tỉnh cùng với việc thành lập một số trạm kiểm tra, kiểm soát.

Những ngày này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang có mặt ở Thái Nguyên để làm rõ các vấn đề liên quan đến tình trạng chảy máu quặng ra nước ngoài.

Ai cũng ngỡ, sự chỉ đạo của tỉnh và Trung ương quyết liệt đến thế, thì việc vận chuyển và buôn bán trái phép khoáng sản không chỉ hạ nhiệt, mà còn sớm chấm dứt. Một số cơ quan chức năng của tỉnh đều khẳng định với chúng tôi việc buôn bán, vận chuyển trái phép khoáng sản chỉ còn nhỏ lẻ.

Nhưng thực tế lại không như vậy. Con số hơn 150 tấn quặng tập kết tại phường Cam Giá bị cơ quan chức năng thu giữ trong những ngày cuối tháng 3/2007 đã phần nào cho thấy điều đó.

Buôn quặng - siêu lợi nhuận lại… an toàn

Nguyễn Văn Hiếu - một đầu nậu thu gom quặng sắt mà phải qua nhiều cầu, chúng tôi mới làm quen được, cho biết: Mỗi xe chở khoảng 30-40 tấn quặng từ Đồng Hỷ đến cảng Đa Phúc là có lãi 8 triệu đồng.

Mỗi ngày, 4 xe đi trót lọt là cầm chắc 32 triệu, trừ chi phí làm luật trên đường đi mất 4 triệu, vẫn còn 28 triệu lãi ròng. Bởi vậy mà người ta xô nhau đi buôn quặng?

Hơn nữa, theo Trung tá Nguyễn Quang Sơn, Trưởng Công an huyện Đồng Hỷ - địa bàn được coi là nóng bỏng việc buôn bán và vận chuyển quặng trái phép ở tỉnh -thì một trong những lý do để dân buôn quặng dù có bao nhiêu lệnh cấm của tỉnh cũng vẫn lao vào, là chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản còn nhiều bất hợp lý.

Nghị định 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ chỉ qui định xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép, mà không đề cập đến việc xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ cũng như phương tiện vận chuyển khoáng sản trái phép.

Vì thế, khi xe quặng lậu bị bắt, hầu như lái xe đều trả lời không rõ người thuê chở là ai, nhưng cơ quan chức năng cũng không xử lý phương tiện được.

Cánh lái xe cũng như dân buôn quặng chả ngại, vì được ăn cả, ngã cũng chẳng về không, nếu có mất xe quặng 30-40 tấn cũng chả là gì, bởi giá gốc chỉ chưa đầy 10 triệu đồng, còn phương tiện vận chuyển lại được thả ngay nên dễ dàng tiếp tục đi chuyến khác gỡ lại.

Trong khi đó, nếu vận chuyển lâm sản trái phép mà không chứng minh được chủ hàng là ai, thì chính lái xe phải bị xử lý theo luật. Hiện cũng chưa có chế tài xử lý người mua, bán và tàng trữ khoáng sản trái phép, nên ở trong các bãi quặng hoặc địa điểm tập kết, các đầu nậu thu gom quặng hoặc nhiều gia đình cho thuê mặt bằng tập kết 400-500 tấn quặng khai thác trái phép, nhưng khi bị sờ đến cũng đều nói không biết của ai mà cơ quan chức năng cũng đành chịu. Siêu lợi nhuận, nếu mất lại không đáng là bao, nên việc buôn bán, vận chuyển quặng trái phép không ngừng diễn biến phức tạp.

Thủ đoạn đối phó của đầu nậu

Các đầu nậu thu gom, buôn bán và vận chuyển quặng trái phép đã có không ít thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng, nhằm duy trì nguồn lợi. Trước đây, hàng đoàn xe rùng rùng chở quặng giữa ban ngày bán qua biên giới, thì nay, họ chuyển hoạt động vào ban đêm.

Bọn buôn lậu dùng xe máy, xe công nông chở quặng luồn lách qua các đường ngang ngõ tắt và tập kết hàng bên ngoài các trạm kiểm soát liên ngành. Cứ bắt đầu từ khoảng 7h tối, quặng được gom lại nhà đầu nậu để nửa đêm về sáng bốc hàng lên xe ôtô ra cảng Đa Phúc.

Theo chân mấy đầu nậu ở đất quặng Đồng Hỷ, 1h30 sáng ngày 4-4, chúng tôi có dịp chứng kiến tại khu vực cầu Trắng xã Linh Nham, huyện Đồng Hỷ, 4 chiếc xe ôtô tải mang biển kiểm soát 20K-81…, 20K-73…, 20K-76… và xe 33H-72… bốc cả trăm tấn quặng lên xe và đi trên quốc lộ về Đa Phúc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nơi tập kết hàng là gia đình người thân của một trong những người được giao trọng trách… chống vận chuyển trái phép quặng trên địa bàn. Nhiều người dân địa phương cho biết, thật hiếm đêm nào không có ôtô chở quặng lậu đi. Mà lạ, thường mỗi đoàn xe ít cũng phải 2 chiếc và con đường từ các huyện đến Đa Phúc phải vài chục cây số, mà hầu hết đều không bị phát hiện.

Cứ như thể các xe ôtô có… phép tàng hình vậy! Thế là, trong khi tài nguyên bị chảy máu, Nhà nước bị thất thu thuế, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, giao thông bị huỷ hoại nghiêm trọng thì một nhóm nhỏ các đầu nậu bỏ túi tiền tỷ từ việc thu gom và bán quặng qua biên giới.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết: "Tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn diễn ra rất phức tạp có nguyên nhân là nhiều tổ chức, cá nhân đã thiết lập các đường dây mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép ở trong và ngoài tỉnh".

Quá trình tìm hiểu vấn đề này tại Thái Nguyên còn cho thấy: Một nguyên nhân quan trọng làm nên sự phức tạp kéo dài trong lĩnh vực khoáng sản ở đây chính là do trong những đầu nậu mua bán và vận chuyển khoáng sản trái phép, có không ít người là anh em, vợ con của cán bộ lãnh đạo ở tỉnh, hoặc là cán bộ công chức tham gia hay đứng sau lưng tổ chức.

Chính vì thế, chính Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có kết luận: "Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn còn yếu kém. Nhiều văn bản ban hành không đúng quy phạm pháp luật, tham mưu đề xuất của ngành chức năng chưa kịp thời, cán bộ làm công tác này chưa làm tốt trách nhiệm". Đây cũng là một nội dung đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương quan tâm làm rõ.

 Bên cạnh đó, để xử lý triệt để nguyên nhân gây ra hoạt động trái phép trong lĩnh vực khoáng sản, chúng tôi cho rằng, kiến nghị của Trung tá Nguyễn Quang Sơn là rất đáng quan tâm: đề nghị Nhà nước sớm bổ sung, sửa đổi Nghị định 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản trái phép

Thanh Hằng - Thanh Huyền
.
.
.