Hơn 900.000 thí sinh bước vào thi tốt nghiệp THPT

Thứ Hai, 02/06/2014, 08:01
Hôm nay (2/6), hơn 900.000 thí sinh trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với môn thi Ngữ văn (buổi sáng) và hai môn Vật lý, Lịch sử (buổi chiều). Thông tin từ Bộ GD&ĐT, trong tổng số 910.831 học sinh dự thi tốt nghiệp có 823.796 học sinh THPT và 87.035 học sinh hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX).

Môn Hóa học có số lượng đăng ký dự thi tốt nghiệp nhiều chiếm 57,62%. Tiếp đến là môn Vật lý 48,05% tổng số học sinh dự thi. Môn Địa lý, có 36,22% tổng số học sinh dự thi. Môn Sinh học có 30,72% tổng số học sinh dự thi. Và môn Ngoại ngữ có 15,85% tổng số học sinh dự thi. Môn Lịch sử với 104.959 em đăng ký thi, chiếm 11,52% tổng số học sinh dự thi.

Mang điện thoại di động sẽ bị hủy bài thi, đình chỉ thi

Thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được diễn ra trong 2,5 ngày. Các môn Toán, Văn, Sử, Địa sẽ thi tự luận; các môn Hóa, Lý, Sinh thi trắc nghiệm. Riêng môn Ngoại ngữ sẽ kết hợp cả hai hình thức trắc nghiệm và tự luận với thời gian thi không thay đổi (60 phút). Để tránh rủi ro, mỗi thí sinh sẽ chỉ có 1 số báo danh, mỗi ca thi sẽ chỉ thi 1 môn thi, mỗi phòng thi chỉ có 1 môn thi. Điểm mới thi tốt nghiệp năm nay, thay vì chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cùng với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50% + 50%).

Trong buổi sáng 2-6, các hội đồng thi trong cả nước đã tổ chức phổ biến quy chế thi cho thí sinh, đồng thời dặn dò các em những điểm cần lưu ý, trong đó có vấn đề điện thoại di động, những dụng cụ được phép và không được phép mang vào phòng thi, kinh nghiệm xử lý đề thi trắc nghiệm. Các hội đồng thi đều nhấn mạnh và yêu cầu cán bộ coi thi sẽ đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu thí sinh phạm một trong các khuyết điểm như: mang vào phòng thi các vật dụng trái với quy định trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi.

Thí sinh tại hội đồng thi THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) xem số báo danh phòng thi. Ảnh: Quốc Hùng.

Tại Hà Nội, buổi phổ biến quy chế thi diễn ra khá suôn sẻ và kết thúc sớm. Hội đồng thi đặt tại THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) có 432 thí sinh đăng ký dự thi với 18 phòng thi, không có thí sinh nào đăng ký thi môn tự chọn là Lịch sử, có 16 thí sinh thi Địa lý. Tại hội đồng thi THPT Lý Thái Tổ có 562 em đến từ ba trường THPT Lý Thái Tổ, THPT Hồ Xuân Hương và THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên, các em chủ yếu lựa chọn môn Vật lý, ngoại ngữ Anh. Môn Lịch sử chỉ có 2 học sinh dự thi, Địa lý 17 học sinh. Để phục vụ cho hai thí sinh thi Lịch sử, hội đồng coi thi vẫn phải huy động từ 20-24 người. Tại Hội đồng thi THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai) có 542 thí sinh thì 238 thí sinh chọn môn Lý, 352 thí sinh chọn môn Hóa, 351 thí sinh chọn môn Ngoại ngữ, 75 thí sinh chọn môn Địa lý, 61 thí sinh chọn môn Sinh và chỉ có 7 thí sinh chọn môn Lịch sử.

Tại Hội đồng thi THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai thì 321 thí sinh chọn môn Hóa, 272  thí sinh chọn môn Lý, 100 thí sinh chọn môn Địa, 59 thí sinh chọn môn Sinh và chỉ có 16 thí sinh chọn môn Địa. Hội đồng thi THPT Quang Trung (Hà Đông) chỉ có 19 thí sinh chọn thi môn Lịch sử… Các hội đồng thi đều cho biết, dù môn nhiều hay môn ít thí sinh dự thi thì vẫn tổ chức hội đồng thi riêng cho thí sinh, không thực hiện ghép hội đồng thi. Điều này có thể các nhà trường sẽ vất vả hơn nhưng quyền lợi của thí sinh được đảm bảo, các em không bị xáo trộn tâm lý nên chất lượng bài thi sẽ tốt hơn.

Đề thi mở, đáp án cũng sẽ mở linh hoạt

Nói về đề thi đổi mới năm nay đối với hai môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, với môn Ngữ văn, đề nghị luận ra theo hướng mở đã được triển khai nhưng đáp án vẫn xác định bài làm của thí sinh phải đủ các ý để cho điểm. Năm nay, Bộ GD&ÐT chủ trương xây dựng đáp án khoa học, không bắt buộc đủ bao nhiêu ý mà tính đến bài viết có được thông điệp, cách sắp xếp nội dung, cách diễn đạt, tóm lược vấn đề... như thế nào.

Vì vậy, thông điệp truyền đạt trong bài viết phải có ý nghĩa chứ không phải "đếm ý ăn điểm". Ðối với môn Ngoại ngữ, đề thi hướng đến việc kiểm tra đồng đều các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với mục tiêu đánh giá được việc sử dụng ngoại ngữ như thế nào. Đề thi Ngoại ngữ có thêm phần viết luận để đánh giá năng lực học sinh, học sinh có thể cảm thấy khó hơn nhưng đó là việc phải làm để đánh giá năng lực, kỹ năng ngoại ngữ. Tuy nhiên, do là năm đầu đổi mới có phần viết luận nên đề sẽ dễ chứ không đánh đố, tránh được áp lực phải học thuộc lòng. “Bộ GD&ÐT xác định thi phải tạo ra áp lực cho học sinh nhưng áp lực để kích thích học sinh phấn đấu chứ không phải là áp lực quá tải”, Thứ trưởng Hiển chia sẻ.

ĐBSCL: Tiếp sức cho thí sinh nghèo

Ngày 1/6, thông tin từ các Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã hoàn tất.

Năm nay, Cần Thơ có 9.317 thí sinh (TS) dự thi, trong đó 7.997 TS hệ THPT và 1.320 TS hệ GDTX. Ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, mùa thi năm nay nhiều “Mạnh Thường Quân”, Hội phụ huynh học sinh… hỗ trợ xe đưa đón cũng như suất ăn miễn phí cho TS nghèo. Tại trường vùng sâu, vùng xa như: THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai), trường Phan Văn Trị (huyện Phong Điền)… những TS nghèo được hỗ trợ tối đa để yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi.

Đoàn trường THPT Chiêm Thành Tấn (Hậu Giang) cũng đã phát phiếu cơm nhân ái cho 54 TS nghèo, giúp các em giảm bớt chi phí trong những ngày diễn ra kỳ thi. Trường THPT Chiêm Thành Tấn có 214 TS dự thi, phần lớn các TS đều có nhà ở xa, nhà trường đã sắp xếp 2 phòng (một phòng dành cho nam, một phòng dành cho nữ) cho các TS ở lại nghỉ ngơi, ôn bài.

Tại Đồng Tháp, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi tại 35 hội đồng coi thi được đảm bảo. Lực lượng Công an các huyện, thị, thành đã phân công, bố trí cán bộ, chiến sĩ nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các hội đồng coi thi. Trong quá trình các thí sinh đi thi, phương tiện gặp trục trặc thì CSGT khi phát hiện sẽ tận tình giúp đỡ để các em kịp đến địa điểm thi. Tại Vĩnh Long, trước ngày diễn ra kỳ thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ, Trưởng chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã dẫn đầu đoàn đến kiểm tra tại một số hội đồng coi thi và đánh giá cao công tác chuẩn bị của các hội đồng.

Văn Vĩnh

Kon Tum: Bố trí nơi ăn, ở cho thí sinh dân tộc thiểu số

Ngày 1/6, ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, vào chiều 1/6, các thí sinh tập trung tại Hội đồng coi thi để nghe phổ biến quy chế thi. Đến hiện tại, Kon Tum đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, khóa ngày 2/6/2014 trên toàn tỉnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tỉnh Kon Tum có 4.029 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, hệ Giáo dục THPT là 3.545 thí sinh (nữ 2.118 thí sinh; dân tộc thiểu số (DTTS) 991 thí sinh; 3.505 thí sinh được hưởng chế độ ưu tiên; 3.292 thí sinh được cộng điểm khuyến khích; 34 thí sinh tự do); hệ Giáo dục thường xuyên có 484 thí sinh (nữ 205 thí sinh; DTTS 381 thí sinh; 475 thí sinh được hưởng chế độ ưu tiên; 215 thí sinh tự do; 281 thí sinh được cộng điểm khuyến khích; 62 thí sinh được bảo lưu điểm để xét tốt nghiệp).

Sở GĐ&ĐT đã thành lập 1 hội đồng in sao đề thi; và 14 hội đồng coi thi tại các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, ở, kinh phí, tâm lý cho thí sinh dự thi. Riêng trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) Kon Plông do chỉ có 63 thí sinh nên tập trung dự thi tại Hội đồng coi thi trường THCS thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phổ thông DTNT bố trí chỗ ăn, ở cho thí sinh là người DTTS trong thời gian thi.

N.H.Khôi

Quảng Nam: Hỗ trợ thí sinh dân tộc thiểu số dự thi tốt nghiệp THPT

Ngày 1/6, ông Hà Thanh Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có 20.645 thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, với 55 hội đồng coi thi. Để hỗ trợ cho thí sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, Sở GD&ĐT kết hợp với từng địa phương, hội đồng thi tổ chức lo cho các em chỗ ăn, ở miễn phí ngay tại trường; đặc biệt là y tế, sức khỏe cho các em để được thi tốt hơn. Tại kỳ thi, có 18/55 hội đồng thi không có thí sinh hệ THPT và Giáo dục thường xuyên đăng ký thi môn Sử. Nhiều hội đồng coi thi cũng chỉ có từ 1 - 2 thí sinh thi môn Sử hoặc Địa.

An Khang

Thu Phương
.
.
.