Hơn 4.300 gia súc chết do rét đậm, rét hại

Thứ Năm, 13/01/2011, 14:30
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, đến chiều 12/1, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có 4.381 con trâu, bò chết do rét đậm, rét hại. Các tỉnh có thiệt hại nhiều nhất là Sơn La (1.300 con), Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Chiều 12/1, trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã bớt lạnh do trời đã ngớt mưa. Chính vì vậy, nhiệt độ đã nhích lên, ấm áp hơn những ngày trước. Theo ông Nghị, đến chiều 12/1, số trâu bò chết do rét của Sơn La hầu như không tăng vì bà con đã kịp thời thu gom những con thả rông về chuồng, trại.

"Chúng tôi cũng đã huy động toàn lực lượng chia thành từng đoàn nhỏ xuống các huyện để hỗ trợ bà con, hướng dẫn cho nhân dân cách phòng chống rét cho trâu bò", ông Nghị cho biết. Tuy nhiên, với tiên lượng đợt rét còn kéo dài gần 10 ngày nữa, Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La cũng lo ngại rằng, gia súc sẽ không chịu được giá lạnh và có thể số trâu bò chết sẽ còn tăng cao...

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, đến chiều 12/1, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có 4.381 con trâu, bò chết do rét đậm, rét hại. Các tỉnh có thiệt hại nhiều nhất là Sơn La (1.300 con), Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương gấp rút chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay công tác phòng chống đói, rét cho trâu, bò.

Bộ trưởng yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại chăn nuôi che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; giúp nông dân chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn khô: rơm, rạ, cỏ khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò; Vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng và một cây rơm, rạ đảm bảo bình quân 5-7kg/con/ngày.

Các địa phương cũng cần thường xuyên thông tin cho người chăn nuôi về diễn biến thời tiết và phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho trâu, bò điển hình từ các mùa đông năm trước

Bộ trưởng yêu cầu, Sở NN&PTNT phối hợp với các đoàn thể kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho trâu, bò đến từng thôn và hộ gia đình. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ phải chủ động bố trí kinh phí và xây dựng phương án hỗ trợ nông dân, các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo trong việc phòng chống đói rét cho trâu, bò và dự trù kinh phí hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, rét đậm, rét hại.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các Sở NN&PTNT miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống đói, rét cho trâu bò.                                             

Cách phòng tránh rét cho gia súc

Ngoài việc gia cố chuồng trại như dùng bạt dứa, tấm ni lông lớn hoặc các loại vật liệu khác để che kín chuồng, người dân cần dùng các loại chăn, áo cũ, bao tải gai hoặc các vật liệu khác để giữ ấm cho gia súc; giữ nền chuồng khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm rạ, cỏ khô, mùn cưa; có cách sưởi ấm cho trâu bò vào ban đêm như ủ trấu, đốt lửa; không chăn thả trâu bò ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12 độ C… Ngoài thức ăn khô, cần bổ sung thức ăn tinh cho gia súc như cám lợn, các loại chất vi khoáng, vitamin, cho ăn thêm thức ăn ủ như ủ urê với rơm khô và cho trâu bò uống đủ nước.

Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu các tỉnh tăng cường vệ sinh phòng bệnh, định kỳ phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng theo hướng dẫn của cơ quan thú y; xử lý tốt hệ thống cống rãnh, thoát nước thải, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, các lối đi để ngăn chặn các loại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, theo dõi sức khỏe trâu bò hàng ngày, nếu gia súc có dấu hiệu bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở.

N.Yến
.
.
.