Hơn 20 năm vẫn chưa xây xong Bệnh viện Cần Thơ

Thứ Hai, 23/04/2007, 20:12
Công trình Bệnh viện Đa khoa Trung ương trên thiết kế thật hoành tráng, bề thế nhưng đến giờ vẫn chỉ là khối bê tông to đùng, chịu nắng, chịu mưa suốt hai thập kỷ qua. Đến nay, đã qua 5 đời giám đốc mà bệnh viện vẫn chưa hoàn thành

Cách đây 12 năm, người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng vui mừng khi nghe tin UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt và khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa hoành tráng nhất khu vực, với 500 giường bệnh, trang thiết bị y tế hiện đại nhất khu vực (tọa  lạc trên QL91B, quận Ninh Kiều).

Năm 1998, người dân lại càng mừng hơn khi công trình y tế hoành tráng này lại được thay đổi quy mô và được Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lên đến 700 giường với kinh phí gần 130 tỉ đồng và được làm lễ khởi công lần 2 vào tháng 1/2000.

Công trình được Chính phủ giao cho Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư, dự kiến đến năm 2002 sẽ hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Đến tháng 8/2003, UBND tỉnh Cần Thơ lại có quyết định phê duyệt bổ sung tổng dự toán công trình, với vốn đầu tư gần 170 tỉ đồng và tiếp tục dự kiến công trình hoàn thành dịp 30/4/2004.

Nhưng quá trình xây dựng, công trình lại liên tục rơi vào tình trạng xây, rồi đập bỏ, bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần. Nguyên nhân là giữa các bên (như chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, đơn vị thi công) đã không có tiếng nói chung, khiến tiến độ càng thêm chậm.

Và sự dây dưa này đã khiến công trình này trở thành công trình xuyên thế kỷ, kéo dài hàng chục năm trời vẫn chưa xong. Đến nỗi, hàng rào là hạng mục được làm trước nhất, các thanh sắt và tường rào đã mục gần hết.

Sau nhiều lần họp bàn, tháo gỡ vướng mắc, cái mốc khánh thành lại được dời đến 2/9/2004, rồi sau đó là 30/4/2005 nhưng rồi lại "kẹt" chuyện vốn. Cho đến ngày 27/5/2005, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phải ký kết bàn giao công trình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trực thuộc UBND TP Cần Thơ về Bộ Y tế trực tiếp là cơ quan chủ quản công trình này nhằm tăng nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Công trình này tiếp tục dự kiến khánh thành dịp 30/4/2006. Ngay sau đó, các ngành hữu quan lại chọn thời điểm 19/8/2006, để khánh thành và đầu tháng 9 đi vào hoạt động khám chữa bệnh, nhưng đến nay, chắc có lẽ sắp có một lời hứa "dự kiến" nữa được đưa ra?

Công trình Bệnh viện Đa khoa Trung ương hoành tráng, bề thế nhưng đến giờ vẫn chỉ là khối bê tông to đùng, chịu nắng, chịu mưa suốt hai thập kỷ qua. Đến nay, đã qua 5 đời giám đốc mà bệnh viện vẫn chưa hoàn thành, người dân cũng không dám tin vào lời hứa khánh thành mà chỉ muốn "nhìn thấy mới tin".

Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ (mới), 2 thập kỷ chưa xây xong.

Bệnh nhân, bác sĩ đều sợ bệnh viện sập!

Trong khi chờ đợi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khánh thành, cũng chừng ấy thời gian, bệnh nhân và y, bác sĩ phải hồi hộp sống dưới mái bệnh viện sắp sập, không đảm bảo vệ sinh, vô trùng, lây nhiễm bệnh tật.

Đó là hiện trạng của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lâu nay đang sử dụng (tại góc ngã 3 đường Châu Văn Liêm và đường 30-4).

Những tòa nhà chính của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ hiện nay đã có tuổi thọ trên 100 năm. Những kiến trúc sư người Pháp xây dựng tòa nhà này đã có giấy báo gửi đến thông báo, toà nhà đã hết hạn sử dụng, yêu cầu di dời gấp từ 10 năm nay.

Ngay trước cổng bệnh viện là một trong những điểm mất trật tự an toàn giao thông nhất ở TP Cần Thơ. Bên trong bệnh viện, chúng tôi ghi nhận, đội quân bán vé số cũng hiên ngang vào tận giường bệnh Khoa Sản để mời sản phụ mua vé số.

Từ khu hành lang Khoa Sản đi qua khu vực Phòng Cấp cứu, Phòng Khám - Điều trị vô sinh, Nhà mổ, Khoa Ngoại chấn thương, Khoa Nhiễm… chúng tôi thấy có rất nhiều đoạn cống thoát nước lộ thiên bị bể, mất nắp phần lớn.

Từ đây có thể thấy dòng nước đen trộn lẫn với đủ loại chất thải và mùi hôi nồng nặc bốc lên. Những bệnh nhân bị các vết chấn thương hở, bệnh nhân sau phẫu thuật chấn thương, bỏng phải đối diện với nguồn ô nhiễm này.

Bên trong phòng bệnh của khoa này, những bức tường thấm nước rêu loang lổ từ nhà vệ sinh phía trên đã khiến tường bị mục, có thể đổ bất cứ lúc nào. Trong phòng bệnh, dịch vụ máy lạnh, các hộ lý phải lấy xô nước hứng nước từ tường thấm xuống, mỗi ngày cả xô.

Một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này, cho biết, "trong 2 năm qua, chưa thấy bệnh viện làm vệ sinh quét vôi lên tường bao giờ". Một bác sĩ khác xin được giấu tên cho biết, bệnh viện không hề trang bị thêm thiết bị y tế.

Tại bệnh viện có một máy CT (máy chụp cắt lớn điện toán) nhưng thường xuyên không sử dụng được, mỗi khi có việc cần, phải nhờ Bệnh viện Quân đội 121. 

Bác sĩ chuyên mổ bụng được phân công chữa bỏng, ngoại chấn thương!

Khi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thuộc Bộ Y tế thì ngành Y tế Cần Thơ cảm thấy lạnh lưng, khi TP Cần Thơ không có BVĐK cấp thành phố. Từ đó, Cần Thơ thành lập Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.

Việc thành lập Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chỉ là bệnh viện  ảo, vì thực tế bệnh viện này chưa có trụ sở, tạm thời phải sống nhờ Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều. Điều đáng buồn cho người bệnh là trước đây với đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ gần 300 con người đã làm không xuể công việc trước số lượng bệnh nhân quá tải thì ngày 16/4/2007 vừa qua, 1/3 số y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn giỏi được điều về Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, trong khi bệnh viện này chưa có đủ cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị y tế để các bác sĩ làm việc.

Hơn thế nữa, 1/3 y, bác sĩ được điều về Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ lại được phân công công việc trái chuyên môn. Ngay trong ngày 16/4, nhiều bác sĩ nhận nhiệm vụ mới cho biết, họ được nghỉ mát 1 tuần vì bệnh viện không có việc làm.

Chưa hết, đa số những y, bác sĩ chuyển về bệnh viện mới bị phân công tréo ngoe về chuyên môn. Điển hình như bác sĩ N., trước đây là Phó khoa Ngoại tổng hợp, có chuyên môn sâu về tổng quát (phẫu thuật bụng) nhưng khi về Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ được phân công làm Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng (chuyên phẩu thuật tay chân và trị bỏng)(?!).

Trong khi đó, bác sĩ L., chuyên khoa Ngoại niệu lại được phân công làm Khoa ngoại tổng quát (chuyên phẫu thuật bụng).

Trước hàng loạt sự phân công tréo ngoe về chuyên môn, các bác sĩ đã bất bình, phản ứng. Nhiều bác sĩ cho biết, sau một tuần nghỉ mát, nếu không được phân công đúng chuyên môn, họ sẽ lên TP Hồ Chí Minh để xin việc làm ở những bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh hoặc ra lập phòng khám tư nhân.

Thực trạng trên đang là mối lo ngại cho ngành Y tế TP Cần Thơ, sẽ bị chảy chất xám bởi phân công công việc trái chuyên môn, rất nguy hại cho công tác chăm sóc sức khỏe

Nam Giao
.
.
.