Hồi sinh vùng phá Tam Giang - Cầu Hai

Thứ Bảy, 25/06/2011, 18:38
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, với diện tích hơn 22.000ha, là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Vùng đầm phá này là nguồn sinh kế của hàng chục ngàn dân sinh sống trên sông nước và ven bờ. Tuy nhiên do những tác động tiêu cực từ nuôi trồng thủy sản thấp triều, sự đánh bắt quá mức của người dân, ô nhiễm từ chất thải nông nghiệp… khiến nhiều loài cá tôm dần bị cạn kiệt. Để nguồn lợi thủy sản ở đây khỏi suy kiệt, cần có những "ngôi nhà" an toàn cho chúng.

Hiện đang có khoảng 300 nghìn cư dân sinh sống ở xung quanh vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đời sống của họ gắn liền với việc khai thác trực tiếp nguồn tài nguyên trong đầm phá. Tuy nhiên, nguồn thủy sản ngày đang cạn kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Đây cũng là hậu quả của việc đánh bắt, khai thác ồ ạt, thiếu quy hoạch suốt một thời gian dài. Có dịp tiếp xúc với nhiều ngư dân vùng đầm phá, họ đều cho rằng cá, tôm, cua… ở đây đang ngày bị suy kiệt.

Ông Trần Minh, một ngư dân ở thôn ngư Mỹ Thạnh, huyện Quảng Điền cho hay: "Trước đây cá tôm vô kể ngư dân đánh bắt thoải mái, còn bây giờ đã thưa dần, đánh cả ngày chẳng đủ mua gạo...". Còn anh Nguyễn Thạ, một ngư dân ở huyện Phú Vang, tâm sự: "Hơn 10 năm trở về trước mỗi ngày chài lưới trên phá, gia đình tui thu nhập 300 - 400 nghìn đồng, vậy mà hiện nay đánh bắt bữa có, bữa không. Tôm, cá, cua bị bắt cạn kiệt hết rồi, ví như loài cá nâu, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao, hiện nay xuất hiện rất ít ở vùng phá Tam Giang.

Nhiều người dân trong vùng trước đây vốn làm nghề đánh bắt nay đã chuyển sang nghề khác, thanh niên nam, nữ lớn lên tìm đường khác làm ăn". Việc nguồn thuỷ sản trên phá Tam Giang bị cạn kiệt dần là nguyên nhân của việc đánh bắt một cách ồ ạt và thiếu hợp lý. Sản lượng khai thác vùng đầm phá Tam Giang trước đây là 4.500 tấn/năm, đến nay chỉ còn chưa đầy 2 nghìn tấn/năm. Hiện một số loài cá, tôm, cua... đặc thù và cho giá trị kinh tế cao ở vùng Tam Giang - Cầu Hai ngày một ít đi, một số loài hầu như không còn xuất hiện.   

Hiện trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tồn tại 6 loại nghề khai thác cố định và 8 loại nghề khai thác lưu động với hơn 5 nghìn phương tiện liên tục khai thác. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang tiến hành sắp xếp lại nò sáo, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên thủy sản, ổn định đời sống của nhân dân. Theo đó, khoảng 40% hộ ngư dân làm nghề nò sáo được hỗ trợ chuyển sang hình thức đánh bắt khác.

Đánh bắt cá, tôm bằng nò sáo chằng chịt trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ngày càng bị suy kiệt. Các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lần lượt có bốn khu bảo vệ thủy sản ở vùng đầm phá với diện tích hơn 100ha ra đời. Gồm khu bảo vệ thủy sản Cồn Chìm (xã Vinh Phú, Phú Vang) diện tích 23,6ha; khu bảo vệ thuỷ sản Cồn Cát (xã Điền Hải, Phong Điền) diện tích 17,7ha; khu bảo vệ thủy sản Doi Chỏi (Phú Diên, Phú Vang) 30,4ha, khu bảo vệ thủy sản Đập Tây - Chùa Ma (Vinh Giang, Phú Lộc) với diện tích 30ha.

Các khu bảo vệ thủy sản này góp phần hình thành nên một hệ thống khoanh vùng bảo vệ thủy sản, giao cho cộng đồng ngư dân tổ chức quản lý. Chính sự ra đời của các mô hình này giúp bảo tồn đa dạng sinh học trên vùng đầm phá. Cũng tại đây đã hình thành nên được bãi giống, bãi đẻ trong ổn định tự nhiên. Các loài tôm, cá, cua được bảo vệ, sinh sản, sinh trưởng...; sau đó nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm phá xung quanh, nơi ngư dân được phép khai thác. Nhiều địa phương trong vùng còn xây dựng được 16 mô hình tổ tự quản, phát huy vai trò cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm phá.

Ông Phan Chiến, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn 8, xã Điền Hải (Phong Điền) cho biết: "Mặc dù đã hình thành khu bảo vệ thủy sản, nhưng ngư dân vẫn đánh bắt trái phép ở khu bảo vệ thủy sản Cồn Cát. Để bảo vệ bà con ngư dân trong chi hội tự đóng tiền để mua thuyền công suất lớn để tuần tra bảo vệ".

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay: Các khu bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng với những ưu điểm chi phí đầu tư thấp, dễ quản lý, quy mô nhỏ nên dễ dàng được nhân dân và chính quyền địa phương chấp nhận. Nó đã góp phần giúp các loại cá tôm vùng đầm phá ngày càng "hồi sinh".

Đài Trang
.
.
.