Hồi sinh cây dược liệu quý trên vùng đấy khó
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, Ba Chẽ vốn là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Ninh, đất rừng là chủ yếu, dân sống thưa thớt, người dân sống dựa vào rừng là chính.
Trước đây, cây ba kích vốn được người dân trong vùng khai thác tự nhiên, theo đó nguồn tài nguyên cũng ngày một cạn kiệt dần. Để giữ và phát triển nguồn cây dược liệu quý của vùng, UBND huyện Ba Chẽ đã xây dựng và đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất các loại cây thảo dược như cây ba kích, chè hoa vàng, kim ngân, sâm cau, nấm lim, nhân trần, kim tiền thảo. giảo cổ lam, đinh lăng… nhằm phát triển được nguồn dược liệu quý, phù hợp với thổ nhưỡng trong vùng, đồng thời tạo việc làm và đem lại thu nhập cho người dân.
Đón chúng tôi ngay cạnh bìa rừng, ông Lê Công Tiềm, Chủ nhiệm HTX Toàn Dân ở xã Thanh Lâm, đã dẫn chúng tôi đi thăm các khu vực đồi đã được phủ kín cây ba kích tím, phát triển tốt dưới những tán keo, cây rừng xen kẽ tạo bóng mát cho cây sinh trưởng tốt.
Theo ông Tiềm, với những quy trình trồng và chăm sóc tốt sau 3 năm, mỗi gốc cây ba kích sẽ cho thu hoạch 3,5-4kg củ tươi, bán với mức giá từ 200 nghìn đồng/kg.
Vườn ươm cây ba kích tím của HTX Toàn Dân. |
Chỉ tay về những cánh rừng đang được làm đất, mở đường để trồng cây ba kích tím, ông Tiềm cho biết, HTX Toàn Dân được giao hơn 1.200ha, HTX đã trồng hơn 1.000ha keo đến nay đã đến kỳ thu hoạch, song HTX chưa thu hoạch mà đang cắt, tỉa để thu hoạch cây gỗ lớn, nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhận thấy cây ba kích tím là một loại thảo dược quý, cho hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2012, HTX đã trồng thử nghiệm loại cây này.
Qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và liên kết với các doanh nghiệp khoa học và Viện Cây trồng Trung ương trong việc sản xuất, ươm tạo cây giống, đến nay HTX đã trồng mới được hơn 100ha cây ba kích tím theo phương pháp nuôi cấy mô. Với kinh phí từ 250-300 triệu đồng/ha, đến nay cả trồng rừng và trồng ba kích tím, HTX đã đầu tư vào khu vực này hơn 70 tỷ đồng.
Cùng với mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, ông Tiềm cũng ấp ủ một dự án đầu tư nhà máy sản xuất và chế biến ba kích tím theo công nghệ nano, để cho những sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn.
Bên cạnh cây ba kích tím, chè hoa vàng ở Ba Chẽ hiện đang là cây trồng cho thu nhập cao với mức giá 15 triệu đồng/kg khô; hoa tươi thu mua với giá 1,5 triệu- 1,6 triệu đồng/ kg. Tới xã Đạp Thanh thăm vườn trồng và ươm giống cây chè hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh mới thấy được tâm huyết của những người làm giàu từ đất, thuần phục những cây dược liệu quý từ tự nhiên về trồng đại trà trên vùng đất khó.
Anh Nịnh Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cho biết, bắt đầu từ năm 2006 thấy Trung Quốc thu mua loại chè này với giá rất cao, người dân chủ yếu vào rừng thu hái tự nhiên, với mức khai thác tận cùng nguồn hoa này ngày càng khan hiếm.
Trước một nguồn lợi lớn từ rừng, anh đã tìm cây giống từ rừng, đem về ươm trồng, chiết cành, ươm hạt bán giống cho người dân trong xã. Hiện trong xã có khoảng 50-60 hộ tham gia trồng giống chè này.
Bà Vỹ cho biết, trà hoa vàng được các nhà khoa học chứng minh có khả năng kiềm chế được sự sinh trưởng của khối u, giảm cholesterol trong máu, chữa xơ cứng động mạch do lượng mỡ trong máu cao...
Theo Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, hiện mô hình trồng thâm canh cây ba kích tím theo công nghệ mới đang có tín hiệu tốt. Định hướng của huyện đến năm 2015 sẽ trồng được 200ha ba kích tím, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung tại các xã Lương Mông, Minh Cầm, Thanh Lâm, Đồn Đạc, Nam Sơn. Việc mở rộng vùng nguyên liệu cây ba kích sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân trên địa bàn....