Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ I tại Malaysia

Thứ Ba, 13/12/2005, 21:23

Ngày 14/12, lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham gia của đại diện 16 quốc gia, trong đó gồm 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

EAS được coi là sự bổ sung cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN + 3 và là diễn đàn hợp tác quan trọng trong tương lai.

Có thể thấy rằng chưa bao giờ Đông Á lại phải đương đầu với nhiều thách thức nghiêm trọng như hiện nay: khủng bố, dịch bệnh, thiên tai... Hàng loạt vấn đề chiến lược phức tạp, an ninh phi truyền thống... đã trở thành điểm mấu chốt dẫn đến tương lai của cả một khu vực. Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được coi là một phần quan trọng trong phản ứng của tập thể khu vực trước những biến đổi sâu sắc diễn ra trên thế giới như toàn cầu hóa, thách thức của hoạt động khủng bố quốc tế và những ảnh hưởng mạnh mẽ của các loại công nghệ mới. Bên cạnh đó, EAS còn tạo thời cơ để định hình khu vực Đông Á theo hướng duy trì tối đa sự năng động kinh tế, tăng cường an ninh khu vực, giữ gìn hòa bình và ổn định giữa các nước thành viên EAS.

Với mục tiêu xác định EAS không phải là diễn đàn thay thế cho APEC, ARF hay ASEAN+3, "Chương trình nghị sĩ cho EAS" trong Hội nghị đầu tiên này được đưa ra với 30 khuyến nghị chính sách về sự hợp tác trong khu vực để các nước thành viên xây dựng lòng tin với nhau. Những vấn đề như khủng bố, cướp biển, an ninh biển, an ninh y tế, an ninh con người đều được đưa ra bàn thảo với tiêu chí là nâng cao mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ giữa các nước thành viên. Những đánh giá chính xác về tình hình khủng bố trên biển và cướp biển tại eo biển Malacca sẽ là bằng chứng để EAS đưa ra việc phát triển một hệ thống kiểm tra, giám sát an ninh, chống rửa tiền bất hợp pháp, buôn người, buôn lậu ma tuý và chống khủng bố.

Trong điều kiện thế giới đang phải đối phó với dịch cúm gia cầm, việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan y tế trong từng nước và giữa các quốc gia với nhau để đối phó tốt hơn với dịch bệnh cũng được coi là một trong những chủ điểm của Hội nghị EAS đầu tiên này. Việc soạn thảo các Hiệp định khu vực về kiểm soát thảm họa thiên nhiên và đối phó với những trường hợp khẩn cấp được xem xét đồng thời với việc thành lập một quỹ của khu vực xóa đói giảm nghèo.

Nhưng vượt lên tất cả, vấn đề kinh tế chi phối toàn bộ chương trình nghị sự của EAS. Trong hai thập kỷ qua, các nền kinh tế Đông Á ngày càng hội nhập và liên kết với nhau. Buôn bán giữa các nước trong khu vực năng động này đã góp phần làm cho thương mại của Đông Á tăng từ 35% vào năm 1980 lên 54% vào năm 2003. Con số này có nghĩa là vào năm 2003, hơn một nửa giá trị thương mại của Đông Á là buôn bán giữa các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, cơ chế tài chính khu vực hay còn gọi là "Sáng kiến Chiang Mai" (CMI) đã mở đường cho việc hình thành Quỹ tiền tệ châu Á (AMF), tăng cường cấu trúc tài chính khu vực và có thể dẫn đến việc đưa vào sử dụng đồng tiền chung của khu vực. Ngân hàng châu Á (ADB) đang tổ chức nghiên cứu khả thi về thành lập một "Đơn vị tiền tệ châu Á", tiền thân của đồng tiền chung của khu vực.

Việc mỗi nước tham dự EAS đều có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN cũng là một trong những thuận lợi cho việc hội nhập kinh tế... Ngoài những vấn đề đã nêu, Hội nghị cấp cao lần này cũng là dịp để các thành viên EAS xác định phương hướng, khuôn khổ hợp tác của Diễn đàn

H.C

.
.