Học sinh "xả hè" trên mạng

Chủ Nhật, 05/07/2009, 14:25
Nghỉ hè, trong khi các học sinh nữ tuổi ô mai bị cuốn vào trò "chát chít", thì các nam sinh lại bị hấp dẫn bởi games.

19h, cái giờ mà mọi người thường quây quần bên mâm cơm nhưng nhóm bạn bè có tên trong list chat (danh sách trong phòng chát) của Nguyễn Khánh Ly, học sinh lớp 8 đều mặt vàng (đang online). Bản thân cô bé thì vừa ăn cơm vừa trò chuyện với những người bạn liên tục "nhảy" vào. Thấy tôi ngạc nhiên về sự "bận rộn" của cô bé, chị Nguyễn Thy Hà, mẹ của Ly than thở: "Từ hôm nghỉ hè, cả ngày nó cứ "ôm" cái máy tính".

"Chát" và "chát"

Tò mò, tôi nhìn vào cửa sổ phòng chát của Linh và đọc thấy, cô bé "treo" status "nghỉ hè chán quá". "Sao lại chán hả cháu?", tôi tò mò hỏi, "thì nghỉ hè, cả ngày cháu chỉ ở nhà, may mà các bạn cháu đều lên mạng, chứ không thì cháu chẳng biết nói chuyện cùng ai". Nghe câu trả lời của cô bé, tôi ngẫm nghĩ một lát và thấy đúng.

Trong năm học, cứ 7h sáng là bố mẹ đi làm, con đi học. Vào mùa nghỉ hè thì con ở nhà. Mấy năm trước, cứ nghỉ hè là con bé "ôm" lấy cái tivi. Nhà lắp truyền hình cáp nên chương trình khá đa dạng, có nhiều kênh hợp với lứa tuổi nhi đồng. Thế nhưng năm nay, con bé đã lớn, nó đâu còn "đam mê" với trò hấp dẫn con nít nữa.

"Mỗi ngày cháu "chát" bao nhiêu tiếng?", tôi lên tiếng hỏi. "Cháu không rõ nhưng có hôm ngồi cả ngày, miễn là còn người trong list đang online", Ly nói. "Bọn cháu nói với nhau những chuyện gì?", tôi hỏi tiếp. "Nhiều chuyện lắm, với mỗi bạn, nói một kiểu nên chẳng bao giờ cạn đề tài. Nào là chuyện quần áo, đầu tóc, nhận xét về nhau và cả chuyện yêu đương nữa”...

"Thế cháu có "chát" với bạn trai không?", tôi hỏi tiếp. "Có chứ, bọn con trai lớp cháu cũng hay vào phòng chát lắm". "Thế các cháu nói chuyện gì?", tôi hỏi. "Thì cũng đủ thứ chuyện linh tinh", Ly nói.

Con ở nhà thì bố mẹ yên tâm nhưng kỳ thực họ khó lòng kiểm soát được khi chúng trên thế giới ảo.

Nhìn vào những "cửa sổ" đang "chát" với Ly, tôi choáng vì kiểu chữ đang hiện lên và cố đọc cũng không thể nào luận ra. "Cháu gõ bằng phông chữ gì vậy?", tôi hỏi. "Cháu gõ Vietkey đấy", Ly cho biết. Là một người thường xuyên dùng Vietkey, nhưng tôi cũng bó tay với kiểu chữ này. Ly cười và giải thích, thực ra gõ kiểu chữ này không có gì là bí hiểm cả. Chỉ là cách sử dụng thêm các dấu, và thay thế các ký tự thông thường như "h" bằng "k"... "Tại sao lại phải dùng cách gõ chữ kiểu này?", "đấy là ngôn ngữ của 9X, cô không biết à?", Ly đắc chí khoe.

21h, tại hàng Internet trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, các teen nữ cũng miệt mài "chát". Trò chuyện với người quản lý tên Toàn, tôi biết đang nghỉ hè nên khách hàng của mình chủ yếu là học sinh.

"Chẳng biết chúng nó trò chuyện với nhau những gì nhưng có cháu ngồi lỳ ở đây cả ngày", anh Toàn cho biết. Tôi liếc qua các "cửa sổ" đang sáng đèn và đều thấy hiển thị những ký tự giống kiểu chữ mà cháu Ly sử dụng. Thật khó chấp nhận thứ ngôn ngữ quái dị kiểu này.

Chị Nguyễn Thy Hà, phụ huynh của cháu Ly cho biết, do đang nghỉ hè nên cứ để cho con "chát chít" thoải mái. "Có không muốn cho chúng nó chát cũng không được, vì nhà đã nối mạng. Mà nếu nhà không có mạng thì chúng ra hàng. Đằng nào cũng không cấm được thì để chúng ngồi nhà mà chát còn hơn ra ngoài", chị Hà tâm sự. Tôi hỏi, chị có biết cháu chát với ai và trò chuyện những gì với bạn chát không thì nhận được cái lắc đầu. Chị chỉ có niềm tin là con mình không chát với kẻ xấu.

Thực tế cho thấy, chỉ có niềm tin thôi thì chưa đủ, bằng chứng là trên thế giới ảo, con chị có thể chát với cả những người không quen biết. Rất nhiều các bé gái tuổi teen là nạn nhân của những kẻ xấu mà kênh kết nối là Internet, đây hẳn là sự cảnh rất cần các bậc phụ huynh như chị Hà phải lưu tâm.

Luyện games

Trong khi các học sinh nữ tuổi ô mai bị cuốn vào trò "chát chít", thì các nam sinh lại bị hấp dẫn bởi games. Cũng phải thôi, con trai thường thích chinh phục, cho dù đó chỉ là trên thế giới ảo. Trần Minh Bằng, học sinh lớp 7 đã biết giấu bố mẹ down games về máy tính để chơi mỗi khi bố mẹ ngắt mạng. Theo Bằng, do chưa cao thủ bằng mấy đứa bạn cùng lớp nên hè này, cháu muốn "luyện công".

Bố mẹ Bằng là người nghiêm khắc, chỉ cho phép con online khi có mặt ở nhà để kiểm soát. Những lúc đi làm là họ ngắt mạng. Khổ nỗi, mạng nhà Bằng lại mắc chung cùng với nhà hàng xóm để tận dụng hết gói thuê bao 200.000đ/tháng nên lịch cắt đã được bố mẹ ấn định với chú hàng xóm.

Y lệnh, 7h sáng bố mẹ ra khỏi nhà là lại mất mạng. Bố mẹ cậu đều đinh ninh, không có mạng con mình sẽ chẳng có cơ hội mà "chiến đấu" trên thế giới ảo. Họ không thể ngờ, cậu con trai sẵn sàng ăn mì tôm vào bữa trưa để có thời gian "tôi luyện" nhờ những phiên bản games đã down load từ trước.

Tại các quán games trong ngõ Tự Do, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, không khí "chiến đấu" những ngày này có vẻ trầm lắng hơn trong năm học. Một chủ quán games lý giải, sự ế ẩm này là do sinh viên đang nghỉ hè. Lượng khách những ngày này phần lớn là những học sinh được nghỉ hè.

Còn tại một quán Internet trên đường Lương Thế Vinh, tôi gặp một nhóm học sinh lớp 10 đang ngồi gác chân lên ghế để "chiến". Nhìn các cậu vận quần sóoc, áo phông đủ biết đây là thời gian không bị bó buộc bởi đồng phục và cặp sách. Tôi hỏi Nhật, một cậu có dáng vẻ thư sinh, tại sao không chơi ở nhà. Nhật bảo, cả hội lên mạng chát rồi hẹn ra đây để "chiến" cho khí thế.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong những ngày hè, nhiều học sinh vùi đầu vào "nét" vì sự hấp dẫn của thế giới này và cũng để giết thời gian. Tháng 6 và nửa đầu tháng 7, phần lớn các trường đều không có chương trình học hè. Các điểm vui chơi công cộng thì ít ỏi và không mấy hấp dẫn. Con ở nhà thì bố mẹ yên tâm nhưng kỳ thực họ khó lòng kiểm soát được khi chúng trên thế giới ảo.

Trong khi đó, tỷ lệ các gia đình lắp Internet cao, nhiều bậc phụ huynh còn mù tịt về loại mạng không dây nhưng vẫn lắp đặt theo yêu cầu cho các con. Và thế là cơ hội "xả mùa hè" trên "nét" được các cô bé, cậu bé tuổi ô mai tận dụng.

Những cảnh báo về việc lạm dụng Internet, đặc biệt với đối tượng là học sinh đã được các cơ quan chức năng phát ra, nếu phụ huynh không lưu tâm và kiểm soát con mình, rất khó tránh khỏi những hệ lụy xấu

Cao Hồng
.
.
.