Học sinh vùng lũ gian nan đường đến trường
Gần 4.000 học sinh vượt sóng đến trường
Từ nửa tháng nay, hàng ngàn học sinh ở huyện An Phú đều phải đi đò, chòng chành trên con nước lớn để vượt qua những cánh đồng mênh mông nước, rình rập nguy hiểm mới đến được trường học. Ông Phan Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết: “Số học sinh phải đi bằng đò đến trường cũng tăng nhanh trong những ngày lũ vừa qua. Hiện toàn tỉnh có gần 4.000 học sinh phải đến trường bằng đò, tập trung chủ yếu tại các huyện An Phú và thị xã Tân Châu”.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học “B” Vĩnh Hội Đông, toàn trường có 522 học sinh, thì 174 học sinh phải đến trường bằng đò mỗi ngày. Còn trên tuyến tỉnh lộ 957, nước lũ cuồn cuộn chảy đã làm ngập con đường, khiến con đường đến trường của các em học sinh trở nên xa và khó khăn hơn. Đang lội bì bõm dưới nước cùng các bạn học chung trường, em Quách Văn To - học sinh lớp 5C Trường Tiểu học “C” Phú Hội nói: “Hôm nay chờ đò lâu quá, em và các bạn rủ nhau lội nước về trước vì chiều còn phải đi học nữa”.
Thông tin từ Phòng Giáo dục huyện An Phú cho biết, huyện có gần 2.000 học sinh đến trường bằng đò. Trong đó, hơn 800 em học sinh của các xã Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Lộc, Phú Hội, Vĩnh Hậu. Số học sinh phải đi bằng đò đông nhất là tại 2 xã Phú Hội và Vĩnh Hội Đông, mỗi xã có hơn 300 em phải đến trường bằng đò. Còn lại là gần 1.100 em học sinh con em các kiều bào từ nước bạn Campuchia về học tập tại các điểm trường của 2 xã Khánh An, xã Khánh Bình. Huyện An Phú cũng đã tổ chức 27 điểm đưa rước học sinh, trong đó xã tổ chức 16 điểm (723 học sinh), gia đình tự tổ chức 9 điểm (657 học sinh), còn lại do các em đi học bằng đò ngang...
Các em học sinh huyện An Phú phải đến trường bằng đò, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. |
Ngành giáo dục tích cực hỗ trợ
6h sáng, bến đò Mương Chùa (xã Khánh An, huyện An Phú) nhộn nhịp hẳn lên. Từng tốp học sinh ở các ấp thuộc xã Pẹc Chạy (huyện Kohthum, tỉnh Kandal, Campuchia), bước nhanh xuống đò để băng ngang qua dòng sông Hậu, đến các điểm trường trên ở huyện An Phú. Phần lớn là con em của các gia đình kiều bào có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống và làm ăn bên nước bạn Campuchia, về Việt Nam học tập.
Anh Nguyễn Văn Hậu (ngụ ấp Bắc Nam, xã Pẹc Chạy) bộc bạch: “Mùa nước nổi nào mình cũng đưa con qua đây học, rùi chờ cháu tan tầm đón về nhà. Hơi vất vả nhưng vì thương con, cũng muốn cháu học được con chữ nên cũng cố gắng đưa cháu đi”.
Ngày 2 buổi, ông Biện Văn Lành (ngụ ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện An Phú), có nhiệm vụ đưa 4 đứa cháu ngoại đang học cấp 1 ra bến đò, mặc áo phao cẩn thận để qua sông đi học rồi mới về nhà. Còn vào ngày thứ bảy, chủ nhật vợ chồng ông phải trông giữ 4 đứa cháu để cho các con ông mưu sinh bằng nghề chài lưới. Ông Lành tâm sự: “Trong 4 đứa cháu thì chỉ có 1 đứa học lớp 4 là biết bơi thôi. Còn lại 3 đứa mới học lớp 1 thì còn nhỏ quá… nên sau mỗi bữa các cháu tan học, vợ chồng tôi cũng phải đứng đợi ở bến đò để đưa mấy đứa nhỏ về. Năm nay lũ lớn quá, sợ tụi nhỏ sơ sảy té xuống nước”.
Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, ngành Giáo dục tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, phối hợp cùng các ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức đưa rước các em học sinh tại các điểm tập trung và trang bị hàng ngàn áo phao để đảm bảo an toàn cho các em học trong những ngày lũ dữ.
Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cũng đã trang bị hơn 1.300 áo phao cho các em học sinh tại các xã đầu nguồn vùng lũ phải đi học bằng đò và cũng đang kiến nghị khẩn cấp với BCH PCLB-TKCN tỉnh trang bị thêm 500 áo phao, đồng thời vận động hỗ trợ thêm để trang bị cho học sinh, nhằm bảo đảm an toàn cho các em đến trường. “Trong trường hợp mực nước lũ lên nhanh và ngày càng mạnh hơn thì ngành sẽ xem xét cho học sinh nghỉ học một khoảng thời gian để đảm bảo an toàn cho các em” - ông Bình nói
Theo thống kê của BCH PCLB&TKCN tỉnh An Giang: Từ cuối tháng 9 đến những ngày đầu tháng 10, 1.364 học sinh tại 20 điểm trường bị ngập phải tạm nghỉ học (trong đó 14 điểm trường mầm non, 6 điểm trường tiểu học). 11 điểm trường ở các huyện An Phú và Tịnh Biên bị sạt lở. Tính đến chiều 5/10, toàn tỉnh có 54 điểm trường bị ngập lụt, với 6.554 học sinh bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Đường đến trường bị ngập từ 0,3 - 0,5m, giáo viên và các em học sinh phải sử dụng phương tiện đường thủy đến đường. |